Tại cuộc họp của Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 Hà Nội (chiều 29/12), dự báo trong dịp Tết Dương lịch và Nguyên đán Nhâm Dần 2022, tình hình dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp khi Việt Nam đã ghi nhận trường hợp đầu tiên nhiễm biến chủng Omicron, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong lưu ý, từ nay đến Tết Nguyên đán, nhu cầu đi lại của người dân tăng cao, đặc biệt là có khoảng 140.000 người Việt Nam nước ngoài đăng ký trở về nước ăn Tết, sẽ dẫn đến những nguy cơ không nhỏ.
Đáng chú ý, ông Phong nêu rõ, trong thời gian tới, số ca mắc Covid-19 có thể lên tới 5.000-7000 ca/ngày. Có thể chủng Omicron sẽ lan ra cộng động với tốc độ rất nhanh. Sở Y tế phải xây dựng kịch bản mới, dựa trên tỷ lệ chuyển tầng điều trị, tử vong, không để quá tải ở tầng điều trị 2,3. Các quận huyện thị xã cũng cần có kịch bản mới phù hợp với tình hình hiện tại.
Bên cạnh đó, ông Phong yêu cầu chuyển hướng điều trị F0 về xã phường và điều trị tại nhà, các quận huyện hạn chế việc tiếp tục mở các khu thu dung điều trị tập trung; tận dụng các trường mầm non ở các xã phường để thực hiện việc này.
Các đơn vị cũng cần rà soát các địa bàn nguy cơ cao như khu cụm công nghiệp, làng nghệ, công trình xây dựng lớn, chợ, trường học… phải được quan tâm, thường xuyên kiểm tra xử phạt nghiêm vi phạm.
Các quận huyện, thị xã có đông lao động ngoại tỉnh, công trường lớn, cần quản lý chặt di biến động dân cư để rà soát tiêm vaccine cho người chưa được tiêm trên nguyên tắc "không phân biệt người ở đâu, có trên địa bàn phải được tiêm vaccine ngay".
Ông Phong cho rằng, các địa phương cũng đã đẩy nhanh tốc độ tiêm vaccine mũi 3 cho các đối tượng theo quy định của Bộ Y tế và hoàn thành tiêm mũi 2 cho trẻ em từ 12 tuổi trở lên. Tuy nhiên, cần đặc biệt quan tâm hơn việc tiêm vaccine phòng Covid-19 cho các đối tượng nguy cơ cao. Sở Y tế khẩn trương có hướng dẫn thực hiện việc tiêm vaccine tại nhà.
"Trừ các trường hợp theo chỉ định y tế không thể tiêm vaccine được, với các trường hợp khác, Bí thư, Chủ tịch phải đến tận nhà vận động, tuyên truyền, để tiêm vaccine bằng được. Tiêm thêm được 1 người là giảm đi 1 người phải chuyển tầng 3 điều trị, giảm đi một nguy cơ tử vong. Đây là chuyển biến về nhận thức phải xác định rõ là hạn chế chuyển tầng, tử vong, quản trị rủi ro", ông Phong nói.
Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội đặc biệt nhấn mạnh, Thường trực thành ủy đánh giá, thời gian qua, Hà Nội làm được rất nhiều việc. Tuy số ca mắc lớn nhưng tỷ lệ tử vong không đến 0,3%; ứng dụng phần mềm quản lý F0… nhưng công tác tuyên truyền để mỗi người dân hiểu rõ về nguy cơ và dự báo tình hình dịch bệnh chưa thực sự đạt kỳ vọng.
"TP vẫn kiểm soát được dịch bệnh nhưng nếu không kìm chế được sự gia tăng; người dân và cơ quan quản lý lơ là thì chắc chắn dịch bệnh sẽ tiếp tục tăng, tỷ lệ tử vong cũng sẽ tăng", ông Phong nói rõ và yêu cầu công tác tuyên truyền phải thực chất, hiệu quả hơn để mỗi người dân có ý thức bảo vệ mình và xã hội.
Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội cũng lưu ý việc triển khai ứng dụng phần mềm quản lý F0 rất tiện lợi, nhưng vẫn có địa phương lãnh đạo chưa cập nhật đầy đủ và đề nghị, từ Phó Chủ tịch trở lên ở các quận huyện phải nắm rõ, cập nhật liên tục việc sử dụng phần mềm này.
Nhắc lại chỉ đạo mới của Bí thư Thành ủy Hà Nội về yêu cầu tất cả cơ quan đơn vị thuộc TP không tổ chức liên hoan, gặp mặt cuối năm; cán bộ đảng viên, công chức phải gương mẫu thực hiện, ông Phong cho biết, UBND TP sẽ có văn bản hạn chế một số hoạt động phù hợp với tình hình thực tế dịch bệnh từ nay đến Tết Nguyên đán.
Theo ông Phong, mấy ngày tới cần có hoạt động động viên, khích lệ tuyến đầu ở các bệnh viện, khu thu dung bệnh nhân Covid-19; chăm lo đảm bảo các gia đình có F0 dù ở bệnh viện hay ở nhà có Tết... "Nếu mỗi người trách nhiệm hơn nữa, cùng chung tay thì mới có một dịp Tết bình an", Phó Bí thư Thành ủy nhấn mạnh.