Thị trường bất động sản 2021 bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19, nhất là quý III/2021 khi hàng loạt địa phương thực hiện giãn cách xã hội để phòng chống dịch. Đáng nói, nguồn cung đã sụt giảm từ những năm trước, tiếp tục bị sụt giảm bởi dịch bệnh và chính sách chưa được tháo gỡ triệt để. Giao dịch trên thị trường thường xuyên đối mặt với tình trạng đứt gãy, gián đoạn.
Theo thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong 9 tháng đầu năm 2021, số lượng doanh nghiệp tạm dừng kinh doanh trong lĩnh vực xây dựng là 6.171 doanh nghiệp (chiếm 13,7%), số lượng doanh nghiệp xây dựng chờ giải thể là 4.091 doanh nghiệp (chiếm 12,6%). Bên cạnh đó, số lượng doanh nghiệp Kinh doanh bất động sản thành lập mới trong 9 tháng đầu năm tăng 11,5% so với cùng kỳ năm 2020.
Đáng chú ý, theo thống kê của Bộ Xây dựng, do ảnh hưởng của dịch bệnh, hoạt động của các sàn giao dịch bất động sản chịu nhiều ảnh hưởng nặng nề như: có tới 28% đơn vị có nguy cơ giải thể, phá sản, 32% đơn vị đang phải nỗ lực chống đỡ để duy trì và 40% doanh nghiệp còn khả năng chống đỡ, nhưng không cao. Thống kê cho thấy, hiện tại đã có tới hơn 80% sàn giao dịch không có doanh thu hoặc doanh thu rất thấp, quỹ lương ngày một cạn kiệt, buộc phải cắt giảm nhân sự (cho nghỉ việc) hoặc cho tạm nghỉ việc không lương.
Chỉ còn thời gian ngắn nữa là năm 2021 sẽ kết thúc, nhiều doanh nghiệp bất động sản đang dần "chốt" lại kết quả kinh doanh và định hướng trong năm tới. Trong đó, mức thưởng Tết ngành bất động sản đang nhận được nhiều sự chú ý.
Trao đổi với PV Dân Việt, ông Phạm Đức Toản - Tổng Giám đốc EZ Việt Nam chia sẻ, giống như năm 2020, năm nay thị trường địa ốc có sự phân hóa cực kỳ rõ nét. Một bộ phận doanh nghiệp thắng lớn, lợi nhuận cao khi nắm bắt được cơ hội trong bối cảnh thị trường khó khăn vì đại dịch.
Tuy nhiên, về tổng quan thị trường, ông Toản cho rằng, thị trường có nhiều sự khó khăn hơn năm ngoái, do 6 tháng cuối năm, dịch Covid-19 diễn ra phức tạp. Hoạt động hầu hết doanh nghiệp bất động sản khó khăn.
"Có tình trạng doanh nghiệp vay mượn chỗ này để trả chỗ kia. Ngoài ra, việc thu hồi công nợ của doanh nghiệp gặp khó do đối tác cũng gặp khó. Do đó, việc chi trả lương thưởng cho nhân viên cũng chậm", ông Toản nói.
Cũng theo ông Toản, ngoài một số mảng như bất động sản công nghiệp, phân khúc đất nền năm nay rất "nóng", nhiều doanh nghiệp vừa ra đã hết hàng. Cũng chính vì vậy, thưởng Tết Nhâm Dần trong khối các doanh nghiệp bất động sản cũng sẽ có sự phân hóa. Những doanh nghiệp làm ăn "phất" lên cũng có thể sẽ chi những mức thưởng xứng đáng.
Theo anh Nguyễn Văn Quân – Nhân viên công ty môi giới bất động sản Thiên Phú ở Hà Nội chia sẻ, năm nay, các hoạt động kinh doanh của công ty gặp khó khăn. Đến thời điểm hiện tại, lương thưởng cuối năm của nhân viên cũng chưa được nhắc đến.
"Dù chưa có thông tin về mức thưởng Tết năm nay, nhưng tôi nghĩ sẽ rất thấp. Thực tế này chắc không phải chỉ riêng ở công ty tôi mà có thể sẽ diễn ra ở nhiều công ty bất động sản khác", anh Quân nói.
Ở một chiều hướng tích cực hơn, anh Trần Văn Huy – Nhân viên môi giới bất động sản ở Hà Nội cho biết, mặc dù thị trường cũng có những khó khăn nhất định, nhưng do năm nay công ty có những dòng sản phẩm vẫn bán chạy nên cũng đã có kế hoạch "treo" thưởng Tết cho nhân viên.
Liên quan đến thưởng Tết 2022, theo ghi nhận của Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, nhìn chung dù khó khăn nhưng các doanh nghiệp vẫn cố gắng chăm lo cho người lao động. Trừ một số doanh nghiệp nhỏ, doanh nghiệp ngừng hoạt động sẽ khó có thể có nguồn thưởng Tết cho lao động, số còn lại vẫn có thưởng dù mức giảm chỉ có thể bằng hoặc thấp hơn các năm trước.
Ông Ngọ Duy Hiểu - Phó chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết, theo quan sát đánh giá, sẽ có 30-50% doanh nghiệp sẽ giảm thưởng Tết năm 2022. Dù vậy, đây vẫn sẽ là nỗ lực lớn của doanh nghiệp và chủ sử dụng.
"Với các doanh nghiệp khó khăn, không thể thưởng Tết hoặc doanh nghiệp phá sản, ngừng hoạt động, công nhân, lao động mất việc, Tổng Liên đoàn sẽ tính toán có kế hoạch hỗ trợ lao động cụ thể", ông Hiểu nói.