Dân Việt

Nâng cao kiến thức giáo dục an toàn giao thông cho học sinh ngay trên ghế nhà trường

PV 30/09/2021 17:19 GMT+7
Tai nạn giao thông đang là vấn đề nóng của mọi quốc gia. Ở Việt Nam mỗi năm có hàng chục ngàn người chết vì tai nạn giao thông. Trong đó số lượng trẻ em bị tai nạn giao thông cũng ở mức báo động. Trang bị kiến thức, kỹ năng cho trẻ em, để các em tham gia giao thông an toàn đang là vấn đề cần thiết.

Theo số liệu thống kê của Tổng cục Thống kê công bố cho thấy, trong 9 tháng năm 2021, trên địa bàn cả nước xảy ra 8.135 vụ TNGT, bao gồm 5.237 vụ TNGT từ ít nghiêm trọng trở lên và 2.898 vụ va chạm giao thông, làm 4.146 người chết, 2.695 người bị thương và 2.932 người bị thương nhẹ.

Bình quân 1 ngày trong 9 tháng năm 2021, trên địa bàn cả nước xảy ra 30 vụ TNGT, gồm 19 vụ TNGT từ ít nghiêm trọng trở lên và 11 vụ va chạm giao thông, làm 15 người chết, 10 người bị thương và 11 người bị thương nhẹ.

Con số tai nạn giao thông đang gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh cần phải trang bị kiến thức an toàn giao thông cho mọi người, các đối tượng khác nhau. Trong đó phải đặc biệt chú trọng đến lứa tuổi học sinh. Bởi, tai nạn giao thông xảy ra đối với trẻ em ở lứa tuổi học sinh đang được đánh giá là đặc biệt nghiêm trọng, là mối lo chung của toàn xã hội. Tình trạng trẻ em vi phạm quy tắc giao thông khi điều khiển xe máy điện diễn ra phổ biến, tiềm ẩn nguy cơ TNGT.

Nâng cao kiến thức giáo dục an toàn giao thông cho học sinh ngay trên ghế nhà trường - Ảnh 1.

Trường tiểu học Liên Bảo lắp đặt các biển báo giao thông nhằm tuyên truyền kiến thức ATGT cho học sinh. Ảnh: Báo Thanh niên

Một trong những nguyên nhân dẫn đến sự gia tăng tai nạn giao thông ở lứa tuổi học sinh có thể kể đến là nhận thức của các em về các kiến thức, kỹ năng khi tham gia giao thông chưa cao. Chúng ta cần nâng cao kiến thức, kỹ năng cho trẻ, bằng cách phối hợp nhuần nhuyễn giữa: Nhà trường- gia đình và xã hội.

Cần đưa các kiến thức, kỹ năng tìm hiểu Luật Giao thông đường bộ vào các buổi học cho trẻ em; tổ chức các cuộc thi tìm hiểu Luật Giao thông đường bộ, các buổi tuyên truyền an toàn giao thông, các trò chơi rung chuông vàng về an toàn giao thông để học sinh tìm hiểu.

Khi học sinh được va chạm thường xuyên với các kiến thức của Luật Giao thông đường bộ các em sẽ có các ứng xử, đối phó một cách an toàn với các tình huống nguy hiểm khi tham gia giao thông. Từ đó, hạn chế tai nạn giao thông xảy ra.

"Nghe số lượng vụ tai nạn giao thông mỗi ngày, chúng tôi rất nóng ruột. Tôi mong muốn nhà trường nên tổ chức các hoạt động thanh niên và các phong trào thi đua của học sinh trong và ngoài nhà trường về an toàn giao thông cho học sinh để các em nắm được kỹ năng khi tham gia giao thông…", một phụ huynh có con đang học lớp 5 tại Trường tiểu học Dịch Vọng B, Hà Nội cho hay.

Theo một chuyên gia trong lĩnh vực an toàn giao thông, để có được các kỹ năng cần thiết, cần trang bị cho học sinh những kiến thức cần thiết về Luật Giao thông đường bộ. Để những kiến thức tiếp cận với học sinh một cách hiệu quả nhà trường nên tổ chức cho trẻ chơi các trò chơi, hội thi trắc nghiệm.

Bên cạnh việc giáo viên phổ biến kiến thức an toàn giao thông cho trẻ, nhà trường cần mời các chuyên gia giao thông, các chiến sĩ cảnh sát giao thông đến trường để tuyên truyền các kiến thức cụ thể cho các em học sinh.

Theo ông Đặng Thủy- một phụ huynh đang có con theo học ở một trường tiểu học ở Hà Nội, tại trường học của con ông luôn có những chương trình rèn luyện kỹ năng "mềm" cho các học sinh. Nhà trường thường tổ chức các cuộc thi dưới dạng các lớp học làm tiểu phẩm về an toàn giao thông. Các cuộc thi này được các em học sinh hào hứng tham gia. Qua đó, các kiến thức pháp luật cũng như các tình huống nguy hiểm khi tham gia giao thông được học sinh nghiên cứu, tìm hiểu và mang lại hiêu quả cao khi chính các em trải nghiêm và nhập vai vào các tình huống đó. Hiêu quả mang lại của các hội thi mang tính giáo dục và rèn luyên kỹ năng một cách hiệu quả hơn, mang lại hứng thú hơn cho các em.

Qua các buổi học ngoại khóa, các cuộc thi, các trò chơi, hầu hết các em đều nắm được cách nhân diện các tình huống giao thông nguy hiểm và thảo luận được cách phòng tránh và đối phó với các tình huống nguy hiểm đó môt cách chủ động, an toàn. Các buổi sinh hoạt này mang lại hiệu quả rất cao, các em hứng thú khi tham gia các hoạt động. Các câu hỏi thảo luận nêu lên được các em tiếp nhận một cách chủ động, thảo luận sôi nổi và đều có các phần quà nhỏ cho mỗi câu hỏi nên các em tham gia môt cách tích cực và sáng tạo, giải quyết được các vấn đề đặt ra...