Dân Việt

Hơn 1.000 ca mắc Covid-19 mỗi ngày, Hà Nội làm gì để không xảy ra kịch bản như TP.HCM?

Gia Khiêm 17/12/2021 09:49 GMT+7
Với việc ghi nhận số ca mắc liên tục tăng mạnh những ngày gần đây, các chuyên gia đã chia sẻ những điều Hà Nội nên làm mạnh để dịch bệnh không bùng phát mạnh.

"Nếu Hà Nội cứ để số mắc tăng cao không kiểm soát thì tỷ lệ bệnh nặng sẽ tăng cao"

Tối ngày 16/12, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội thông tin ghi nhận thêm 1.330 ca mắc Covid-19 mới. Trước đó, ngày 15/12, Hà Nội cũng ghi nhận 1.357 ca mắc. Việc ca bệnh liên tục tăng mạnh những ngày gần đây khiến không ít người lo ngại về tốc độ dịch có thể bùng phát mạnh tại Hà Nội. 

Hơn 1.000 ca mắc Covid-19 mỗi ngày, Hà Nội làm gì để không xảy ra kịch bản như TP.HCM - Ảnh 1.

PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế). Ảnh: NVCC

Trao đổi với PV Dân Việt về vấn đề này, PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) cho rằng, hiện có nhiều trường hợp nhiễm virus nhưng không có triệu chứng. Chính vì vậy trong giao tiếp, tiếp xúc hằng ngày rất khó để biết được liệu người đối diện hay bản thân mình có mang mầm bệnh hay không. Bên cạnh đó, những hoạt động tập trung đông như người như liên hoan, đám tang, đám cưới... sẽ là môi trường rất tốt để lây lan dịch bệnh.

"Số ca bệnh tại Hà Nội có thể tiếp tục gia tăng trong thời gian tới. Đây là điều chúng ta buộc phải chấp nhận trong bối cảnh sống chung với dịch bệnh. Tuy nhiên, Hà Nội cũng cần sớm kiểm soát tình hình, không để số ca tăng cao hơn nữa, nếu không muốn tình trạng quá tải hệ thống y tế xảy ra", ông Phu nhấn mạnh.

Hơn 1.000 ca mắc Covid-19 mỗi ngày, Hà Nội làm gì để không xảy ra kịch bản như TP.HCM - Ảnh 2.

Số ca mắc Covid-19 tại Hà Nội những ngày qua luôn tăng mạnh. Ảnh: CDC Hà Nội

Theo ông, khi số mắc tăng quá cao, sức chịu đựng của ngành y tế sẽ không đủ. Hậu quả là nhiều trường hợp mắc bệnh, diễn biến nặng sẽ không được tiếp cận với y tế cũng như tư vấn và điều trị kịp thời. Từ đó, tỷ lệ bệnh nhân tử vong cũng sẽ tăng cao.

Với tỷ lệ tiêm vaccine cao, đa số ca bệnh của Hà Nội sẽ chỉ diễn biến nhẹ hoặc không có triệu chứng. Tuy nhiên, cả chính quyền và người dân không nên lấy lý do tiêm vaccine đủ để chủ quan.

Hơn 1.000 ca mắc Covid-19 mỗi ngày, Hà Nội làm gì để không xảy ra kịch bản như TP.HCM - Ảnh 3.

Cấp cứu cho bệnh nhân nặng tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương. Ảnh: Thạch Thảo

"Không phải 100% người dân tiêm đủ liều vaccine sẽ diễn biến nhẹ khi mắc Covid-19. Vẫn có trường hợp diễn biến nặng, tử vong dù đã tiêm vaccine, số lượng này không lớn nhưng có. Khi số mắc tăng cao, y tế quá tải, việc số trường hợp diễn biến nặng, tử vong tăng cao là hệ quả tất yếu. Nếu như trước khi tiêm vaccine 10 ca mắc có một ca nặng, thì nay 100 ca mắc có một ca nặng. Nếu cứ để số mắc tăng cao không kiểm soát thì tỷ lệ bệnh nặng sẽ tăng cao, kéo theo đó là tỷ lệ tử vong", ông Phu cho hay.

Điều quan trọng nhất theo ông Phu, người dân luôn phải tuân thủ thực hiện nghiêm túc các biện pháp 5K tại những nơi ngoài công cộng, đông người. Hơn ai hết vaccine "ý thức" là điều rất quan trọng. Người dân không được chủ quan. Trong giai đoạn hiện nay, người dân nên hạn chế tiếp xúc khi không thực sự cần thiết, tránh những hoạt động, địa điểm có nguy cơ lây lan cao như chợ búa không an toàn, hội họp không an toàn...

Tập trung nguồn lực điều trị bệnh nhân nặng

Về vấn đề này, trao đổi với PV Dân Việt, PGS.TS Nguyễn Việt Hùng, Phó Chủ tịch Hội kiểm soát nhiễm khuẩn Hà Nội cho hay, thành phố cần tập trung vào công tác điều trị, sẵn sàng cho kịch bản dịch còn gia tăng hơn nữa.

Hơn 1.000 ca mắc Covid-19 mỗi ngày, Hà Nội làm gì để không xảy ra kịch bản như TP.HCM - Ảnh 4.

Khu vực cách ly tại quận Đống Đa, Hà Nội. Ảnh: Gia Khiêm

"Chúng ta không nên quá lo lắng về số ca mắc. Quan tâm chính lúc này là tập trung vào việc làm sao phát hiện người chuyển nặng và điều trị để giảm tỷ lệ tử vong. Hà Nội cần có phương án tổ chức điều trị hợp lý cho các bệnh nhân không triệu chứng, triệu chứng nhẹ. Đây là nhóm chiếm đến 70 - 80% tổng số bệnh nhân. Do đó, nếu phương án tổ chức tầng 1 không tốt sẽ dẫn tới các tầng 2, tầng 3 bị rối loạn", PGS Hùng chia sẻ.

Cùng với đó, ông Hùng cho rằng, hiện chỉ có hơn 10% bệnh nhân Covid-19 được điều trị tại nhà là quá thấp. Hà Nội phải nhất quán và quyết liệt theo hướng cách ly và điều trị F0 không triệu chứng/triệu chứng nhẹ tại nhà. Ngoài các trường hợp không đủ điều kiện về cơ sở vật chất để cách ly điều trị tại nhà, chỉ bệnh nhân có dấu hiệu chuyển nặng mới nên đưa tới trạm y tế lưu động để được sơ cấp cứu ban đầu và làm thủ tục chuyển lên tuyến trên.

Hơn 1.000 ca mắc Covid-19 mỗi ngày, Hà Nội làm gì để không xảy ra kịch bản như TP.HCM - Ảnh 5.

Một bệnh nhân nhiễm Covid-19 nặng. Ảnh: Thạch Thảo

"Từng tòa nhà, tổ dân phố nên chủ động có phương án xác định và lập danh sách người dân nào đủ điều kiện cách ly, điều trị tại nhà trước, thay vì đến khi có ca nhiễm mới chờ cơ quan chức năng đến khảo sát. Việc này vừa mất thời gian, thậm chí làm tăng nguy cơ lây lan dịch bệnh trong thời gian chờ đợi được quyết định hình thức điều trị tại nhà hay tập trung", ông Hùng nói.

Ngoài ra theo ông Hùng, kế hoạch hiện nay mỗi trạm y tế lưu động mỗi phường tiếp nhận khoảng 100 F0, chỉ có 5 - 7 nhân viên y tế phụ trách thì khó có thể đảm bảo chăm sóc, điều trị tốt.

"Tại các trạm y tế lưu động, lực lượng chức năng không chỉ cho bệnh nhân uống thuốc, mà còn phải lo vấn đề ăn uống sinh hoạt cho bệnh nhân. Khối lượng công việc lớn sẽ khiến cho nhân viên y tế quá tải. 

Người bệnh không được chăm sóc thật sự tốt, không có người thân ở bên động viên, hỗ trợ dễ dẫn đến mệt mỏi, hoảng loạn và kết quả là bệnh nhẹ thành nặng. 

Việc F0 điều trị tại nhà, có thể tự theo dõi tình trạng bệnh và được quản lý, hỗ trợ từ xa bởi nhân viên y tế có chuyên môn và tổ Covid-19 cộng đồng sẽ giúp giảm tải rất lớn cho hệ thống y tế. Từ đó, nhân viên y tế được giảm tải cũng đảm bảo cho một cuộc chiến lâu dài với Covid-19", ông Hùng nói thêm.