Dân Việt

Xử lý nghiêm những tài xế né tránh, chống đối kiểm tra nồng độ cồn

Biên Thùy 22/09/2021 17:42 GMT+7
Sau khi tăng mức phạt tối đa đối với người tham gia giao thông vi phạm nồng độ cồn, nhiều tài xế đã tung chiêu đối phó mỗi khi bị CSGT... "sờ gáy".

Kể từ ngày 01/01/2020, Nghị định 100/2019/NĐ-CP chính thức có hiệu lực với nội dung tăng mức phạt tối đa đối với người điều khiển phương tiện giao thông vi phạm về nồng độ cồn. Theo đó, người điều khiển xe ô tô sẽ bị phạt tiền từ 30-40 triệu đồng, tước quyền sử dụng GPLX 22-24 tháng khi nồng độ cồn vượt quá 80 mg/100 ml máu hoặc vượt quá 0,4 mg/1 lít khí thở.

Trong trường hợp điều khiển xe mô tô và có nồng độ cồn trong máu cao hơn mức quy định, bạn sẽ bị phạt 6-8 triệu đồng, tước quyền sử dụng GPLX 22-24 tháng. Đối với xe đạp và xe thô sơ, người điều khiển sẽ bị phạt 400.000-600.000 đồng.

Tuy nhiên, thay vì chấp hành nghiêm, nhiều trường hợp vẫn sử dụng nhiều chiêu trò để né tránh kiểm tra nồng độ cồn, qua mắt lực lượng chức năng như quay đầu xe bỏ chạy, xuống xe bỏ đi, rẽ vào đường nhánh tránh chốt kiểm tra, dắt bộ xe qua chốt kiểm soát, … Có trường hợp mặc dù nhận lỗi nhưng kiên quyết không ký vào biên bản vì tiền phạt cao hơn giá trị chiếc xe.

Rõ nhất là việc để một người trong nhóm nhậu không sử dụng đồ uống. Khi cả nhóm ra về thì người này đi xe máy rời khỏi địa điểm ăn nhậu trước để thu hút sự chú ý, khiến lực lượng chức năng giữ lại kiểm tra. Trong khi đó, những người khác đợi một lúc rồi mới đi xe máy rời khỏi quán. Vì thế, lực lượng chức năng phải có thêm các giải pháp để xử lý các trường hợp vi phạm.

Xử lý nghiêm những tài xế né tránh, chống đối kiểm tra nồng độ cồn - Ảnh 1.

Kiên quyết xử lý nghiêm những trường hợp né tránh kiểm tra nồng độ cồn.

Để xử lý triệt để cách đối phó tinh vi của người tham gia giao thông khi đã uống rượu, bia, lực lượng chức năng đã thường xuyên tiến hành biện pháp tuần tra lưu động để không bỏ lọt trường hợp vi phạm. Với trường hợp cố tình chống đối, tổ công tác ghi hình, mời nhân chứng chứng kiến để bảo đảm khách quan. Ngoài ra, đơn vị cử lực lượng cắm chốt xử lý vi phạm, tạo sự khép kín địa bàn.

Biện pháp tuyên truyền kết hợp xử lý nghiêm vi phạm sẽ tạo chuyển biến tích cực. Để đạt hiệu quả, chính quyền địa phương cũng cần đẩy mạnh tuyên truyền, phối hợp xử lý các đối tượng làm việc tại các nhà hàng "mách nước" cho khách né tránh chốt trực của lực lượng công an. Ngoài ra, các cơ quan, đơn vị tăng cường tuyên truyền cán bộ, công nhân viên không uống rượu, bia trong giờ hành chính; đã uống rượu, bia là không lái xe.

Về trách nhiệm của chính quyền địa phương, tăng cường tuyên truyền, dán tờ rơi về các quy định xử lý vi phạm nồng độ cồn khi tham gia giao thông; đồng thời phối hợp với lực lượng chức năng lập chốt trực trước cửa nhà hàng, quán bia để xác định đối tượng có biểu hiện vi phạm, kiểm tra, xử lý theo quy định.

Theo Tiến sĩ Luật Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp, Đoàn Luật sư TP Hà Nội, cho rằng, hành vi không tuân thủ việc kiểm tra nồng độ cồn hay khóa xe bỏ đi đều bị coi là vi phạm pháp luật và bị áp dụng mức xử phạt hành chính cao nhất, thậm chí có thể truy cứu trách nhiệm hình sự về tội chống người thi hành công vụ.

Luật sư Cường dẫn Khoản 10, Điều 5, Nghị định 100/2019/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 1/1/2020 quy định, với hành vi không chấp hành hiệu lệnh trong việc kiểm tra nồng độ cồn, chất kích thích thì người điều khiển xe ô tô sẽ bị phạt tiền từ 30 triệu đồng đến 40 triệu đồng nếu: điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở; không chấp hành yêu cầu kiểm tra về nồng độ cồn; điều khiển xe trên đường mà trong cơ thể có chất ma túy; không chấp hành yêu cầu kiểm tra về chất ma túy.

Luật sư Cường khuyến cáo, dù có những phương tiện giao thông giá trị thấp hơn mức xử phạt, nhưng trong trường hợp này người tham giao thông vẫn phải chấp hành quyết định xử phạt.

Trao đổi với báo chí, Thiếu tướng Nguyễn Văn Trung- Cục trưởng Cục CSGT (Bộ Công an) cho biết, từ khi có Nghị định 100, nhận thức của đại đa số người dân đã được nâng lên, chấp hành tốt quy định, đặc biệt, đã uống rươu bia thì không lái xe.

Tuy nhiên, khác với sự chuyển biến về nhận thức của người dân, một số trường hợp người vi phạm là công chức, người đi trên xe biển số xanh, công vụ lại không thực hiện nghiêm quy định của Chính phủ. Một số trường hợp bị kiểm tra đã chây ì; thậm chí chống đối, có lời nói, hành vi không đúng mực với lực lượng thực thi công vụ.

Xử lý mạnh tay không có "vùng cấm", kết hợp các biện pháp tuyên truyền mạnh mẽ, mong rằng mọi người dân sẽ nâng cao ý thức, đã tham gia giao thông là không sử dụng rượu bia để bảo đảm an toàn cho bản thân và cộng đồng.