Dân Việt

Năng lực tập đoàn TPM, đơn vị thi công cầu 54 tỷ đồng sập ở Cà Mau

Quang Dân 23/12/2021 14:27 GMT+7
Tính 5 năm gần nhất, tập đoàn TPM-đơn vị thi công cầu 54 tỷ đồng sập ở Cà Mau, thu về 678,8 tỷ đồng doanh thu, song mức lãi ghi nhận về trên sổ sách chỉ vỏn vẹn hơn 1 tỷ đồng.

Như Dân Việt đã thông tin, mới đây tại thị trấn Cái Đôi Vàm, huyện Phú Tân (Cà Mau), công trình xây dựng cầu Cái Đôi Vàm, có vốn đầu tư trên 54 tỷ đồng sắp hoàn thành thì lún trụ, gây sập nhịp dẫn.

Được biết, công trình xây dựng cầu Cái Đôi Vàm là công trình giao thông cấp III, có chiều dài trên 286m, tốc độ thiết kế 40km/h. Dự án có tổng mức đầu tư trên 54 tỷ đồng (trong đó giá trị xây lắp cầu hơn 30 tỷ đồng), từ nguồn vốn ngân sách tỉnh.

Dự án do Ban Quản lý dự án xây dựng công trình giao thông làm chủ đầu tư. Đơn vị thi công là Công ty cổ phần tập đoàn TPM. Dự kiến, cầu sẽ được đưa vào sử dụng trước Tết Nguyên đán 2022.

Năng lực tập đoàn TPM - Ảnh 1.

Hiện trường vụ sập cầu 54 tỷ đồng ở Cà Mau. Ảnh: CTV

Theo Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, Công ty cổ phần tập đoàn TPM được thành lập ngày 14/7/2005, địa chỉ tại khóm 11, thị trấn Sóc Đốc, huyện Trần Văn Thời, tình Cà Mau.

Doanh nghiệp đăng ký ngành nghề kinh doanh chính là hoạt động xây dựng chuyên dụng khác. Chi tiết: Đầu tư xây dựng chợ, nhà hàng, khách sạn, khu du lịch, khu du lịch sinh thái; đầu tư nhà máy điện gió, nhiệt điện. Công ty này còn đầu tư xây dựng các công trình theo hình thức BOT, BTO, BT, PPP trong các lĩnh vực giao thông, thủy lợi, dân dụng, công nghiệp. Đầu tư xây dựng cảng và khai thác cảng. Đầu tư xây dựng và thi công các công trình thủy lợi và nạo vét thủy lợi. Thi công các công trình hạ tầng kỹ thuật. Đầu tư các dự án công trình dân dụng, công nghiệp, giao thông, thủy lợi và hạ tầng kỹ thuật; đầu tư các resort.

Tính đến cuối năm 2020, vốn điều lệ tập đoàn TPM đạt 120 tỷ đồng. Cơ cấu cổ đông bao gồm ông Sử Thành Phú sở hữu 92,5% vốn, ông Nguyễn Hồng Ân sở hữu 7,3% và bà Lê Thị Diệu nắm giữ 0,1%.

Ông Sử Thành Phú cũng đồng thời nắm giữ chức vụ Chủ tịch HĐQT Tập đoàn TPM.

Theo báo Đấu Thầu, từ năm 2018 đến nay, Công ty CP Tập đoàn TPM được công bố trúng thầu 23 gói thầu trên địa bàn tỉnh Cà Mau với tổng giá trúng thầu khoảng 670 tỷ đồng.

Năng lực tập đoàn TPM - Ảnh 2.

Việc trúng liên tiếp các gói thầu giúp doanh thu Tập đoàn TPM liên tiếp tăng trưởng trong mấy năm qua. Cụ thể, năm 2016, doanh thu tập đoàn TPM đạt 147,1 tỷ đồng, đột ngột giảm về 0 vào năm 2017. Trước khi tăng vọt lên ngưỡng 169,6 tỷ đồng năm 2018; 169,9 tỷ đồng năm 2019 và 192,2 tỷ đồng năm 2020.

Đáng nói, dù doanh thu ghi nhận lên đến hàng trăm tỷ đồng mỗi năm, song lợi nhuận tập đoàn TPM mang về lại rất mỏng. Năm 2016 là năm doanh nghiệp đạt đỉnh lãi sau thuế với 522,2 triệu đồng.

Tính 5 năm gần nhất, tập đoàn TPM thu về 678,8 tỷ đồng doanh thu, song mức lãi ghi nhận về trên sổ sách chỉ vỏn vẹn hơn 1 tỷ đồng. Điều này đặt ra câu hỏi về năng lực quản trị chi phí, hoặc doanh nghiệp đã chủ động trong quản lý chi phí đầu vào, chi phí hoạt động nhằm giảm gánh nặng thuế thu nhập.

Trong khi đó, cùng giai đoạn tổng tài sản và vốn chủ sở hữu tập đoàn TPM phát triển khá ổn định. Tính đến cuối năm 2020, tổng tài sản doanh nghiệp đạt 203,9 tỷ đồng, tăng 36% so với 5 năm trước đó (năm 2016 đạt 149,4 tỷ đồng); vốn chủ sở hữu đạt 122,6 tỷ đồng, tăng 22% (năm 2016 đạt 100,2 tỷ đồng); nợ phải trả chỉ ở ngưỡng 81,3 tỷ đồng.