Dân Việt

Đây là quốc gia mới khiến Biden đau đầu

Tuấn Anh 23/12/2021 11:46 GMT+7
Với thái độ "quay xe" của Berlin đối với dự án Dòng chảy Phương Bắc 2, Đức đang có nguy cơ trở thành một điểm đau mới đối với Nhà Trắng, vì tân Thủ tướng Đức Olaf Scholz từ chối coi đường ống dẫn khí "Dòng chảy phương Bắc-2" là một dự án chính trị.
Đây là quốc gia mới khiến Biden đau đầu  - Ảnh 1.

Tổng thống Mỹ Joe Biden. Ảnh FT

Theo Wall Street Journal, chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden muốn nhận được đảm bảo rằng Đức sẽ không cho phép đường ống được đưa vào vận hành như một cách để trả đũa Nga vì kế hoạch tấn công Ukraine mà tình báo phương Tây gần đây cáo buộc.

Tân ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock trước đó tuyên bố, đường ống dẫn khí đốt Nord Stream 2 nối từ Nga sang Đức qua Biển Baltic sẽ không đi vào hoạt động nếu căng thẳng giữa Nga và Ukraina tiếp tục leo thang.  

Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock đã đưa ra lời cảnh báo này trên kênh truyền hình ZDF, trong bối cảnh Tây phương lo ngại về khả năng quân đội Nga tấn công Ukraine. Ngoại trưởng Đức kêu gọi các bên tập trung vào các nỗ lực ngoại giao để làm giảm căng thẳng giữa Ukraine và Nga. 

Trong thông cáo chung của nhóm G, ngoại trưởng các nước Canada, Pháp, Đức, Anh, Mỹ, Nhật và Ý cũng như lãnh đạo Ngoại Giao châu Âu đã gửi  "một thông điệp rõ ràng đến Tổng thống Nga Putin", kêu gọi Nga "xuống thang" và "tìm kiếm các giải pháp ngoại giao", khẳng định "đoàn kết" trong việc tố cáo việc Nga tăng cường sự hiện diện quân sự ở biên giới với Ukraine và những phát biểu của Moscow nhắm vào Kiev. Các ngoại trưởng cũng tái khẳng định "hoàn toàn ủng hộ chủ quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine".

Tuy nhiên, bất chấp tuyên bố của Ngoại trưởng Annalena Berbock về việc không thể khởi động "Dòng chảy phương Bắc-2" trong trường hợp tình hình trở nên trầm trọng hơn, bản thân Thủ tướng Scholz từ chối chính trị hóa dự án tư nhân này, khác với quan điểm của Washington.

"Mỹ coi đường ống dẫn khí "Dòng chảy phương Bắc-2" là một dự án địa chính trị của Nga làm suy yếu an ninh năng lượng và an ninh quốc gia của một bộ phận đáng kể trong cộng đồng Euro-Đại Tây Dương", Trợ lý Ngoại trưởng Karen Donfried cho biết. Wall Street Journal cũng cho biết, Tổng thống Joe Biden đang phải chịu áp lực từ phía Quốc hội Mỹ, bởi đạo luật dự kiến sẽ được trình bày tại Thượng viện Mỹ vào tháng tới, tại đó sẽ yêu cầu chính quyền Biden áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với Nord Stream 2 AG, công ty của Nga đã xây dựng đường ống tại Thụy Sĩ, trong vòng 15 ngày kể từ ngày luật được thông qua.

Tuyến đường ống dẫn khí đốt "Dòng chảy phương Bắc-2" trải dài qua Biển Baltic đến Đức và bao gồm hai nhánh với tổng công suất 55 tỷ mét khối khí đốt. Việc lắp đặt mất ba năm và hoàn thành vào tháng Chín. Nga đã nhiều lần kêu gọi không chính trị hóa dự án "Dòng chảy phương Bắc-2" vì đây hoàn toàn là dự án thương mại. Tổng thống Nga Putin tuyến đường ống này sẽ có lợi cho Liên minh châu Âu.