Hội nghị nhằm góp phần từng bước khôi phục lại ngành du lịch Thủ đô sau ảnh hưởng nghiêm trọng của dịch Covid-19.
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền cho biết, trong 2 năm qua, đại dịch Covid-19 đã làm cho ngành du lịch chịu sự ảnh hưởng nặng nề.
Dịch Covid-19 khiến nhiều doanh nghiệp phải ngừng hoạt động, các khách sạn, cơ sở lưu trú phải đóng cửa. Hoạt động du lịch bị đình trệ đã dẫn tới doanh thu du lịch lữ hành bị giảm sút nhiều gây ảnh hưởng lớn tới nền kinh tế.
Chính vì vậy, Hà Nội cùng với 11 tỉnh, thành phố, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch (VHTTDL), các Hiệp hội du lịch thảo luận, trao đổi những vấn đề cần thiết để "Triển khai hành lang an toàn du lịch giữa các địa phương" trong trạng thái bình thường mới.
Trên cơ sở đó, Sở Du lịch Hà Nội sẽ phối hợp cùng với các tỉnh, thành phố để từ đó đưa ra các kế hoạch tổ chức thực hiện và xây dựng chương trình, sản phẩm du lịch cụ thể. Từ đó, thực hiện mục tiêu kép "vừa bảo đảm an toàn phòng, chống dịch vừa phục hồi, phát triển kinh tế".
Ông Quyền nhấn mạnh, năm 2022, Hà Nội đặt mục tiêu đón 9-10 triệu lượt du khách, trong đó có từ 7,8-8 triệu lượt khách nội địa. Khách quốc tế từ 1,2-2 triệu lượt khách, doanh thu trên 27.000 tỉ đồng. Năm 2023, Hà Nội đặt mục tiêu đón 12-14 triệu lượt du khách, trong đó có 9,5-11,5 triệu lượt du khách nội địa, 2,5-3,5 triệu lượt khách quốc tế, doanh thu trên 42.000 tỷ đồng.
Đồng tình với ý kiến này, ông Đoàn Văn Việt, Thứ trưởng Bộ VHTTDL yêu cầu các địa phương đảm bảo hài hòa giữa phòng chống dịch với tạo điều kiện thuận lợi nhất cho việc di chuyển, sử dụng các dịch vụ của du khách giữa các doanh nghiệp và giữa các địa phương.
Các địa phương trong hành lang du lịch an toàn quan tâm, rà soát, thống nhất các quy định về đi lại, tham quan du lịch tại điểm đến cụ thể để các doanh nghiệp. Trong đó, du khách có thể chủ động lên kế hoạch tổ chức các chuyến đi một cách an toàn hiệu quả.
Đóng góp ý kiến tại hội nghị, bà Vương Thị Hải Yến, Phó Giám đốc Sở VHTTDL Thanh Hóa cho rằng cần cập nhật, công khai danh sách các điểm đến du lịch, các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch đạt tiêu chuẩn an toàn phục vụ khách du lịch tại các địa phương.
Theo bà Yến, để có thể khôi phục ngành du lịch trong tình hình mới, việc hướng dẫn cách thức xử lý tình huống trong đoàn khách du lịch có ca F0, F1 và các quy định về trách nhiệm của các bên liên quan cùng cách thức giải quyết cũng là vấn đề cần lưu tâm.
Tại hội nghị, 12 tỉnh, thành phố: Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hòa Bình, Sơn La, Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai, Hà Giang đã ký kết hợp tác phát triển du lịch an toàn giữa các cơ quan quản lý nhà nước về du lịch trong trạng thái bình thường mới.