Cùng điểm lại mức thưởng Tết âm lịch, dương lịch qua các năm gần đây.
Khảo sát tiền thưởng Tết âm lịch 2017 của Bộ LĐTBXH, thực hiện ở 23.495 doanh nghiệp với 3,72 triệu người lao động trên cả nước cho thấy mức thưởng có cao hơn năm 2016.
Cụ thể, mức thưởng Tết dương lịch năm 2017 được công bố bình quân là hơn 1,2 triệu đồng/người, tăng 6,2 % so với mức thưởng Tết dương lịch năm 2016. Mức thưởng tết dương lịch thấp nhất là 30 nghìn đồng/người, tại doanh nghiệp FDI tại Thanh Hoá.
Riêng thưởng Tết âm lịch năm 2017, người có mức thưởng cao nhất thuộc doanh nghiệp FDI, với mức thưởng là 1 tỷ đồng, tại TP Hồ Chí Minh. Mức thưởng Tết thấp nhất được thống kê là 50.000 đồng/tháng (tại doanh nghiệp dân doanh ở tỉnh Bến Tre, tại doanh nghiệp FDI ở các tỉnh Thái Bình, Tây Ninh, Hải Dương), cao hơn so với mức năm 2016 là 40.000 đồng/người.
Thưởng Tết dương lịch năm 2018 cao nhất đạt 1,5 tỉ đồng, thuộc về 1 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại TP.HCM; so với năm 2017, mức thưởng Tết dương lịch cao nhất đã tăng gấp rưỡi. Mức thưởng thấp nhất là 30.000 đồng, thuộc về doanh nghiệp dân doanh và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại các tỉnh Thanh Hóa, Ninh Bình và Bình Dương; mức này tương đương năm 2017.
Thưởng Tết âm lịch cao nhất là hơn 855 triệu đồng, thuộc về 1 doanh nghiệp dân doanh tại TP Hồ Chí Minh. Mức thưởng thấp nhất là 20.000 đồng, thuộc 1 doanh nghiệp dân doanh trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc. Như vậy, so với mức thưởng Tết âm lịch thấp nhất của năm 2017 là 50.000 đồng, mức thưởng năm 2018 đã giảm nhiều, chỉ bằng 40% so với cùng kỳ.
Tết năm 2019 có 25.565 doanh nghiệp (ứng với 3,853 triệu người lao động) ở 58/63 địa phương gửi báo cáo tổng hợp. Trong đó có 20.469 doanh nghiệp (ứng với 1,988 triệu người lao động) có kế hoạch thưởng Tết Dương lịch và 25.565 doanh nghiệp (Tương ứng với 3,329 triệu người lao động) có kế hoạch thưởng Tết Nguyên đán.
Thưởng Tết dương lịch bình quân là hơn 1,4 triệu đồng/người, tăng 23,3% so với năm 2018 (hơn 1,1 triệu đồng/người).
Thưởng Tết âm lịch bình quân bằng khoảng 1 tháng lương (6,3 triệu đồng/người), tăng 11,4% so với năm 2018 (5,5 triệu đồng/người).
Theo Bộ LĐTBXH, có 40 tỉnh, thành phố có báo cáo, với 24.907 doanh nghiệp được báo cáo (tương ứng với 3,155 triệu lao động, chiếm khoảng 12,8% tổng số lao động làm công hưởng lương trên cả nước).
Thưởng Tết dương lịch năm 2020 bình quân 930 ngàn đồng/người, bằng 73,2% so với thưởng dịp Tết dương lịch 2019.
Về tiền thưởng Tết âm lịch 2020, Bộ LĐTBXH cho biết, khoảng 89,3% doanh nghiệp báo cáo dự kiến có thưởng Tết Nguyên đán với mức bình quân khoảng 1 tháng lương (6,7 triệu đồng/người), tăng 7,1% so với thưởng dịp Tết Nguyên đán 2019. Mức thưởng Tết năm 2020 cao nhất là gần 1 tỷ đồng thuộc doanh nghiệp FDI.
Bộ LĐTBXH báo cáo kế hoạch thưởng Tết năm 2021 tại 62.640 doanh nghiệp (tương ứng với hơn 4,6 triệu lao động, chiếm 17,9% tổng số lao động làm công hưởng lương trên cả nước) được thống kê từ 63 tỉnh, thành trên cả nước.
Thưởng Tết dương lịch 2021 bình quân là 2,3 triệu đồng/người, tăng 151% so với thưởng dịp Tết dương lịch 2020.
Tiền thưởng Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 bình quân gần bằng 1 tháng lương (hơn 6,3 triệu đồng/người), bằng 95% so với thưởng dịp Tết Nguyên đán 2020 (hơn 6,6 triệu đồng/người). Như vậy mức thưởng Tết năm 2021 đã giảm 5% so với năm 2020. Mức thưởng Tết cao nhất năm này cũng đạt trên 1 tỷ đồng.
Theo dự đoán các chuyên gia, mức bình quân thưởng Tết năm nay dự kiến sẽ còn giảm sâu do tác động nặng nề của đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 ở cả các tỉnh phía Bắc và các tỉnh phía Nam.
Dự kiến sẽ có khoảng 30-50% doanh nghiệp giảm thưởng, chưa kể một bộ phận các doanh nghiệp vừa và nhỏ bị phá sản, ngừng hoạt động không thể thưởng Tết. Có lẽ đây sẽ là năm có mức thưởng Tết ảm đạm nhất trong vòng 5 năm trở lại đây.
Tuy nhiên, tính đến thời điểm này, mức tiền thưởng cao nhất tính đến thời điểm này thuộc về một doanh nghiệp dân doanh ở Đà Nẵng là hơn 1,4 tỷ đồng, cao hơn 40% so với những năm trước.