Dân Việt

Những cái nhất "chưa từng có" của ngành y tế Việt Nam năm 2021

Diệu Linh 01/01/2022 06:00 GMT+7
Năm 2021, đối phó với đại dịch Covid-19, ngành y tế Việt Nam đã trải qua những ngày tháng khốc liệt nhất với nhiều sự kiện "chưa từng có" trong lịch sử.

Dịch Covid-19 bùng phát mạnh mẽ khiến nhà nhà, người người đều bị ảnh hưởng nặng nề. Và ngành chịu nhiều áp lực, gánh nặng nhất chính là y tế.

Hàng trăm nghìn nhân viên y tế từ miền ngược đến miền xuôi, từ trung ương đến cơ sở đều dốc cạn sức lực cho cuộc chiến khốc liệt chống Covid-19.

Đã có rất nhiều sự kiện "chưa từng có" mà ngành y tế Việt Nam đã trải qua trong năm 2021. Hãy xem là những sự kiện nào?

Thành công chiến dịch tiêm chủng lớn chưa từng có với vaccine Covid-19

Đúng ngày cuối cùng của năm 2021, Việt Nam đã vượt mốc tiêm chủng 150 triệu liều vaccine Covid-19 và suýt soát 100% người dân từ 18 tuổi trở lên đã được tiêm vaccine Covid-19.

Cập nhật trên cổng tin tiêm chủng vaccine Covid-19 đến 10h ngày 31/12, cả nước đã tiêm gần 151 triệu liều vaccine Covid-19 các loại khác nhau. Tỷ lệ bao phủ ít nhất 1 liều vaccine Covid-19 là 99,4% và tỷ lệ tiêm đủ 2 liều là 89,9% dân số từ 18 tuổi trở lên.

Những cái nhất "chưa từng có" của ngành y tế Việt Nam năm 2021 - Ảnh 1.

Các thai phụ từ 13 tuần tuổi trở lên đều được tiêm vaccine Covid-19 (Tiêm vaccine Covid-19 cho thai phụ tại Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội). Ảnh BVCC

Về triển khai tiêm chủng vaccine Covid-19 cho trẻ từ 12-17 tuổi, các tỉnh, thành phố đã triển khai tiêm được 12.013.079 liều, trong đó có 7.548.180 mũi 1 và 4.464.899 mũi 2. Tỷ lệ bao phủ ít nhất 1 liều vaccine là 83% và tỷ lệ bao phủ đủ 2 liều vaccine là 49,1% dân số từ 12 -17 tuổi.

Theo kế hoạch Bộ Y tế đặt ra, chiến dịch tiêm vaccine Covid-19 được triển khai từ tháng 7/2021 tới tháng 4/2022 với mục tiêu ít nhất 50% người từ 18 tuổi trở lên được tiêm vaccine trong năm 2021 và hết tháng 1/2022, sẽ phủ vaccine trên 70%.

Như vậy, chiến dịch tiêm chủng vaccine Covid-19 của Việt Nam đã về đích sớm hơn dự kiến. Tỷ lệ bao phủ ít nhất 1 liều vaccine của Việt Nam/dân số xếp thứ 4 trong khu vực (sau Singapore và Campuchia, Brunei).

Còn tính cả số trẻ em từ 12-18 tuổi được tiêm vaccine Covid-19 thì tỷ lệ dân số được tiêm đủ 2 liều vaccine Covid-19 ở Việt Nam đã đạt trên 60%.

Trong khi đó, theo Bộ Y tế, mục tiêu của Tổ chức Y tế thế giới, 40% dân số của các quốc gia được tiêm đủ liều vaccine Covid-19 đến cuối năm 2021 và 70% dân số của các quốc gia được tiêm đủ liều vaccine đến giữa năm 2022.

Như vậy với hơn 60% dân số được tiêm đủ 2 liều vaccine Covid-19, Việt Nam đã vượt 20% so với mục tiêu của Tổ chức Y tế thế giới trong năm 2021.

Những cái nhất "chưa từng có" của ngành y tế Việt Nam năm 2021 - Ảnh 2.

Hiện Bộ Y tế đang tiến hành tiêm vaccine Covid-19 mũi 3, mũi bổ sung, nhắc lại cho người dân (Tiêm vaccine Covid-19 tại TP.HCM). Ảnh HCDC

Đây được xem là chiến dịch tiêm chủng lớn nhất từ trước đến nay với thời gian nhanh chóng nhất. Toàn bộ cán bộ ngành y tế đã được huy động vào chiến dịch tiêm chủng với khoảng 15.000 điểm tiêm chủng từ bệnh viện đến trạm y tế, các điểm tiêm lưu động...

