Brain Huy - Người vẽ đạo Phật theo phong cách truyện tranh hết sức độc đáo

Thúy Phương - Thanh Tùng Chủ nhật, ngày 24/10/2021 13:43 PM (GMT+7)
Từ bỏ vị trí giám đốc sáng tạo của một công ty tên tuổi vì cảm thấy mình đang sống như một cỗ máy, Brain Huy tìm đến Phật giáo để tìm hiểu tại sao mình đã đạt được điều mình muốn mà vẫn không hạnh phúc. Và chính cuộc tìm kiếm đó đã đưa người họa sĩ trẻ tới điểm neo của hạnh phúc.
Bình luận 0

Brain Huy tên thật là Quang Huy, anh hiện là một họa sĩ vẽ tranh minh hoạ tại TP. Hồ Chí Minh. Từ nhỏ, anh đã bộc lộ năng khiếu trong lĩnh vực hội họa. Ở thời điểm hiện tại, anh đang cống hiến tài năng của mình trong việc sáng tạo những tác phẩm hội họa về Phật giáo có nét giao thoa giữa giữa truyện tranh và chính thống. Những chia sẻ của anh với Dân Việt sẽ giúp khán giả hiểu thêm về lựa chọn cũng như con đường nghệ thuật đặc biệt mà anh đang theo đuổi.

Brain Huy - Người vẽ đạo Bụt với phong cách thiếu nhi - Ảnh 1.

Họa sĩ trẻ Brain Huy. Ảnh: NVCC

Brain Huy: Từng đạt đến vị trí cao nhất của nghề nhưng không thấy hạnh phúc

Điều gì khiến bạn cảm thấy mình không hạnh phúc khi làm công việc trước đây? 

- Có thể nói, công việc trước đây của mình là đích đến của các bạn trẻ - đạt vị trí cao nhất trong cái nghề mình đã chọn. Tuy nhiên, khi đã đạt được những cái mà bản thân từng theo đuổi, mình bỗng thấy mọi thứ lại không như mình nghĩ. Mình vẫn rất khó khăn trong các mối quan hệ, làm việc như một cỗ máy và đặc biệt mình phát hiện những người mình trân quý lại không như mình nghĩ, mình thấu hiểu sự vô thường của cuộc sống. Và rồi, mình nhận ra tất cả những việc làm trước đây của mình thật vô nghĩa. 

Bạn có gặp trở ngại gì khi quyết định từ bỏ một công việc ổn định để bắt đầu từ số 0? 

- Có chứ, rất khó khăn là đằng khác. Từ một công việc có thu nhập khá ổn định, mình phải tập làm quen lại với việc quản lý chi tiêu hạn hẹp hơn. Gia đình không đặt áp lực nào lên vai mình, nhưng bản thân mình lại rất áp lực vì cảm giác không chăm sóc gia đình được tốt như trước. Còn về bạn bè, mình nghĩ rất đơn giản - ai thương mình sẽ ở cạnh mình.

Brain Huy - Người vẽ đạo Bụt với phong cách thiếu nhi - Ảnh 3.

Bức tranh 7 vị Dược Sư và các Bồ tát của họa sĩ Brain Huy. Ảnh: NVCC.

Huy có chia sẻ, bạn đến với đạo Phật lúc đầu là để chữa lành bản thân, vậy cơ duyện nào đưa bạn đến với công việc vẽ tranh về Phật giáo?

- Mình từ bỏ công việc khi nhận ra mục đích sống của bản thân đã thay đổi - mình cần niềm hạnh phúc thật sự từ bên trong. 

Với tiền đề là đã theo đạo Bụt (cách gọi khác của đạo Phật) trước đây, mình dành trọn quãng thời gian sau khi thôi việc cho lối sống hướng nội, hướng về sự giản đơn của đạo Bụt, nó giúp chữa lành tâm hồn mình.

Vốn dĩ đã biết vẽ từ bé, thời gian này mình tập trung trau dồi kiến thức hội họa, bắt đầu ứng dụng kiến thức mỹ thuật lên hình ảnh Phật giáo. Với khát khao đi tìm sự bình yên, tìm ai đó để tâm sự, mình đã gửi gắm trong những bức tranh, từ đó mình dần tìm thấy sự an nhiên từ nội tâm.

Và mình quyết định theo đuổi công việc này một cách nghiêm túc. Điều may mắn là mình được mọi người xung quanh rất hoan nghênh và hỗ trợ nhiều cho quyết định này. Nhiều người rất yêu thích tranh cũng như phong cách vẽ của mình, điều đó giúp những tác phẩm của mình ngày càng đến gần hơn với các bạn.

Brain Huy - Người vẽ đạo Bụt với phong cách thiếu nhi - Ảnh 4.

Sáng tạo cá nhân trong tác phẩm"Di Lặc Phật và 6 đồng tử" của người họa sĩ trẻ. Ảnh: NVCC.

Việc lựa chọn và thay đổi các hình tượng đó dựa trên nguyên tắc nào hay đơn giản là sự phá cách và sáng tạo của bản thân?

