Họa sĩ Nguyễn Thu Thủy cho biết, triển lãm là cái nhìn vào ký ức vào nội tâm và quan sát tâm tưởng. Chị cho rằng, người nghệ sĩ tồn tại, hay sống đúng nghĩa trong cõi đời này thông qua tác phẩm của họ, qua điều mà họ gửi gắm đến công chúng, hay họ sáng tạo cho chính mình, chỉ cần cảm xúc được trào ra. Qua thời gian, cảm xúc ấy sẽ tới gần hơn với công chúng.
"Tôi mang sự dương tính mãnh liệt của mình vào nghệ thuật theo một cách mê đắm của đàn bà. Tôi cũng mang sự đa dạng, đa diện của mình vào nghệ thuật một cách riêng. Là một giáo viên đại học, một nhà khoa học, một phượt thủ thích một mình khám giá thế giới, một người vợ, một người mẹ, một họa sĩ… Quá nửa đời người, tôi cứ chia cuộc đời mình thành các đoạn, khám phá tột cùng những năng lực ấy, trải nghiệm rộng để rồi giờ gắng trở nên sâu lắng, đọng mình lại", họa sĩ Nguyễn Thu Thủy chia sẻ.
Nhận xét về triển lãm, ông Lương Xuân Đoàn - Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam cho rằng: Hình tượng đàn bà trong tranh Nguyễn Thu Thủy đã thoát khỏi cách thể hiện hình hài phụ nữ thông thường. Họa sĩ đã xử lý được các khối lập thể mà vẫn giữ được sự mềm mại của dáng hình. Các khối được làm vỡ nhưng tông màu chạy theo trục sáng tối nên không làm mất đi sự nữ tính vốn có của người phụ nữ mà chỉ là sử dụng một ngôn ngữ khác để diễn tả. Những đường lượn, đường cong được tạo khối, giải mã theo một ngữ nghĩa khác nên vẫn hết sức quyến rũ".
Trong khi đó, họa sĩ Hoàng Nghĩa Hiệp (nguyên Phụ trách Khoa Đồ họa ĐH Mỹ thuật Công nghiệp) cho biết: "Tranh của Nguyễn Thu Thủy sử dụng hai thủ pháp nghệ thuật, cấu trúc Khối của các polygon kỷ hà và các dòng Màu tan chảy dưới tác động của hóa chất để thôi thúc tìm kiếm một sự hưng phấn, thách thức thị giác, thông qua đó bộc lộ những trạng thái cảm xúc chất chứa bên trong. Sự mạnh mẽ và đa sắc, da diện, đương đại của các nhân vật đàn bà cuối cùng dẫn đến một trạng thái cân bằng cảm xúc và thị giác, trong đó có sự mềm mại, dịu dàng, nằm trong yếu tố cảm nhận".