Dân Việt

TIN NÓNG 24 GIỜ QUA: Đường dây mua bán trinh liên tỉnh (kỳ 2); những thông tin mới vụ kit test Covid-19 Việt Á

A.Đ (t/h) 21/12/2021 19:00 GMT+7
Đường dây mua bán trinh liên tỉnh (kỳ 2); những thông tin mới vụ kit test Covid-19 Việt Á; cô gái cướp ngân hàng lĩnh án... là những tin nóng 24 giờ qua.

Đường dây mua bán trinh liên tỉnh: Học sinh chưa tới 16 tuổi cũng không tha (kỳ 2)

Tiếp tục câu chuyện về đường dây mua bán trinh, lợi dụng sự thiếu hiểu biết và tâm lý đua đòi theo bạn bè của một bộ phận nữ sinh, các đối tượng môi giới đã tiếp cận, lôi kéo các em bán trinh. Trong đó, có những em chưa tới 16 tuổi cũng bị chúng giăng bẫy để rồi sa chân vào đường dây mua bán trinh liên tỉnh.

Đường dây mua bán trinh liên tỉnh: Học sinh chưa tới 16 tuổi cũng không tha (Kỳ 2).

Có thể thấy, các đối tượng môi giới đã bất chấp thủ đoạn hòng lôi kéo, lừa gạt nữ sinh sa chân vào đường dây mua bán trinh. Vậy những đường dây này sẽ rao bán nữ sinh như thế nào? Tiếp tục theo chân phóng viên Dân Việt cùng vén tấm màn bí mật về các đường dây mua bán trinh để vạch trần bộ mặt thật của những kẻ môi giới trong phóng sự 3.

Giám đốc CDC Nghệ An nói gì về lời khai tiền "lại quả", "bôi trơn" từ phía Công ty Việt Á?

Như Dân Việt đã thông tin: Liên quan đến lời khai tại cơ quan điều tra Bộ Công an của phía Công ty Việt Á chi tiền ngoài hợp đồng, "lại quả" cho một loạt trung tâm kiểm soát bệnh tật và các cơ sở y tế khác, cụ thể "tham gia chi tiền cho các đơn vị CDC Hải Dương, CDC Nghệ An và các bệnh viện. Chi tiền số tiền chuyển khoản rất nhiều. Số tiền tùy thuộc vào đơn hàng đặt, ít khoảng 500 triệu, nhiều khoảng trăm tỷ đồng...", trước thông tin này, Giám đốc CDC Nghệ An Nguyễn Văn Định lại lên tiếng.

Giám đốc CDC Nghệ An lên tiếng về thông tin nhận tiền "bôi trơn" của công ty Việt Á   - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Văn Định - Giám đốc CDC Nghệ An. Ảnh: CDC Nghệ An

Cụ thể, sáng 21/12, trao đổi với Dân Việt, ông Nguyễn Văn Định - Giám đốc CDC Nghệ An nói: "Hiện tại tôi đang cho kiểm tra nội bộ nhân viên trong CDC Nghệ An xem có ai nhận tiền từ phía Công ty Việt Á này hay không, chứ còn cá nhân tôi khẳng định, tôi không hề nhận bất cứ một đồng tiền nào từ phía Công ty Việt Á cả".

Người đứng đầu CDC Nghệ An khẳng định thêm: "4 lần mua bán với Công ty Việt Á, tôi có trao đổi liên lạc với Tổng Giám đốc Công ty Việt Á hai lần qua điện thoại về việc nhận máy và sinh phẩm hỗ trợ từ một tập đoàn, bởi nguồn hàng mà tập đoàn này mua từ Công ty Việt Á".

"Về mua sắm sinh phẩm y tế, Sở Y tế giao cho CDC Nghệ An làm chủ đầu tư. Quan điểm của tôi rất kiên quyết là dù mua trong bối cảnh chống dịch gấp nhưng cũng phải chặt chẽ, đúng quy trình thận trọng, tiết kiệm cho ngành. Ngoài thành lập tổ mua sắm đấu thầu của đơn vị, hầu như các gói thầu đều thuê chuyên gia tư vấn để xây dựng gói thầu, thẩm định, chấm thầu. Giá cả đều thông qua các hội đồng duyệt giá và các đơn vị liên quan", ông Nguyễn Văn Định tiếp tục giãi bày.

Giám đốc CDC Nghệ An khẳng định, gói chỉ định thầu đầu tiên là ngày 15/7, khi diễn biến dịch ở Nghệ An đang rất phức tạp, phải khẩn trương xét nghiệm trên diện rộng. Gói thầu có tổng trị giá hơn 5 tỷ đồng để mua bộ kit test Covid-19 với giá 470.000 đồng/bộ test PCR; gói chỉ định thầu còn lại vào ngày 31/10 vừa qua, tổng trị giá hơn 13 tỷ đồng để mua bộ kit test Covid-19 giá hơn 367.000 đồng/bộ.

Ngoài 2 gói thầu trên, phía CDC Nghệ An còn hợp đồng với Công ty Việt Á thêm 2 gói thầu được đấu thầu rộng rãi. Tổng số tiền CDC Nghệ An chi ra thực hiện 4 gói thầu với Công ty Việt Á lên tới 28 tỷ đồng.

Trước đó, như Dân Việt thông tin, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã khởi tố 7 đối tượng trong vụ án hình sự Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Công ty Việt Á, CDC Hải Dương. Trong số 7 người bị khởi tố, có ông Phan Quốc Việt - Chủ tịch HĐQT kiểm Tổng Giám đốc Công ty Việt Á; ông Phạm Duy Tuyến - Giám đốc CDC Hải Dương.

Kết quả điều tra bước đầu cho thấy: Công ty Việt Á do Phan Quốc Việt thành lập, giữ chức Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Công nghệ Việt Á (Công ty Việt Á).

Tháng 4/2020, Công ty Việt Á được Bộ Y tế cấp phép đăng ký lưu hành cho sản phẩm kit xét nghiệm Covid-19. Đến nay, Công ty Việt Á đã cung ứng kit xét nghiệm Covid-19 cho trung tâm kiểm soát bệnh tật và các cơ sở y tế khác của 62 tỉnh, thành phố trên cả nước với doanh thu gần 4.000 tỷ đồng.

Để được giao cung ứng trước thiết bị, vật tư y tế, tiêu thụ với số lượng lớn, tăng doanh thu lợi nhuận và được tạo điều kiện trong việc hoàn thiện hồ sơ, thanh quyết toán theo giá do Công ty Việt Á đề nghị, Phan Quốc Việt thỏa thuận, thống nhất, chi cho cán bộ, lãnh đạo các đơn vị mua hàng với số tiền rất lớn.

Phan Quốc Việt và các đối tượng của Công ty Việt Á đã nâng khống giá thiết bị, chi phí nguyên vật liệu đầu vào đưa vào thuyết minh cơ cấu giá xác định giá bán là 470.000 đồng/kit; thỏa thuận và chi tiền phần trăm hợp đồng cho lãnh đạo bệnh viện, CDC các tỉnh, thành phố trong quá trình cung cấp sản phẩm.

Chỉ tính riêng tại Hải Dương, Công ty Việt Á bán kit xét nghiệm Covid-19 cho CDC Hải Dương thông qua 5 hợp đồng với tổng giá trị 151 tỷ đồng, Phan Quốc Việt đã chi tiền phần trăm ngoài hợp đồng cho Phạm Duy Tuyến, Giám đốc CDC Hải Dương số tiền gần 30 tỷ đồng, tương đương gần 20% giá trị của 5 hợp đồng.

Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã phong tỏa, ngăn chặn, kê biên nhiều tài khoản, sổ tiết kiệm của Phan Quốc Việt và các đối tượng thuộc Công ty Việt Á trị giá trên 320 tỷ đồng, 100.000 USD, 20 bất động sản trên địa bàn TP.HCM, Hà Nội và các địa phương khác; 8 bất động sản của Phạm Duy Tuyến… 

Hiện, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đang điều tra mở rộng đối với các cá nhân, đơn vị liên quan để làm rõ bản chất của vụ án, yếu tố tư lợi.

Giám đốc CDC Bình Dương làm việc với cơ quan thanh tra về việc mua kit test Covid-19 của Công ty Việt Á

Như Dân Việt đã thông tin: Ngày 21/12, cơ quan chức năng tỉnh Bình Dương đã tiến hành làm việc với Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Bình Dương (CDC Bình Dương), để làm rõ một số vấn đề liên quan đến các quyết định phê duyệt kết quả chỉ định thầu rút gọn mua kit test Covid-19 của Công ty cổ phần Việt Á (Công ty Việt Á).

Có mặt tại tầng 1 của toà nhà CDC Bình Dương, PV Dân Việt ghi nhận tại phòng họp số 1, ông Nguyễn Thành Danh - Giám đốc CDC Bình Dương đang làm việc với 3 người khác. Sau khi làm việc xong, nhóm cán bộ rời khỏi phòng họp và ôm theo một thùng giấy chứa nhiều tài liệu.

Xác nhận với Dân Việt, ông Danh nói rằng mình đang phải làm việc với cơ quan thanh tra nên chưa thể sắp xếp thời gian cung cấp thông tin cho báo chí được. Sau đó, ông Danh tiếp tục đi qua một phòng khác để làm việc với cơ quan chức năng.

Giám đốc CDC Bình Dương làm việc với cơ quan chức năng về việc mua kit test Covid-19 của Công ty Việt Á - Ảnh 2.

Giám đốc CDC Bình Dương Nguyễn Thành Danh (người đi sau cùng) rời phòng họp, đi với cán bộ cơ quan chức năng qua một phòng khác để tiếp tục làm việc. Ảnh: V.D

Theo tài liệu mà Dân Việt thu thập được, ngày 15/6/2021, CDC Bình Dương phê duyệt kết quả chỉ định thầu rút gọn mua kit test Covid-19 với Công ty Việt Á, giá trúng thầu là 1,018 tỷ đồng cho 2.000 que test do Công ty Việt Á sản xuất. Gói thầu này có đơn giá 509.250 đồng/kit test.

Tiếp đến, ngày 29/7/2021, CDC Bình Dương tiếp tục phê duyệt kết quả chỉ định thầu rút gọn, Công ty Việt Á trúng thầu với số lượng 10.000 kit test do chính Công ty Việt Á sản xuất với đơn giá 470.000 đồng/kit test. Tổng giá trúng của gói thầu này là 4,7 tỷ đồng.

Đến ngày 4/8/2021, Công ty Việt Á tiếp tục trúng thầu chỉ định gói mua sắm kit test Covid-19, cung cấp 60.000 kit test do chính Việt Á sản xuất cho CDC Bình Dương với đơn giá 470.000 đồng/kit test. Tổng giá trúng của gói thầu này lên đến 28,2 tỷ đồng.

Ngoài ra, Công ty Việt Á cũng là đơn vị được chỉ định trúng thầu gói 6,9 tỷ đồng để cung cấp các thiết bị y tế có nguồn gốc từ nước ngoài. Trong đó có 50.000 kit test từ Mỹ với giá thành 250.000 đồng/kit test.

Cô gái cướp ngân hàng lĩnh án

Như Dân Việt đã thông tin: Ngày 21/12, TAND TP.HCM tuyên phạt bị cáo Phùng Thị Thắng (25 tuổi, quê Bắc Giang) 19 năm tù về tội Cướp tài sản theo Điều 168 Bộ luật Hình sự.

Thắng từng được nhiều người biết đến khi tham gia một số chương trình truyền hình, giải trí như Thách thức danh hài, Vietnam Idol...

Cô gái cướp ngân hàng lĩnh án - Ảnh 1.

Bị cáo Phùng Thị Thắng tại tòa. Nguồn: Zing

Theo cáo trạng, sáng 8/10/2020, Thắng lên mạng tìm hiểu cách thức chế tạo trái nổ sau khi có ý định cướp ngân hàng. Sau đó, Thắng đi mua các vật dụng mang về nhà trọ tại phường Tây Thạnh (quận Tân Phú), tự chế tạo hai trái nổ nhưng không có thuốc nổ và kíp nổ nên cất giấu ở tủ gửi đồ của siêu thị gần nhà.

Trưa 10/10/2020, Thắng sử dụng hai trái nổ, bình khò lửa, chai xăng, uy hiếp nhân viên Ngân hàng Techcombank tại phường Tân Sơn Nhì (quận Tân Phú), cướp 2,2 tỷ đồng rồi tẩu thoát.

Thắng dùng 5 triệu đồng từ tiền vừa cướp được mua quần áo, thay đổi trang phục để trốn nhưng bị công an bắt tại quận Tân Bình.

"Bị cáo đi cướp là do giấc mơ cứ lặp đi lặp lại nên bị cáo thực hiện giấc mơ. Bị cáo đã thấy trước mọi điều trong giấc mơ. Tòa muốn phạt bị cáo mức án bao nhiêu năm cũng được, bị cáo muốn tạo ấn tượng. Bị cáo ảnh hưởng phim hành động nên muốn làm như một bộ phim hành động", Thắng khai tại tòa.

"Ông trùm" xăng giả Trịnh Sướng bị đề nghị tuyên phạt bao nhiêu năm tù?

Như Dân Việt đã thông tin: Ngày 21/12, TAND tỉnh Đắk Nông đã tiếp tục mở phiên tòa xét xử Trịnh Sướng và 38 bị cáo trong đường dây sản xuất, mua bán xăng giả.

Sau khi kết thúc phần xét hỏi, tòa chuyển sang phần tranh luận, đại diện Viện KSND tỉnh Đắk Nông đã công bố bản luận tội đối với các bị cáo. Trong đó, đại diện Viện KSND tỉnh Đắk Nông đã đề nghị HĐXX tuyên phạt "ông trùm" xăng giả Trịnh Sướng với mức án từ 12-13 năm tù giam (đây cũng là mức án cao nhất mà đại diện Viện KSND tỉnh Đắk Nông đề nghị tuyên phạt các bị cáo).

3 bị cáo cùng bị đề nghị mức án từ 7-8 năm tù giam là Đinh Chí Dũng và Hồ Xuân Cường và Nguyễn Thị Thu Hòa. Đối với các bị cáo còn lại, đại diện Viện KSND tỉnh Đắk Nông đề nghị từ 3 năm tù (cho hưởng án treo) đến 6 năm tù giam.

Xét xử "ông trùm" xăng giả: Trịnh Sướng đối diện với mức án nào? - Ảnh 2.

Trịnh Sướng (bìa trái) tại phiên tòa ngày 21/12. Ảnh: Duy Hậu

Như Dân Việt đã đưa tin, sáng 20/12, TAND tỉnh Đắk Nông mở lại phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án xăng giả đối với "ông trùm" xăng giả Trịnh Sướng và 38 bị cáo khác. Phiên tòa dự kiến kéo dài 14 ngày.

Trước đó, ngày 8/4, vụ án sản xuất, mua bán xăng giả đã được TAND tỉnh Đắk Nông đưa ra xét xử sơ thẩm. Đến ngày 20/4, HĐXX quyết định trả hồ sơ để điều tra làm rõ khối lượng xăng giả mà các bị cáo phải chịu trách nhiệm hình sự, số tiền thu lợi bất chính của các bị cáo trong vụ án.

Quá trình điều tra bổ sung, đến tháng 5/2021, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Đắk Nông có kết luận điều tra bổ sung. Theo đó, cơ quan điều tra xác định Trịnh Sướng thu lợi bất chính hơn 155,8 tỷ đồng (cao hơn kết quả điều tra cũ gần 50 tỷ đồng). Đến tháng 7/2021, Viện KSND tỉnh Đắk Nông ra cáo trạng truy tố.

Theo cáo trạng mới, tổng cộng có 39 người bị truy tố theo 3 nhóm, cùng về tội “Sản xuất, buôn bán hàng giả”. Trong đó, nhóm 12 bị can gồm: Trịnh Sướng (54 tuổi, ngụ Sóc Trăng, Giám đốc Công ty TNHH Mỹ Hưng), Nguyễn Ngọc Quan (51 tuổi, ngụ TP.HCM, Giám đốc Công ty TNHH thương mại hóa chất Tâm Quang), Đinh Chí Dũng (52 tuổi, ngụ TP.HCM, Giám đốc Công ty TNHH Đinh Chí Dũng), Nguyễn Thị Thu Hòa (40 tuổi, ngụ TP.Cần Thơ, Phó giám đốc Công ty TNHH MTV Phạm Sơn)… bị truy tố với khung hình phạt cao nhất từ 7 - 15 năm tù.

Ngày mai (22/12), phiên tòa sẽ tiếp tục diễn ra.