- Trong tranh vẽ Phật giáo, mình không sáng tạo về tạo hình, mình luôn tôn trọng hình tượng các vị. Mình thậm chí còn nghiên cứu rất rõ cách vẽ dòng tranh chính thống thông qua các đoạn ghi chép trong kinh vẽ, tạc tượng, và các kinh khác có nhắc đến (dù khá hiếm hoi, khó tìm); mình còn tự học các nguyên tắc vẽ tranh Thangka của Nepal.

Sự khác biệt trong tranh của mình nằm ở đường nét, mình cố gắng thể hiện sự giao thoa giữa chính thống và thiếu nhi để tác phẩm gần gũi với các bạn trẻ hơn. Tuy nhiên, mình vẫn vẽ rất nhiều tranh chính thống cho hành giả lớn tuổi.

Từ việc vẽ cho bản thân đến việc có thể có thu nhập qua việc vẽ đạo Phật đến với bạn như thế nào? 

- Hiện tại mình đang là một nghệ sĩ thuần túy, nên thu nhập sẽ khó so được với lúc còn làm giám đốc sáng tạo. Nhưng trong khoảng một năm trở lại đây, mình cảm nhận vũ trụ cho mình ngày càng nhiều cơ hội và sự ổn định trong cuộc sống. Mình rất biết ơn và hạnh phúc vì điều này.

Khách hàng của bạn thường là người thế nào? Ở lứa tuổi, giới tính nào và bạn có biết họ mua và dùng tranh của bạn vào mục đích nào không?

- Khách hàng của mình dễ thương lắm, lúc đầu là khách, sau đa phần đều dần trở thành những người bạn ở đủ mọi lứa tuổi, mọi thành phần; có bạn còn đặt mình vẽ riêng những bức tranh để thỉnh về độc quyền. Mục đích của họ thì cũng đơn giản lắm - tìm đến sự bình an cho bản thân và cho mọi người - cũng như mình vậy.

Brain Huy - Người vẽ đạo Bụt với phong cách thiếu nhi - Ảnh 5.

Tác phẩm sáng tạo tâm đắc nhất của họa sĩ Brain Huy. Ảnh: NVCC.

Bạn có thể nói gì về màu sắc trong tranh của mình? Có điều gì phá cách hay bạn muốn gửi gắm điều gì từ nó không?

- Màu sắc trong các tác phẩm của mình đa phần được lấy cảm hứng từ tranh Phật giáo Thangka của Tây Tạng, rực rỡ nhưng vẫn rất dịu ngọt, bình an. Sự phá cách thì không nhiều, với tranh Bụt mình luôn muốn giữ tối đa tinh thần Phật Giáo.

Bạn mất bao lâu để biến một ý tưởng của bản thân trở thành tác phẩm sáng tạo thực tế?

- Ý tưởng đến với mình như cái duyên, hôm nay mình tìm hiểu được vị nào, mình khát khao vẽ vị đó bằng sự thuần khiết của một hoạ sĩ. Vẽ tranh không thể nói chính xác thời gian, có những tác phẩm hoàn thành rất nhanh, nhưng cũng có những tác phẩm phải mất rất nhiều thời gian mới hoàn thiện. Tiêu chí của mình là sau khi hoàn thiện một tác phẩm, bản thân phải có được cảm xúc bình an, ấm áp.

Việc sáng tác của bạn có gặp phải những cản trở hay khó khăn gì không? Cách bạn vượt qua những khó khăn đó?

- Sáng tác tranh Bụt cũng có những khó khăn nhất định, đặc biệt là lúc năng lượng bên trong không tốt, tâm bị xáo trộn thì không thể vẽ được. Những lúc như vậy, mình học cách quên đi, không cố vẽ, có thể đi dạo, thiền, đọc kinh, đến khi nào tâm ổn định mới tiếp tục vẽ.

Brain Huy - Người vẽ đạo Bụt với phong cách thiếu nhi - Ảnh 6.

Tác phẩm "Liên Hoa Sinh Đại Sư". Ảnh: NVCC

Bạn vẽ theo yêu cầu bản thân hay yêu cầu của khách hàng? Những yêu cầu đặc biệt mà khách hàng nêu ra với bạn? Kỷ niệm nào bạn cho là đặc biệt nhất trong quá trình bạn sáng tạo và hoàn thiện những tác phẩm của mình?

- Có nhiều bức mình vẽ trước rồi khách hàng mới thỉnh, và cũng có những bức khách hàng đặt mình vẽ riêng. Đa phần khách hàng cũng chỉ nói là muốn vẽ vị Phật hay Bồ Tát nào, rồi diễn tả một vài ý cơ bản chứ không tác động mình nhiều. Cá nhân mình cũng không muốn sáng tạo nhiều lên hình ảnh các vị, mình cố gắng giữ tạo hình các vị.

Yêu cầu đặc biệt nhất của khách hàng có lẽ là đề nghị vẽ nhiều vị trong cùng một bức, và muốn tranh có ngũ sắc, ánh sáng rực rỡ. Lần đó mình mất khá nhiều thời gian để hoàn thành bức vẽ đó. Từng bức vẽ đều có một kỷ niệm riêng với mình. Mỗi lần vẽ xong gương mặt của các vị, mình đều rất xúc động. Cũng với nét vẽ đó, nhưng mỗi vị đều có thần thái rất đặc biệt.

Mỗi lần vẽ xong gương mặt của các vị, mình đều rất xúc động. Cũng với nét vẽ đó, nhưng mỗi vị đều có thần thái rất đặc biệt.

Bức tranh nào khiến bạn cảm thấy hạnh phúc nhất khi nhìn thấy?

- Là bức Thiên Thủ Thiên Nhãn Quán Thế Âm Bồ Tát. Mình vẽ bức đó khá lâu và kì công. Đó cũng là vị bảo hộ mình, luôn nhắc nhở mình làm việc gì cũng bằng con mắt, đôi tay thuần khiết, lợi lạc cho bản thân và những người khác.

Brain Huy - Người vẽ đạo Bụt với phong cách thiếu nhi - Ảnh 8.

Tác phẩm "Phật Mẫu Chuẩn Đề". Ảnh: NVCC

Hãy cân nhắc công việc kiếm được nhiều tiền nhưng làm bản thân khổ đau

Hiện tại, bạn đã cảm thấy hạnh phúc và cảm thấy mình sống đúng như mình muốn chưa? Hãy cho các bạn trẻ lời khuyên về việc lựa chọn nghề nghiệp, công việc, và mục đích sống?

- Ở thời điểm hiện tại, mình đang rất vui vì đã tìm được điểm neo của cuộc đời, một công việc làm bản thân luôn an yên, hạnh phúc. 

Mình không dám khuyên, chỉ dám nhắn nhủ thôi. Mong các bạn tìm được công việc mang lại hạnh phúc cho cuộc đời mình. Hãy cân nhắc giữa công việc mình yêu thích và công việc kiếm được nhiều tiền nhưng làm bản thân khổ đau.

Vì khi bạn có được công việc yêu thích, tìm được ý nghĩa việc mình làm, lợi lạc cho bản thân và người xung quanh, ắt hẳn bạn sẽ gặt hái được nhiều thành công; và dĩ nhiên, thu nhập sẽ tốt khi bạn vừa chăm chỉ và vừa hạnh phúc khi đồng hành cùng công việc này.

Brain Huy - Người vẽ đạo Bụt với phong cách thiếu nhi - Ảnh 9.

"Bình yên" là giá trị Brain Huy luôn theo đuổi trong những sáng tác của mình. Ảnh: NVCC.

Tương lai, mình muốn phát triển nhiều tranh ứng dụng hơn trong cuộc sống, để mọi người, đặc biệt là các bạn trẻ có được một điểm tựa khi vấp ngã, khi tổn thương như mình ngày xưa. Vì mình hiểu, ai cũng cần nơi nương tựa khi khổ đau.

Theo bạn, đâu là giá trị đặc biệt nhất mà những tác phẩm của bạn mang lại? Bạn có thể chia sẻ về những dự định sắp tới trong tương lai của mình? Bạn sẽ theo đuổi công việc này lâu dài hay có dự án gì mới?

- Giá trị mà mình luôn mong muốn ở mỗi tác phẩm là sự bình an. Xã hội này đang quá phức tạp, một nốt lặng trong cuộc sống đầy áp lực thật sự rất quý giá. 

Tương lai, mình muốn phát triển nhiều tranh ứng dụng hơn trong cuộc sống, để mọi người, đặc biệt là các bạn trẻ có được một điểm tựa khi vấp ngã, khi tổn thương như mình ngày xưa. Vì mình hiểu, ai cũng cần nơi nương tựa khi khổ đau.

Mình có khá nhiều dự án với tiêu chí trên, đôi khi sẽ khác nhau trong từng giai đoạn, tuy nhiên mình không quá chú trọng vào tương lai, mình tập trung vào hiện tại nhiều hơn.

Trước mắt, mình sẽ cố gắng cho ra nhiều tranh hơn, cùng một số sản phẩm khác để có thể mở một gallery cho bản thân trong thời gian sắp tới. Hy vọng lúc đó sẽ được mọi người biết đến nhiều hơn, cùng nhau xây dựng những điều tích cực cho bản thân cũng như cho những người xung quanh".

Cảm ơn Brain Huy đã chia sẻ!

Một số tác phẩm khác của Brain Huy:

Brain Huy - Người vẽ đạo Bụt với phong cách thiếu nhi - Ảnh 11.

Tác phẩm cá nhân "Phật A Súc Bệ". Ảnh: NVCC

Brain Huy - Người vẽ đạo Bụt với phong cách thiếu nhi - Ảnh 12.

Tác phẩm Ngũ Phương Phật. Ảnh: NVCC

Brain Huy - Người vẽ đạo Bụt với phong cách thiếu nhi - Ảnh 13.

Tác phẩm cá nhân "Địa Tạng Vương Bồ Tát". Ảnh: NVCC

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem