Họ lạng lách, đánh võng trên đường, nhiều trường hợp va chạm xe máy bị ngã chấn thương sọ não, thậm chí tử vong. Cũng từ đây, các tuyến đường quê trở thành điểm "nóng" về tai nạn giao thông.
Hàng ngày, số vụ tai nạn giao thông phải viện cấp cứu, điều trị tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Ðức (Hà Nội), Bệnh viện Bạch Mai… luôn ở con số cao. Theo số liệu khảo sát, trong số những nạn nhân bị tai nạn giao thông số người bị tai nạn do uống rượu bia luôn ở mức cao, nhóm tuổi bị tai nạn nhiều là từ 19 tuổi đến 55 tuổi là phổ biến gồm, thanh niên lao động tự do, học sinh, sinh viên, công nhân, nông dân, công chức, nhân viên văn phòng…
Theo đánh giá của ngành chức năng trong những năm gần đây, số vụ tai nạn giao thông xảy ra trên các tuyến đường giao thông nông thôn hiện nay đang xếp thứ hai, sau số vụ tai nạn tại các tuyến quốc lộ; xếp thứ ba là số vụ tai nạn xảy ra tại các tuyến đường nội thị; tỷ lệ tai nạn trên đường liên xã, liên huyện, tỉnh lộ chiếm hơn 29%; đường làng, thôn, đường xóm chiếm 19%.
Tai nạn giao thông ở đường làng, thôn xóm, là do ý thức chấp hành quy định bảo đảm trật tự an toàn giao thông của nhiều người dân còn hạn chế. Họ thường mắc các lỗi: Lái xe trong tình trạng say rượu, bia, không đội mũ bảo hiểm, chạy quá tốc độ, vượt xe sai quy định, đi không đúng làn đường, lái xe thiếu quan sát, cho nên TNGT không chỉ làm "nóng" các tuyến đường quê mà hậu quả để lại rất nặng nề.
Một nguyên nhân khác làm cho TNGT ở các vùng nông thôn có chiều hướng gia tăng và các tuyến đường quê trở thành điểm "nóng" về tai nạn là do: Nhiều tuyến đường liên thôn, liên xã xuống cấp trầm trọng, nhất là ở những địa bàn miền núi, vùng sâu, vùng xa. Nhiều tuyến đường lồi lõm, chằng chịt "ổ voi", "ổ gà", mưa thì lầy lội, nắng bụi mù mịt, gây nhiều nguy cơ mất an toàn giao thông.
"Quan sát dễ thấy, hầu hết các tuyến đường xương cá, đường ngang, đường nhánh, đều thiếu hệ thống chiếu sáng vào ban đêm, không có biển báo, thiết bị cảnh báo an toàn giao thông. Do vậy, khi người dân tham gia giao thông chỉ cần lơ là, chủ quan, phóng nhanh, vượt ẩu hoặc thanh niên uống rượu, bia điều khiển xe máy đánh võng, lạng lách là có thể xảy ra tai nạn giao thông bất cứ lúc nào", ông Nguyễn Đức một chuyên gia trong lĩnh vực an toàn giao thông đường bộ cho hay.
Theo ông Đức, mạng lưới giao thông đường bộ cả nước hiện có 260.000 km, trong đó có khoảng 17.000 km quốc lộ, 42.000 km tỉnh lộ, còn lại là đường liên huyện, đường trục xã, liên xã, đường thôn, xóm, đường nội đồng. Hiện nay, nhiều địa phương đã xây dựng được hệ thông giao thông liên hoàn, kết nối với đường huyện, đường tỉnh, đường quốc lộ. Nhiều tuyến đường liên thôn, liên xã được cải tạo, nâng cấp, mở rộng thảm nhựa, hoặc bê-tông hóa, tạo điều kiện cho người dân đi lại thuận tiện, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Song thực tế về trật tự an toàn giao thông lại rất phức tạp, TNGT liên tiếp xảy ra.
Các địa phương, nhất là chính quyền các xã, thị trấn, đi đôi với việc tuyên truyền nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về trật tự an toàn giao thông, cần phối hợp với ngành chức năng của địa phương sớm khảo sát, lắp đặt hệ thống biển báo giao thông, biển cảnh báo nguy hiểm ở những đoạn đường cong cua hay xảy ra tai nạn. Ðối với các điểm giao cắt đường liên xã, liên thôn với trục đường chính, lực lượng công an huyện, công an xã cần tăng cường tuần tra, kiểm soát, hướng dẫn cho người dân tham gia giao thông thuận lợi; tích cực tham mưu cho chính quyền địa phương; vận động nhân dân phá bỏ tường rào che chắn tầm nhìn; hiến đất mở rộng đường thôn, xóm; làm gờ giảm tốc nơi giao cắt và kiên quyết xử lý các vi phạm để giảm được TNGT ở các vùng nông thôn.
"Mỗi dịp nghỉ lễ, Tết thanh thiếu niên lại tụ tập, uống rượu, bia. Uống xong, họ lại điều khiển xe máy tham gia giao thông, đường làng thì nhỏ, những người này lại điều khiển xe lạng lách khiến người tham gia giao thông khiếp vía. Nhiều vụ tai nạn giao thông xảy ra, nguyên nhân cũng chỉ vì người tham gia giao thông sử dụng đồ uống có cồn. Chính quyền các xã cần huy động lực lượng đoàn viên, thanh niên phối hợp với công an huyện, công an xã, tăng cường tổ chức hướng dẫn giao thông trực tiếp trên các tuyến đường, các hội trường nhà văn hóa ở các xã để góp phần nâng cao ý thức cho người dân chấp hành Luật Giao thông đường bộ…", ông Mai Nam- người dân ở huyện Giao Thủy, Nam Định nói.