Xây dựng nhiều trung tâm hồi sức tích cực Covid-19 nhất

Vào tháng 8, khi dịch Covid-19 bùng phát khốc liệt tại TP.HCM và nhiều tỉnh phía Nam, hàng nghìn người nhập viện mỗi ngày, số ca tử vong tăng dồn dập. 300-400 ca, rồi 500-600 ca mỗi ngày.

Nhiều khoảng trống trong thu dung, điều trị bệnh nhân Covid-19 đã lộ ra, hệ thống y tế các tỉnh đang có dịch bùng phát quá tải, đặc biệt thiếu nhân lực, trang thiết bị cấp cứu, hồi sức để cứu bệnh nhân Covid-19 nặng.

Những cái nhất "chưa từng có" của ngành y tế Việt Nam năm 2021 - Ảnh 2.

Trung tâm hồi sức Covid-19 do Bệnh viện Việt Đức phụ trách đóng tại BV dã chiến 13 có quy mô 500 giường. Ảnh BVCC

Hàng trăm bệnh viện dã chiến được thành lập với tốc độ thần tốc, quy mô cũng lớn chưa từng có với hàng trăm giường rồi hơn 1.000 giường.

Cùng lúc đó, để giảm thiểu tử vong, Bộ Y tế yêu cầu củng cố hệ thống cấp cứu, hồi sức tích cực. Cùng 1 lúc, 12 trung tâm hồi sức tích cực Covid-19 quốc gia được thành lập với quy mô từ 500-1.000 giường. Các trung tâm hồi sức được đặt chủ yếu tại TP.HCM và các tỉnh như Bình Dương, Đồng Nai, Đồng Tháp...

Ngoài ra, Bộ Y tế cũng yêu cầu gần 30 bệnh viện ở các tỉnh thành lập giường hồi sức tích cực, mỗi tỉnh tối thiểu 100 giường để sẵn sàng ứng phó trong tình hình dịch Covid-19 lan rộng.

Bộ Y tế cũng đã yêu cầu các bệnh viện Trung ương mỗi bệnh viện phụ trách xây dựng, đào tạo, tham gia điều trị tại các Trung tâm Hồi sức tích cực. Thậm chí, Bệnh viện Hồi sức Covid-19 với quy mô tối đa 1.000 giường còn là bệnh viện "liên hợp quốc".

Những cái nhất "chưa từng có" của ngành y tế Việt Nam năm 2021 - Ảnh 4.

Các bác sĩ "liên hợp quốc" tham gia điều trị bệnh nhân tại trung tâm hồi sức Covid-19 đặt ở BV Dã chiến 13 TP.HCM. Ảnh: BVCC

Hệ thống hồi sức cấp cứu rộng khắp đã trở thành cứu cánh cho hàng ngàn bệnh nhân Covid-19 nặng. Cùng với việc phân luồng, phân loại thu dung bệnh nhân theo mô hình tháp 3-4 tầng, tỷ lệ bệnh nhân Covid-19 nặng giảm mạnh, số bệnh nhân Covid-19 tử vong cũng giảm đi rõ rệt.

Việc thành lập hàng trăm bệnh viện dã chiến, hàng chục trung tâm hồi sức Covid-19 thần tốc đều là những việc "chưa từng có" với ngành y tế Việt Nam. Không chỉ tăng về lượng mà năng lực hồi sức tích cực của các địa phương cũng được tăng lên rõ rệt.
Hiện nay, nhiều trung tâm hồi sức đã được bàn giao lại cho y tế địa phương và các bệnh viện, nhân viên y tế ở đây đều tự tin làm tốt công tác điều trị, hồi sức tích cực cho bệnh nhân Covid-19 nặng.

Mô hình trạm y tế lưu động giúp tư vấn, hỗ trợ điều trị cho hàng triệu bệnh nhân Covid-19

Khi dịch Covid-19 tăng cao và hơn 80% người mắc không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ, Bộ Y tế đã có quyết định cho các F0 nhẹ, không triệu chứng, đã tiêm đủ 2 mũi vaccine, không mắc bệnh nền, dưới 50 tuổi được theo dõi và điều trị tại nhà.

Những cái nhất "chưa từng có" của ngành y tế Việt Nam năm 2021 - Ảnh 5.

Nhân viên y tế trạm y tế lưu động tại Hà Nội đến nhà đưa thuốc cho các F0 cách ly tại nhà. Ảnh: Trung Nguyên

Đã có hàng trăm nghìn F0 được cách ly tại nhà. Điều này cần một lực lượng y tế lớn để tư vấn và hỗ trợ họ. Và lần đầu tiên trong lịch sử, Việt Nam đã thành lập hơn 13.000 trạm y tế lưu động được lập cùng lúc, để điều trị cho hơn một triệu F0 tại nhà - số lượng bệnh nhân tại gia lớn nhất trong một đợt dịch.

