Khôi phục điệu ca trù cổ thất truyền 70 năm

Mỵ Lương – Hồng Vân Thứ hai, ngày 26/10/2015 08:20 AM (GMT+7)
“Nét độc đáo nhất của “Non Mai Hồng Hạnh” là ém hơi và nảy hột. Nảy hột ca trù phải nảy trên mũi, không phải nảy dưới họng như của quan họ”. Đó là chia sẻ của Nghệ nhân Vân Mai – người có công khôi phục và hát thành công điệu hát đã thất truyền hơn 70 năm nay.
Bình luận 0

Đỉnh cao của ca trù

Tìm đến nhà Nghệ nhân dân gian Vân Mai – Chủ nhiệm Câu lạc bộ Ca trù UNESCO, đồng thời là người duy nhất còn hát được điệu “Non Mai Hồng Hạnh” đã  thất truyền từ lâu, chúng tôi khá bất ngờ khi bắt gặp ca nương dịu dàng này trong vai bà chủ chủ cửa hàng gạch men tại số nhà 40 phố Bích Câu (Hà Nội). Niềm nở đón khách, chị Vân Mai chia sẻ: “Không ít người ngạc nhiên vì công việc ít liên quan giữa nghệ thuật và kinh doanh của tôi.

Thực tế, nghiệp cầm ca đã ngấm vào máu thịt tôi từ bé, khi âm nhạc truyền thống gặp khó khăn về nhiều mặt, gia đình tôi mở cửa hàng cũng để có điều kiện nuôi dưỡng đam mê”. Đến khi được nghe ca trù và biết đến điệu “Non Mai Hồng Hạnh”- điệu hát khó nhất, chị Mai quyết học bằng được và đắm đuối với ca trù từ đó.

img

Nghệ nhân Vân Mai (phải) tranh thủ dạy học trò ca trù trong giờ nghỉ trưa tại nhà riêng. Ảnh:  Mỵ Lương 

 “Non Mai Hồng Hạnh” là một trong những tác phẩm đỉnh cao của ca trù và chỉ được hát trong không gian hát thờ tổ thiêng liêng. Theo các nhà nghiên cứu về ca trù, đến nay không còn ca nương nào hát được thành công “Non Mai Hồng Hạnh” kể từ thế hệ những ca nương nổi danh thuở trước như Kim Đức, Nguyễn Thị Chúc… Ngay cả NSND Quách Thị Hồ cũng không được mẹ dạy tác phẩm này. Bài hát tương truyền do Công chúa Bạch Hoa sáng tác và thể hiện mỗi khi nhớ đến người chồng quá cố.

Nét độc đáo nhất của “Non Mai Hồng Hạnh” là kỹ thuật ém hơi và nảy hột. Nảy hột ca trù phải nảy trên mũi không phải nảy dưới họng, hột ca trù phải nổ như ngô rang chứ không phải nảy hạt như của quan họ. “Nếu ai luyện được thành công “Non Mai Hồng Hạnh” sẽ thành thạo cách nhả chữ, nảy hột, đổ con kiến, ém hơi thật chặt để ra những âm “hự” đúng của ca trù. Vì vậy, chỉ cần hát được “Non Mai Hồng Hạnh” là coi như “bắt vía” được cái hồn của ca trù và từ đó sẽ hát những điệu ca trù khác dễ dàng hơn” – ca nương Vân Mai cho biết.

Chúng tôi cũng được chị Vân Mai chia sẻ thêm: Trong điệu hát, có từ “hoa” trùng với tên của Công chúa Bạch Hoa nên phải hát là “huê” tránh phạm úy. Các nhà nghiên cứu cho rằng, nếu chỉ hát trong lễ tế tổ sẽ khiến bài hát rơi vào lãng quên, dần dần bị thất truyền. Vì vậy, một lễ giống như lễ tế tổ được tổ chức và cụ Châu Doanh Đinh Thị Hảo hát “Non Mai Hồng Hạnh”, sau đó ghi âm lại truyền cho đời sau.

Cái duyên cũng đến tình cờ với Vân Mai, khi nhà nghiên cứu, nhạc sĩ Đặng Hoành Loan nghe chất giọng của chị  và bảo: “Cô hãy thử hát điệu “Non Mai Hồng Hạnh”. Và chị xúc động khi được nhạc sĩ Đặng Hoành Loan và TS Nguyễn Xuân Diện đánh giá: “Chưa nghe thấy ai hát đạt điệu hát đã hơn 70 năm vắng bóng này như Vân Mai”.

Nỗ lực phục sinh điệu hát cổ

" Trong thời gian tới, nếu Sở VHTTDL Hà Nội có yêu cầu ghi âm “Non Mai Hồng Hạnh” thì tôi cũng rất muốn hát lại. Bởi theo lời các cụ nói: “Gừng càng già càng cay” nên chưa bao giờ tôi hài lòng với những gì mình đã có mà phải tiếp tục tập luyện”.
Nghệ nhân Vân Mai

Câu lạc bộ Ca nhạc truyền thống do chị Vân Mai là chủ nhiệm giảng dạy từ năm 2001  đổi tên thành Câu lạc bộ Ca trù UNESCO, hoạt động vào thứ 4 hàng tuần tại đền Bích Câu. Câu lạc bộ có 16 thành viên tham gia sinh hoạt với mục đích  học tập, giao lưu và hơn cả là để giữ gìn di sản dân tộc. “Các bạn trẻ có học nhưng số lượng học viên không nhiều mà chủ yếu là những người trung tuổi vì họ có thời gian và chất giọng đủ “chín”. Những thành viên học tập từ 1- 3 năm có thể học hỏi được kỹ thuật ém hơi, nhả chữ cho ra chất ca trù. Ngoài ra họ còn học được khả năng biết nghe và phát hiện đâu là ca trù chuẩn, đâu là ca trù bị biến dạng, lai tạp” – chị Vân Mai chia sẻ.

Vì say mê với “Non Mai Hồng Hạnh” nên chị  còn truyền tình yêu ca trù cho anh Trần Văn Trúc - người bạn đời để trở thành cặp vợ chồng nghệ sĩ ngồi cùng chiếu biểu diễn “chồng đàn vợ hát” nổi danh ở đền Bích Câu. Với ca nương Vân Mai, ca trù như “người bạn đời thứ hai” của mình. Suốt 20 năm qua, bộ phách được coi là “báu vật” gối đầu giường của ca nương này. Hằng năm, vợ chồng ca nương Vân Mai  thường xuyên đi các tỉnh như Thái Bình, Hưng Yên, Hải Dương… để giảng dạy cho những người yêu ca trù. Nói đến việc ghi âm, ghi hình để gìn giữ, bảo tồn “Non Mai Hồng Hạnh”, ca nương Vân Mai cho biết: “Làn điệu này tôi đã ghi âm từ năm 2008 và được tải lên Youtube để mọi người yêu ca trù thưởng thức”.

Đến nay, ca nương Vân Mai vẫn nặng lòng tìm kiếm lớp trẻ kế cận tiếp nối gìn giữ di sản ca trù. “Tôi đã từng tìm được một em ở Hưng Yên có chất giọng rất hay. Tuy nhiên, học trò chỉ học một thời gian rồi bỏ ngang. Nhiều em đã tâm sự: “Đến thầy giỏi nghề mà vẫn không sống được bằng nghề nữa là chúng con mới chỉ tập toẹ”. Đó là lựa chọn của học trò mà tôi đau xót nhưng đành chấp nhận” – Nghệ nhân Vân Mai ngậm ngùi. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem