Đây là nhận định chung được nêu ra tại Diễn đàn trực tuyến kết nối và thúc đẩy nông sản hữu cơ do Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NNPTNT) tổ chức ngày 22/12.
Ông Lê Quốc Việt, nông dân tỉnh Kiên Giang cho biết, mô hình trồng lúa mùa của ông thực hiện theo hướng canh tác sạch. Việc tiến lên chứng nhận hữu cơ chỉ là thao tác kỹ thuật, hoàn toàn có thể thực hiện được.
Tuy nhiên, sản xuất nông nghiệp hữu cơ nhìn chung hiện nay còn gặp nhiều khó khăn do vốn đầu tư lớn, giá bán sản phẩm hữu cơ chưa hấp dẫn.
Chính sách thúc đẩy phát triển nông nghiệp hữu cơ ở tầm vĩ mô thì đầy đủ nhưng chưa thực sự đi vào đời sống; chưa thu hút nhiều nông dân tham gia.
"Việc tuyên truyền nông nghiệp hữu cơ vẫn còn hạn chế, chưa đủ mạnh để xây dựng được lòng tin với người tiêu dùng", ông Việt nói.
Ông Lê Viết Bình - Phó Chánh văn phòng Bộ NNPTNT cho biết, nông nghiệp hữu cơ là xu thế tất yếu hiện nay. Tuy nhiên, những áp lực từ sản lượng cho đến thu nhập của người sản xuất khiến tiến độ phát triển NNHC còn chậm.
Trong nước hiện có 2 đối tượng làm nông nghiệp hữu cơ là doanh nghiệp và các hộ nông dân. Nếu các doanh nghiệp áp dụng theo các tiêu chí quốc tế thì sản xuất nông nghiệp hữu cơ ở nông hộ còn mang tính tự nguyện, làm theo đơn hàng chưa nhiều.
Nhiều nông hộ cũng chưa hoặc không có đủ điều kiện được tổ chức quốc tế chứng nhận nên sản xuất NNHC ở nhóm đối tượng này còn mang tính nhỏ lẻ.
"Kéo theo đó là mức độ quan tâm và tin tưởng của người tiêu dùng chưa cao", ông Bình nói.
Năm 2018, Chính phủ ban hành Nghị định 109 về Nông nghiệp hữu cơ, trong đó có nêu những nguyên tắc sản xuất nông nghiệp hữu cơ.
Khoản 2 điều 11 quy định rõ về ghi nhãn sản phẩm nông nghiệp hữu cơ. Trong đó lưu ý: Sản phẩm đã được chứng nhận phù hợp với tiêu chuẩn hữu cơ mới được ghi nhãn hiệu liên quan cụm từ "hữu cơ".
Nghị định 109 cũng quy định phải phân biệt sản phẩm đang chuyển đổi sang sản xuất hữu cơ với sản phẩm hữu cơ bằng cách ghi rõ "đang chuyển đổi sang sản xuất hữu cơ" hoặc cụm từ tương đương.
Ông Lê Thanh Hòa – Phó Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NNPTNT) cho biết, cần phải thống nhất rõ ràng về quan điểm thế nào là nông nghiệp hữu cơ.
Theo ông Hòa, sản phẩm nông nghiệp hữu cơ là sản phẩm giá trị gia tăng. Nông nghiệp hữu cơ khác hoàn toàn với nông nghiệp an toàn.
"Trong sản xuất nông nghiệp an toàn, người ta còn có thể đề cập đến vấn đề dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, còn nông nghiệp hữu cơ thì đơn giản là không được phép", ông Hòa nói.
Kể các hóa chất trong sản xuất nông nghiệp hữu cơ cũng chỉ dùng mang tính điều chỉnh môi trường ở mức độ nhất định, không làm ảnh hưởng đến sản phẩm.
Ví dụ, cách làm phân bón hữu cơ từ thu gom nguyên liệu phế phụ khác nhau thì các nguồn này cũng phải có nguồn gốc là hữu cơ.
Trong nước hiện đã có Nghị định 109 về nông nghiệp hữu cơ nhưng lại chưa có hướng dẫn cụ thể. Vì thế, theo ông Hòa, từ cách hiểu cho đến việc phát triển nông nghiệp hữu cơ nói chung cần hệ thống nghiên cứu và đầu tư tập trung từ Bộ NNPTNT, đến Bộ Khoa học Công nghệ.
Ông Lê Thanh Tùng – Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt cho biết, sản xuất nông nghiệp hữu cơ trong nước đã có những bước phát triển nhất định trong các lĩnh vực từ trồng trọt, chăn nuôi và thủy sản.
Ông Tùng cũng đồng ý rằng: Cần phải thống nhất lại cách hiểu về nông nghiệp hữu cơ, để tránh những nhầm lẫn từ người sản xuất đến người tiêu dùng.
"Kể cả việc chứng nhận cũng cần thống nhất giữa các hệ thống chứng nhận hữu cơ trong nước và quốc tế để khắc phục những lúng túng hiện nay; và thúc đẩy nông nghiệp hữu cơ phát triển hơn nữa", ông Lê Thanh Tùng gợi ý.