Tính trung bình cứ mỗi cụm dân cư với khoảng 50-100 F0 được cách ly tại nhà thì có một trạm y tế lưu động. Mỗi trạm y tế lưu động cũng có khoảng 10 nhân viên y tế. Các nhân viên y tế cho trạm y tế lưu động cũng được huy động từ nhiều nguồn như y tế tư nhân, y tế công an, quân đội...

Nhân viên trạm y tế lưu động có thể đến từng nhà phát thuốc, tiêm chủng, đưa oxy cho người dân...

Trong mô hình điều trị 3 tầng, trạm y tế lưu động chính là tầng đáy nhưng lại là cánh tay đắc lực của ngành y tế để "chặn dịch" ngay từ sớm, giúp các F0 yên tâm điều trị tại nhà, phát hiện các ca có tiến triển nặng, đưa đến các bệnh viện điều trị theo tầng thích hợp. Có vậy các bệnh viện mới yên tâm để điều trị cho các ca bệnh Covid-19 nặng.

Cuộc huy động nhân lực y tế lớn chưa từng có

Khi dịch bùng phát tại TP.HCM và các tỉnh phía Nam với hàng chục nghìn ca mắc mỗi ngày, nhân lực y tế đã không đủ để điều trị và tham gia các công việc như xét nghiệm, thu dung, tuyên truyền, tiêm vaccine...

Ngày 24/7, Bộ Y tế đã ra lời kêu gọi tất cả lực lượng tham gia chống dịch. Hơn 80.000 cán bộ nhân viên y tế tham chiến, trong đó gần 25.000 y bác sĩ, giảng viên, sinh viên các trường ngành y, dược khắp nơi cả nước đến chi viện TP HCM.

Đây là lần huy động nhân lực y tế lớn nhất từ trước đến nay - đợt dịch ở Đà Nẵng hay Hải Dương trước đó, mỗi lần số nhân viên y tế hỗ trợ chỉ hơn 3.000 người.

Lực lượng chi viện tham gia điều trị ở bệnh viện, xét nghiệm cộng đồng, tiêm chủng vaccine, lập trạm y tế lưu động chăm sóc F0 tại nhà..., tham chiến tại tất cả các tầng điều trị.

Ngoài ra, Bộ Quốc phòng đã phải điều một lực lượng lớn, chưa từng có trong tiền lệ với hơn 134.000 chiến sĩ, cán bộ để tham gia chống dịch tại TP.HCM và các tỉnh phía Nam. Bộ Quốc phòng cũng triển khai hơn 530 tổ quân y cơ động hỗ trợ chăm sóc F0 tại nhà... lo tiếp viện lương thực cho các khu cách ly, xử lý các việc hậu sự cho người tử vong...

Ứng dụng hệ thống khám chữa bệnh từ xa Telehealth lớn chưa từng có, tới tận y tế cơ sở

Năm 2021, để hạn chế dịch bệnh lây lan khi người dân phải đi lại tiếp xúc nhiều, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trong việc triển khai các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19, hệ thống khám chữa bệnh từ xa đã được thiết lập và kết nối đến 100% cơ sở y tế tuyến huyện.

   - Ảnh 1.

Một ca chẩn bệnh từ xa tại Bệnh viện Đại học Y Hà Nội. Ảnh BVCC

Theo PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, hiện nay, cả nước có khoảng trên 1.500 điểm cầu Trung ương, tỉnh/thành phố và 300 điểm cầu tuyến huyện có thể thực hiện kết nối khám chữa bệnh từ xa.

Như vậy, các bác sĩ nâng cao trình độ chuyên môn hàng ngày còn người bệnh ngồi tại địa phương vẫn có thể được các bác sĩ giỏi, giáo sư tuyến trung ương thăm khám từ xa. Điều này góp phần xóa nhòa giới hạn giữa các tuyến, xử lý các ca bệnh khó.

Kể từ đầu dịch (tháng 1 năm 2020) đến hết năm 2021, Việt Nam có 1.731.257 ca mắc Covid-19. Trong đó, năm 2022 chỉ có hơn 900 ca, còn lại là các ca trong năm 2021.

Hiện tính về số ca mắc, Việt Nam đứng thứ 31/224 quốc gia và vùng lãnh thổ. Còn tính tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 138/224 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 17.550 ca nhiễm).

Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này: TP.Hồ Chí Minh (503.244), Bình Dương (290.671), Đồng Nai (97.718), Tây Ninh (75.109), Hà Nội (45.838).

Tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay là 32.394 ca, chiếm tỷ lệ 1,9% so với tổng số ca nhiễm (năm 2020 cũng chỉ có 35 ca Covid-19 tử vong).

Tổng số ca tử vong xếp thứ 26/224 vùng lãnh thổ, số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 131/224 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. So với châu Á, tổng số ca tử vong xếp thứ 6/49 (xếp thứ 3 ASEAN), tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 26/49 quốc gia, vùng lãnh thổ châu Á (xếp thứ 5 ASEAN).