Dân Việt

Làn sóng Covid-19 mới ảnh hưởng đến các lễ hội trên toàn thế giới như thế nào?

Lê Phương (CNN) 20/12/2021 13:00 GMT+7
Trong bối cảnh biến thể Omicron đang lây lan trên khắp thế giới và Delta vẫn chiếm ưu thế, đại dịch Covid-19 một lần nữa đe dọa kỳ nghỉ lễ của hàng triệu người.
Làn sóng Covid-19 mới ảnh hưởng đến các lễ hội trên toàn thế giới như thế nào? - Ảnh 1.

Người dân Trung Quốc được khuyến cáo nên ở yên tại chỗ trong kỳ nghỉ lễ sắp tới. Ảnh: CNN

Một số thành phố Châu Âu đã hủy bỏ bắn pháo hoa vào giao thừa năm 2022, bện canh đó một số quốc gia cũng đang áp dụng lại các biện pháp hạn chế.

Tết Nguyên Đán - bắt đầu từ ngày 1/2/2022 - là ngày lễ lớn nhất Trung Quốc, với truyền thống hàng triệu người trên khắp đất nước trở về quê để gặp gỡ gia đình, họ hàng. Tuy nhiên, những kế hoạch đó đã bị đảo lộn sau khi Cục Y tế Quốc gia Trung Quốc (NHC) hôm thứ Bảy (18/12) đưa ra thông báo hạn chế đi lại. Thông báo kêu gọi dân cư ở bất kỳ thành phố nào có trường hợp nhiễm Covid-19 đã được xác nhận không nên đi du lịch trong những ngày lễ Tết sắp tới.

Đây cũng là tin xấu đối với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, vẫn đang phải vật lộn với thảm họa bất động sản và ảnh hưởng từ các đợt đóng cửa cục bộ.

Chiến lược "zero-covid" của Trung Quốc sẽ bị đưa vào thử thách khi Bắc Kinh tổ chức Thế vận hội Mùa đông vào tháng 2/2022, bởi nước này sẽ mở cửa đón các vận động viên nước ngoài, trong bối cảnh biến thể Omicron có xu hướng gia tăng ở nhiều khu vực trên thế giới.

Chính quyền Bắc Kinh hôm thứ Sáu (17/12) thông báo rằng do kỳ nghỉ lễ sắp tới và lượng vận động viên nước ngoài đổ về, người dân nên tránh rời thành phố trừ khi cần thiết.

Thật vậy, biến thể Omicron cũng đã xuất hiện ở nhiều quốc gia trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, trong khi những biện pháp hạn chế ở Úc và Nhật Bản đã bắt đầu nới lỏng, dần dần theo hướng sống chung với Covid-19.

Paris và Rome hủy các sự kiện năm mới

Làn sóng Covid-19 mới ảnh hưởng đến các lễ hội trên toàn thế giới như thế nào? - Ảnh 2.

Các nước châu Âu áp đặt những biện pháp hạn chế trong bối cảnh Omicron có nguy cơ trở thành biến thể thống trị trong năm tới. Ảnh: BG Daily News

Trung Quốc không phải là quốc gia duy nhất giảm quy mô lễ hội trong bối cảnh dịch bệnh bùng phát.

Theo RTL News, Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte tuyên bố trong một cuộc họp báo trên truyền hình hôm thứ Bảy (18/12) rằng nước này sẽ áp đặt một lệnh hạn chế nghiêm ngặt, bắt đầu từ lúc 5 giờ sáng Chủ nhật (19/12).

Theo nguồn tin, các cuộc tụ họp trong nhà sẽ giới hạn tối đa hai khách từ nay cho đến ngày 14/1, ngoại trừ vào Giáng sinh và Đêm Giao thừa được mở rộng cho bốn khách. Tất cả các trường học và các hoạt động ngoại khóa sẽ tạm dừng cho đến ít nhất là ngày 9/1, RTL đưa tin. Rutte cho biết các cuộc thi đấu thể thao sẽ bị tạm dừng và tất cả các địa điểm thể thao trong nhà cũng sẽ đóng cửa.

Pháp hôm thứ Sáu (17/12) thông báo các sự kiện lớn ngoài trời và các cuộc tụ tập sẽ bị cấm vào đêm Giao thừa khi nước này phải đối mặt với làn sóng thứ năm của đại dịch Covid-19, lo ngại rằng Omicron sẽ trở thành biến thể thống trị vào đầu năm 2022.

Đan Mạch cũng đã đề xuất đóng cửa các rạp chiếu phim và rạp hát, đồng thời hạn chế số lượng người đến cửa hàng vào tuần trước Giáng sinh, nước này đang cố gắng kiểm soát sự gia tăng đột biến số các trường hợp.

Rome là một trong số các thành phố của Ý đã quyết định hủy bỏ các lễ hội năm mới do lo ngại về Covid-19, các nhà chức trách cho biết hôm thứ Năm (16/12). Vùng Campania của nước này cũng đã cấm tiệc tùng và uống rượu ở các khu vực công cộng từ ngày 23/12 đến ngày 1/1. Venice cũng hủy bỏ các buổi hòa nhạc ngoài trời và bắn pháo hoa đêm giao thừa.

Ireland cũng sẽ áp lệnh giới nghiêm lúc 8 giờ tối cho các nhà hàng và quán bar từ Chủ nhật (19/12), đồng thời giới hạn số lượng  các sự kiện trong nhà và ngoài trời, trong bối cảnh số ca mắc Omicron đang gia tăng, theo một thông báo hôm thứ Sáu (17/12).