Lỗ Khê là một làng cổ nằm trong vùng "Ngũ giỗ" - 5 điểm nổi tiếng của huyện Đông Ngàn, đất Kinh Bắc xưa, nay thuộc xã Liên Hà, huyện Đông Anh, Hà Nội. Nơi đây được coi là đất tổ của nghệ thuật ca trù, với rất nhiều ca nương nổi tiếng.
Sinh năm 1990 tại Lỗ Khê, Đinh Vân đến với ca trù như một định mệnh. Đó là năm 2002, khi ngành văn hóa huyện tổ chức lớp đào tạo ca trù cho các học sinh bậc tiểu học và trung học cơ sở. Gần 50 cô bé, cậu bé đã được đào nương Phạm Thị Mận và Nguyễn Thị Thảo truyền dạy những nhịp phách đầu tiên, bước đầu tập xướng âm hát nói.
Chia sẻ với PV Dân Việt, Đinh Vân bảo, ban đầu cô đi học cho vui, chứ hoàn toàn không thích thú: "Lúc đó, tôi không hiểu ca trù, văn phong rồi cách hát đều lạ lẫm. Tôi chỉ đi học bởi mình có năng khiếu ca hát, lại được địa phương khuyến khích tham gia trải nghiệm".
Được các nghệ nhân Nguyễn Thị Thảo và Phạm Thị Mận truyền dạy từ thuở bé, với Đinh Vân, đó là một may mắn lớn: "Cô dạy tôi hát lối cửa đình tròn vành rõ chữ, cái tình ghi sâu vào lòng người nghe ngay từ lần đầu tiên. Cô cũng chính là một trong những truyền nhân của cụ Phạm Thị Mùi - theo đánh giá của giới chuyên môn là người hát lối cửa đình hay nhất".
Mãi tới 10 năm sau, khi đã lớn và theo học khoa Sư phạm Âm nhạc (thuộc Đại học Sư phạm Hà Nội), cô gái xinh đẹp này mới bắt đầu tìm hiểu và "nghiện" nghe làn điệu quê hương mình: "Tôi dần dần nghe và nghiện ca trù, đặc biệt là những bài ca do nghệ nhân Quách Thị Hồ thể hiện. Cụ Hồ hát đẳng cấp và khác biệt trong từng câu thơ, từng cách ém hơi nhả chữ, ngọt ngào, biến hóa.
Trong mỗi bài ca trù đều thể hiện trọn vẹn cái tình của người hát. Lúc đó, tôi mới nhận ra, ai chưa thích nghe ca trù là bởi vì họ không hiểu được. Nghe ca trù cần có một trình độ âm nhạc nhất định. Thậm chí tới bây giờ, tôi vẫn thấy mình quá non nớt để hiểu sâu sắc về một tác phẩm kinh điển của ca trù".
Theo Đinh Vân, ca trù thu hút ở chỗ bộ môn nghệ thuật này có đủ làn điệu có đủ thể cách, với vô vàn cách biến hóa khác nhau: "Một tay trống cừ khôi nước ngoài đã từng phải "đầu hàng" khi phân tích tiếng phách và nhịp trong ca trù. Thêm nữa, mỗi một nơi, chốn trong dân gian Việt đều có dấu tích những nghệ nhân ca trù, đó là thứ tinh hoa không thể trộn lẫn được".
Đến năm 2005, Đinh Vân bắt đầu biểu diễn ca trù và giành được nhiều giải thưởng lớn trong các Hội diễn toàn quốc. Trước dịch bệnh, cô cũng thường xuyên tới diễn tại CLB ca trù Hà Nội ở 42 Hàng Bạc và một số tụ điểm âm nhạc. Ngoại hình sáng và giọng hát được nhiều người so sánh với nghệ nhân Quách Thị Hồ, Đinh Vân được coi như một giai nhân ca trù đầy triển vọng.
Tuy vậy, với ca nương Đinh Vân, ca trù không phải là một nghề để "kiếm cơm": "Trước kia, một nghệ nhân ca trù may mắn có thể có cuộc sống sung túc, hiện tại thì chúng tôi làm nghề chỉ để gìn giữ văn hóa dân tộc mà mình đam mê và được các nghệ nhân truyền lại. Tôi hiện cũng đang dạy môn Âm nhạc tại một trường học tư nhân. Tại đó, tôi lại ươm mầm nghệ thuật ca trù cho các học sinh nhỏ vào một tiết học mỗi tuần. Năm 2018, đã có học sinh của tôi tham gia Liên hoan Tài năng trẻ ca trù của Thành phố Hà Nội và giành giải Vàng chung cuộc".
Đinh Vân chia sẻ, ca nương trẻ như cô ngày một hiếm hoi: "Ca nương ca trù ít đi mỗi ngày, thêm nữa, cũng như tôi, họ còn phải đảm nhiệm các công việc chính. Tôi cũng hi vọng có dịp để những nghệ sĩ cùng lĩnh vực này có thể ngồi với nhau, truyền cho nhau động lực để giữ lại vẻ đẹp, hồn cốt của truyền thống dân tộc…"