Tại cuộc tọa đàm "Chuyển đổi tư duy kinh tế nông nghiệp; Chinh phục thị trường nông sản thế giới" do Bộ Nông nghiệp và PTNT phối hợp với Báo Nông thôn ngày này/Dân Việt tổ chức sáng 22/12, TS. Đặng Kim Sơn, Chuyên gia nông nghiệp, nguyên Viện trưởng Viện Chính sách và chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn đánh giá: Đây là thực trạng chưa từng có. Nó đặt ra rất nhiều vấn đề không chỉ với ngành nông nghiệp mà còn liên quan tới các ngành dịch vụ, kinh tế, phi nông nghiệp… Khi họ về quê thì dạy cho họ cách nào để có nghề, hướng họ làm gì để có thể tiếp tục mưu sinh, chứ không đơn thuần là quản lý bằng mã số trên căn cước công dân.
"Chúng ta cần đào tạo người nông dân. Cần xem xét người nông dân là chủ thể, là trung tâm của sự phát triển. Đề đào tạo người nông dân chúng ta cần hướng dẫn, hỗ trợ họ đổi mới tư duy, xây dựng kết cấu giai tầng của người nông dân và xây dựng các KHKT " – ông Sơn kết luận.
Đồng quan điểm, bà Nguyễn Thị Thành Thực, doanh nhân, Ủy viên BCH Hiệp hội Nông nghiệp số Việt Nam, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Bagico cũng cho rằng "rời phố về quê" là sự kiện mang tầm ảnh hưởng lớn lao. "Nó sẽ đồng điệu với mong muốn của Bộ trưởng Bộ NNPTNT Lê Minh Hoan, đó là thúc đẩy nông nghiệp đa giá trị. Sản xuất nông nghiệp bây giờ không đơn thuần là có sản phẩm cụ thể như hạt thóc, củ khoai, gánh rau nữa, mà giá trị của nó còn nằm ở những yếu tố vô hình như như du lịch trải nghiệm nông nghiệp" – bà Thực nhấn mạnh.
Với một lực lượng lớn lao động nông thôn, chúng ta không kỳ vọng toàn bộ họ sẽ tiếp tục ở lại quê, nhưng chúng ta có thể hy vọng rằng chuyến di cư đó sẽ thay đổi tư duy của nhiều người, lựa chọn chắc chắn ở lại quê và sản xuất nông nghiệp, sẽ bề vững hơn là tiếp tục mưu sinh ở thành phố.
"Chúng ta cần ghi nhận dù trong tiêu cực sẽ luôn có những điểm sáng, những cơ hội để chúng ta nắm bắt và biết đâu đó lại chính là cơ hội thay đổi ngành nông nghiệp Việt Nam thì sao" – bà Thực cho hay.
Ông Hoàng Văn Tú- chuyên gia hệ thống thực phẩm, đại diện Tổ chức Nông lương LHQ (FAO) tại Việt Nam cũng đề cao yếu tố này, tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã xác định 3 chiến lược cho ngành nông nghiệp VN, đó là nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại và nông dân văn minh. Đây là thời kỳ mới của nông nghiệp Việt Nam, từ chỗ hướng đến tăng sản lượng, khai thác tài nguyên sang ngành nông nghiệp tích hợp đa giá trị như các đại biểu đã nói. Đây chính là định hướng của ngành nông nghiệp trong 30 năm về sau bởi những yếu tố vô hình sẽ mang lại giá trị rất lớn
Ông Tú cho rằng: sự kiện lao động di cư về nông thôn cũng là sự kiện rất đáng lưu tâm. Dù có làm nông hay quay trở lại làm công nghiệp thì đây cũng là những yếu tố đáng mừng khi người dân quay trở về quê hương của mình. Thế thì đây là cơ hội để chúng ta truyền thông, khuyến khích để họ ở lại, trở thành doanh nhân nông dân, xây dựng quê hương mình giàu đẹp.
Trong khi đó, bà Bùi Kim Thùy, chuyên gia, đại diện cấp cao Hội đồng kinh doanh ASEAN- Hoa Kỳ cũng đánh giá rất cao việc tạo thêm các giá trị vô hình trong sản xuất nông nghiệp, đó là môi trường sống, là du lịch nông nghiệp, là văn hóa, truyền thống…. là gia tăng những giá trị ngoài sản lượng, ngoài sản phẩm nông nghiệp. "Tôi cho rằng những giá trị ngoài nông nghiệp có tính bền vững hơn rất nhiều và nó sẽ sống trong đời sống của người nông dân chứ không đơn thuần là thu lợi nhuận trước mắt".