Đà Nẵng: Lo ngại tình trạng để thực hiện dự án mà đẩy người dân ra đường
Đà Nẵng: Lo ngại người dân bị đẩy ra đường khi thực hiện các dự án
Diệu Bình
Thứ năm, ngày 16/12/2021 12:15 PM (GMT+7)
Tại phiên thảo luận Kỳ họp thứ 4 HĐND TP.Đà Nẵng khóa X, nhiệm kỳ 2021-2026, sáng 16/12, đại biểu Trần Thắng Lợi nêu lo ngại về vấn đề đảm bảo tái định cư cho người dân trên địa bàn thành phố Đà Nẵng.
Đại biểu Trần Thắng Lợi (Sơn Trà) cho biết, thời gian qua việc đẩy nhanh tiến độ công tác đền bù giải toả, giải phóng mặt bằng các dự án trên địa bàn gặp nhiều khó khăn.
Theo đại biểu này, khó khăn lớn nhất là các trường hợp thuộc diện giải toả xây dựng nhà trên đất không phải là đất ở.
Theo đó, trước đây đối với các trường hợp xây dựng nhà trên đất không phải là đất ở nếu có nhu cầu về nhà ở sẽ được xem xét, đề xuất UBND TP cho mua lô đất đường 5,5m tại khu vực trên địa bàn của quận có giá thị trường thấp hơn so với khu vực giải toả hoặc bố trí khu B khu dân cư Nam cầu Cẩm Lệ. Tuy nhiên, hiện nay quỹ đất đường 5,5m trên địa bàn quận Sơn Trà cũng như 1 số địa phương khác không đủ để cân đối, bố trí cho các hộ giải toả trên địa bàn của quận.
Bên cạnh đó là trường hợp các hộ giải toả đi hẳn nhưng tiền đền bù không đủ để nộp tiền tái định cư.
"Các trường hợp hộ giải toả đi hẳn tại các vị trí kiệt hẻm có giá đền bù thấp nhưng được bố trí tái định cư vào các khu dân cư đã có hạ tầng đầy đủ khiến giá đất tại khu tái định cư cao hơn. Đây là vướng mắc rất lớn trong công tác vận động các hộ bàn giao giải phóng mặt bàng để triển khai thực hiện dự án", đại biểu Trần Thắng Lợi nói.
Đại biểu Trần Thắng Lợi đề nghị, về lâu dài, TP cần nghiên cứu xây dựng các khu chung cư nhà ở xã hội để giải quyết, bố trí cho các hộ giải toả đảm bảo chỗ ở cho các hộ theo chủ trương 3 có của TP để tránh tình trạng thực hiện để dự án mà đẩy người dân ra đường.
Đại biểu Nguyễn Đình Tuấn (Thanh Khê) cho rằng, giá đất tại Đà Nẵng hiện đang rất cao và đăng trở thành gánh nặng đối với các doanh nghiệp đang hoạt động cầm chừng vì Covid-19.
Đại biểu Nguyễn Đình Tuấn lấy dẫn chứng tại Công ty CP và Vận tải Petrolimex Đà Nẵng, trước năm 2019, doanh nghiệp này nộp khoảng 960 triệu đồng/năm thuê 1,2ha để làm nơi đậu, đỗ xe. Tuy nhiên, sau giai đoạn 2019 khi tăng giá đất, doanh nghiệp phải nộp đến 5,6 tỷ đồng.
"So sáng giữa Quảng Nam và Đà Nẵng, khoảng cách không xa bao nhiêu nhưng giá thuê đất hiện nay tại Đà Nẵng gấp 6 đến 7 lần so với tỉnh bạn", đại biểu Nguyễn Đình Tuấn nói thêm.
Trả lời về vấn đề này, ông Tô Văn Hùng, Giám đốc Sở TNMT Đà Nẵng cho biết, bảng giá đất hiện nay tăng gấp 4 lần so với trước đây. Thời gian qua, đơn vị đã nhận rất nhiều kiến nghị về việc điều chỉnh giá đất.
"Đối với kiến nghị phải điều chỉnh giá đất, qua khảo sát thị trường cho thấy kiến nghị này là không có cơ sở theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, Sở cũng rất chia sẻ với doanh nghiệp bằng việc điều chỉnh, giảm bảng giá đất thương mại, dịch vụ và sản xuất kinh doanh, góp phần tháo gỡ một phần khó khăn cho doanh nghiệp trong giai đoạn hiện nay", ông Hùng nói.
Về vấn đề bố trí tại định cư, Giám đốc Sở TNMT Đà Nẵng cho hay, hiện nay, có 1080 trường hợp xây nhà trên đất không phải đất ở khiến cho các dự án đang triển khai chậm tiến độ. Sở đã có báo cáo trình UBND TP xem xét, tìm giải pháp cho vấn đề này.
Ngoài ra, theo ông Tô Văn Hùng, vấn đề khó khăn nhất hiện nay là việc đất nông nghiệp bị người dân lấn chiếm xây dựng nhà trái phép.
Giám đốc Sở TNMT Đà Nẵng chỉ rõ 2 nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do sự buông lỏng quản lý của cán bộ địa phương và trách nhiệm của người dân khi làm việc không đúng theo quy định của pháp luật.
"Về nguyên tắc là phải tháo dỡ, phục hồi lại nguyên trạng", ông Hùng nhấn mạnh.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.