Tết năm 2022 là năm thứ hai Bộ Luật Lao động 2019 có hiệu lực, chính vì thế, thưởng Tết năm 2022 sẽ có một số điểm mới sau:
Tại Điều 104 Bộ luật Lao động 2019 quy định về thưởng như sau:
1. Thưởng là số tiền hoặc tài sản hoặc bằng các hình thức khác mà người sử dụng lao động thưởng cho người lao động căn cứ vào kết quả sản xuất, kinh doanh, mức độ hoàn thành công việc của người lao động.
2. Quy chế thưởng do người sử dụng lao động quyết định và công bố công khai tại nơi làm việc sau khi tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở đối với nơi có tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở.
Theo đó, khi Bộ luật Lao động 2019 có hiệu lực, quy chế thưởng do người sử dụng lao động quyết định.
Thưởng có thể bằng tiền hoặc tài sản hoặc bằng các hình thức khác như chuyến tham quan du lịch, vé tàu, xe để về quê hoặc hàng hóa do chính công ty sản xuất ra…
Doanh nghiệp không bắt buộc thưởng Tết cho người lao động
Cũng như những năm trước đây, thưởng Tết không phải là nghĩa vụ bắt buộc của doanh nghiệp.
Việc có thưởng hay không, thưởng bao nhiêu, pháp luật hoàn toàn không can thiệp. Điều này phụ thuộc vào kết quả sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và mức độ hoàn thành công việc của người lao động.
Người lao động chỉ chắc chắn được thưởng tết nếu có thỏa thuận trong hợp đồng lao động, hoặc nếu quy chế nội bộ doanh nghiệp có quy định... và phụ thuộc phần lớn vào doanh thu, lợi nhuận của doanh nghiệp và năng suất, hiệu quả công việc của người lao động.
Doanh nghiệp cũng có quyền không thưởng tết cho người lao động nếu kinh doanh không có lãi hoặc người lao động không hoàn thành công việc được giao.
Mặc dù đời sống bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi COVD-19, nhưng người lao động vẫn có cơ hội được nhận một số khoản tiền thưởng và hỗ trợ để đón Tết Nhâm Dần 2022.
Thứ nhất là 300.000 đồng tiền thăm hỏi và quà từ quỹ tài chính công đoàn.
Theo Kế hoạch 146/KH-TLĐ, có 2 nhóm đối tượng được hưởng tiền thăm hỏi gồm: Người lao động có đóng BHXH tại doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp ngoài công lập có đóng kinh phí công đoàn hoặc cán bộ, công chức, viên chức có hoàn cảnh khó khăn.
Danh sách những người đủ điều kiện nhận hỗ trợ sẽ được chốt đến hết ngày 31.12.2021. Sau đó, tiền hỗ trợ sẽ được công đoàn các cấp phối hợp với chính quyền địa phương trao đến tay người lao động.
Thứ hai là lương tháng 13 theo thỏa thuận với doanh nghiệp.
Thứ ba là khoản thưởng Tết do doanh nghiệp tự chi trả.
Căn cứ khoản 3 Điều 30 Thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH, tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) bắt buộc không bao gồm các khoản chế độ và phúc lợi khác:
Tiền thưởng, tiền thưởng sáng kiến;
Tiền ăn giữa ca; các khoản hỗ trợ xăng xe, điện thoại, đi lại, tiền nhà ở, tiền giữ trẻ, nuôi con nhỏ;
Hỗ trợ khi người lao động có thân nhân bị chết, người lao động có người thân kết hôn, sinh nhật của người lao động, trợ cấp cho người lao động gặp hoàn cảnh khó khăn khi bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp;
Các khoản hỗ trợ, trợ cấp khác ghi thành mục riêng trong hợp đồng lao động.
Như vậy, tiền thưởng Tết của người lao động sẽ không làm căn cứ tính đóng BHXH. Do đó, người lao động sẽ được hưởng toàn bộ số tiền thưởng Tết mà không phải trích để đóng BHXH.
Theo khoản 2 Điều 3 Luật Thuế thu nhập cá nhân hiện hành, thu nhập từ tiền lương, tiền công được xác định là thu nhập chịu thuế. Trong đó bao gồm tiền lương, tiền công và các khoản có tính chất tiền lương, tiền công dưới các hình thức bằng tiền hoặc không bằng tiền theo hướng dẫn tại khoản 2 Điều 2 Thông tư 111/2013/TT-BTC.
Mặc khác, tiền thưởng được xác định trên cơ sở kết quả sản xuất, kinh doanh, mức độ hoàn thành công việc của người lao động, do đó, đây được xem là khoản thu nhập có tính chất tiền lương, tiền công.
Vì vậy, thưởng Tết được coi là khoản thu nhập chịu thuế. Tuy nhiên, người lao động chỉ phải nộp thuế thu nhập cá nhân nếu có thu nhập tính thuế (thu nhập cao).