Theo báo cáo của Sở Y tế tỉnh Cà Mau, trong vòng hơn 1 tháng (từ 14/11- 16/12), tỉnh ghi nhận 16.515 ca mắc Covid-19. Đặc biệt, trong 3 ngày gần đây, số ca nhiễm liên tục tăng đột biến.
Cụ thể, ngày 13/12, ghi nhận 793 ca; ngày 14/12 ghi nhận 1.011 ca; ngày 15/12 là 1.072 ca. Đỉnh điểm ngày 16/12, Cà Mau ghi nhận 1.339 ca, nâng số ca mắc của tỉnh lên 20.640 ca và 82 người tử vong.
Theo đánh giá của UBND tỉnh Cà Mau, nguyên nhân khiến các ca mắc Covid-19 trên địa bàn trong thời gian qua tăng cao là do ý thức chủ quan, lơ là của nhiều người dân, kể cả một số cán bộ, đảng viên trong thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch, đặc biệt là thực hiện 5K.
Mặc dù thời gian qua Cà Mau có tiến độ bao phủ vaccine được triển khai nhanh, tỷ lệ cao, nhưng vẫn còn một số người chưa tiêm, hoặc tiêm chưa đủ mũi. Từ đây, tình trạng lây nhiễm là rất cao, chủ yếu là người lớn tuổi, người có bệnh nền và trẻ em dưới 12 tuổi chưa được tiêm chủng.
Bên cạnh đó, công tác kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm của các cơ quan, đơn vị, địa phương có lúc, có nơi chưa kịp thời, còn lơ là, bị động. Nhiều nơi khi có trường hợp F0, rất chậm việc truy vết F1, khâu quản lý F1 còn buông lỏng.
Một số chủ doanh nghiệp còn lơ là trong công tác phòng, chống dịch, nhiều ổ dịch tại các nhà máy, xí nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh bùng phát nhưng chỉ đạo thiếu quyết liệt, chưa có biện pháp dập dịch kịp thời dẫn đến mất kiểm soát ở một số cơ sở.
Nguyên nhân do yếu tố khách quan là hiện nay toàn tỉnh đang đẩy mạnh việc thực hiện xét nghiệm định kỳ trong cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thuộc cơ quan nhà nước và doanh nghiệp, đồng thời vận động nhân dân tự xét nghiệm test nhanh để kịp thời phát hiện sàng lọc, bóc tách F0 ra khỏi cộng đồng, nên số lượng F0 tăng cao.
Tăng cường giải pháp phòng, chống dịch
Trước tình hình ca mắc Covid-19 tăng cao, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Huỳnh Quốc Việt vừa có văn bản gửi Bộ Y tế đề nghị hỗ trợ khẩn cấp cho tỉnh.
Theo UBND tỉnh Cà Mau, để kịp thời khống chế được dịch bệnh, giảm số ca chuyển nặng và tử vong, UBND tỉnh Cà Mau đề nghị Bộ Y tế hỗ trợ khẩn cấp cho thuốc Molnupiravir 50.000 liệu trình điều trị, Favipiravir 20.000 liệu trình điều trị.
UBND tỉnh Cà Mau cũng đề nghị cho phép khẳng định trường hợp nhiễm Covid-19 bằng test nhanh kháng nguyên; khẳng định khỏi bệnh Covid-19 bằng test nhanh.
Bên cạnh đó, tỉnh cũng đề nghị Bộ Y tế khẩn cấp hỗ trợ nguồn nhân lực; hỗ trợ điều trị trường hợp nhiễm Covid-19 tầng 2 và 3. Hiện tỉnh cần 1 đội 10 người, bao gồm: Bác sĩ, điều dưỡng, kiểm soát nhiễm khuẩn có kinh nghiệm trong điều trị bệnh trung bình, nặng và nguy kịch.
Hỗ trợ cho các cơ sở y tế thu dung, điều trị F0 tầng 2 và 3, thời gian 3 tuần, bắt đầu từ ngày 20/12/2021 đến 15/1/2022.
Hỗ trợ điều trị trường hợp nhiễm Covid-19 tầng 1 tại nhà và tại khu cách ly tập trung. Tỉnh Cà Mau đang cần 5 đội, mỗi đội 8 người, bao gồm 2 bác sĩ, 6 điều dưỡng có kinh nghiệm quản lý, điều trị, chăm sóc F0 tại nhà. Thời gian 1 tháng, bắt đầu từ ngày 20/12/2021 đến 22/1/2022.
Ngoài ra, UBND tỉnh Cà Mau cũng đề nghị Bộ Y tế bổ sung vaccine tiêm mũi bổ sung (mũi 3) cho những người có tình trạng suy giảm miễn dịch vừa và nặng.
Đồng thời, Cà Mau đề nghị Bộ Y tế hỗ trợ cấp 65.000 liều vắc xin Pfizer trong tháng 12.2021, để tiêm liều bổ sung hoặc liều nhắc lại cho các lực lượng tuyến đầu chống dịch, những người có yếu tố nguy cơ cao như suy giảm miễn dịch, ghép tạng, ung thư, HIV, các bệnh nền nặng,... nhất là đối tượng trên 50 tuổi được tiêm vắc xin phòng Covid-19.
Để tăng cường kiểm soát dịch Covid-19, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Huỳnh Quốc Việt chỉ đạo ngành chức năng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức của người dân, nhất là triệt để thực hiện 5K.
Ông Huỳnh Quốc Việt yêu cầu Sở Y tế phối hợp với UBND các huyện, TP.Cà Mau thường xuyên cập nhật các cấp độ dịch bám sát với tình hình dịch tại địa phương, trong trường hợp ở những khu vực phức tạp thì tăng cường các biện pháp cao hơn như: Khoanh vùng, khu vực cách ly y tế để chủ động kiểm soát, sàng lọc F0. Tăng cường các biện pháp giám sát, truy vết phát hiện nhanh các trường hợp tiếp xúc với F0 và thực hiện nghiêm các biện pháp cách ly y tế theo quy định...
Yêu cầu các huyện, thành phố trong tỉnh khẩn trương tổng rà soát đối tượng tiêm vaccine trên địa bàn; đẩy nhanh tiến độ tiêm đủ mũi cho 100% người từ 18 tuổi trở lên, hoàn thành trước ngày 31/12/2021 và người từ 12 tuổi đến 18 tuổi hoàn thành trước ngày 30/1/2022. Đồng thời, tổng rà soát người thường xuyên di chuyển, có nguy cơ cao nhưng chưa tiêm đủ mũi; rà soát, thống kê báo cáo tỷ lệ tiêm toàn dân trên địa bàn về Sở Y tế chậm nhất ngày 25/12/2021.
Đối với công tác điều trị và thuốc điều trị, Chủ tịch UBND tỉnh giao các địa phương tăng cường kiểm tra, rà soát và thực hiện tốt việc quản lý, điều trị F0 tại nhà. Huy động các lực lượng thực hiện tốt việc phân loại, chăm sóc, theo dõi người bệnh…
"Các cơ sở thu dung điều trị và bệnh viện dã chiến thường xuyên đánh giá, phân loại nguy cơ và theo dõi sát người bệnh, đảm bảo thuốc điều trị sớm cho người bệnh. Có biện pháp phòng lây nhiễm hiệu quả, an toàn cho các lực lượng làm nhiệm vụ.
Thường xuyên rà soát, sắp xếp, bổ sung nhân lực và nâng cao năng lực y tế cơ sở. Chú trọng năng lực chăm sóc, cấp cứu, điều trị, dự phòng, quản lý người bệnh của tuyến y tế cơ sở để ứng phó chủ động, hiệu quả với tình hình dịch bệnh có thể còn diễn biến phức tạp, kéo dài; tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ công tác điều trị và hậu cần đáp ứng yêu cầu công tác phòng chống dịch bệnh của từng cấp, phù hợp với từng thời điểm cụ thể" - Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau nhấn mạnh.