Hộ ông Nguyễn Đình Thìn (xã Cư Elang, huyện Ea Kar) là nông dân điển hình trong phát triển kinh tế của địa phương. Hiện nay, gia đình ông đang sở hữu mô hình trồng mít Thái với tổng diện tích 20ha, cho lợi nhuận hằng năm hơn 3 tỷ đồng. Mô hình trồng mít Thái của ông Thìn còn tạo việc làm thường xuyên cho 7 lao động địa phương với thu nhập từ 5 - 7 triệu đồng/tháng.
Không chỉ tập trung phát triển kinh tế, làm giàu cho gia đình, nhiều hội viên nông dân trên địa bàn tỉnh Đăk Lăk đã tạo điều kiện giúp đỡ các hội viên khác thông qua việc liên kết để cùng sản xuất, kinh doanh.
"Để nâng cao hiệu quả phong trào, trong thời gian tới, Hội Nông dân tỉnh Đăk Lăk có phương án hỗ trợ cụ thể với từng nông hộ đăng ký thi đua, hướng dẫn nông dân sản xuất gắn với thị trường và bảo vệ môi trường".
Bà Lại Thị Loan -Chủ tịch Hội ND tỉnh Đăk Lăk
Một trong số đó phải kể đến bà Lương Thị Oanh (dân tộc Nùng) - Chi hội trưởng chi hội nông dân thôn 6, Chủ tịch Hội đồng quản trị, kiêm Giám đốc HTX Sản xuất nông nghiệp Ea Wy ở xã Ea Wy, huyện Ea H'leo.
Bà Oanh chia sẻ: Nhận thấy trên địa bàn có diện tích trồng cà phê khá lớn, năm 2015, bà đã tham mưu chính quyền địa phương liên kết các hộ dân trồng cà phê trên địa bàn để thành lập HTX. Song song với việc vận động nông dân mạnh dạn đầu tư, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, HTX còn tích cực giới thiệu, quảng bá sản phẩm đến người tiêu dùng.
Hiện nay, HTX có 2 sản phẩm chủ lực là cà phê bột và tiêu khô đã được kiểm định chất lượng, xuất bán khá ổn định cho các đối tác và bán lẻ. Riêng sản phẩm cà phê Ea Wy được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam công nhận là sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu xuất sắc nhiều năm liền. Ngoài 16 thành viên ban đầu, HTX còn liên kết thêm với 150 nông hộ trồng cà phê và hồ tiêu theo tiêu chuẩn an toàn.
Sức bật từ phong trào
Bà Lại Thị Loan - Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Đăk Lăk cho biết: Để hỗ trợ nông dân thi đua sản xuất kinh doanh (SXKD) giỏi, các cấp Hội đã chủ động tuyên truyền, phổ biến về vai trò, ý nghĩa, tầm quan trọng của phong trào. Đồng thời, các cấp Hội tích hỗ trợ vay vốn, cây, con giống, vật tư nông nghiệp, tập huấn KHKT cho hội viên nông dân.
Nhờ triển khai các giải pháp đồng bộ, đã có nhiều tấm gương nông dân vượt qua khó khăn vươn lên trở thành những hộ SXKD giỏi nhiều năm liền.
Giai đoạn 2017 - 2021, bình quân hằng năm, toàn tỉnh có 106.718 hộ đạt danh hiệu SXKD giỏi các cấp, chiếm 55% so với tổng số hộ đăng ký thi đua, tăng 5% so với giai đoạn 2012 - 2016. Trong đó có 18.554 hộ là đồng bào dân tộc thiểu số.
Từ phong trào, Hội Nông dân đã giúp 9.026 hộ nông dân nghèo, hộ khó khăn vươn lên ổn định cuộc sống. Thu nhập bình quân hộ đạt danh hiệu SXKD giỏi các cấp tăng từ 1,5 - 2,7 lần so với giai đoạn trước. Trong đó, mức thu nhập bình quân đầu người đạt trên 100 triệu đồng/năm là gần 54.000 hộ, chiếm 57,6%.
Phong trào cũng đã góp phần tạo nên các vùng sản xuất chuyên canh với quy mô lớn, hợp tác, liên kết sản xuất giữa nông dân với các tổ chức của nông dân và doanh nghiệp trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Điển hình như các mô hình liên kết sản xuất cà phê bền vững; cánh đồng mẫu lớn; trồng xen cây ăn quả trong vườn cà phê; nuôi cá nước ngọt; chăn nuôi bò vỗ béo... đã phát huy được điều kiện tự nhiên, thế mạnh của địa phương, giúp nông dân tăng thêm thu nhập, vươn lên làm giàu. Các mô hình này tập trung nhiều ở các huyện Cư M'gar, Krông Năng, Ea H'leo, Ea Kar và TP.Buôn Ma Thuột.
Bên cạnh đó, phong trào đã góp phần thúc đẩy phát triển các mô hình kinh tế tập thể theo hướng liên kết, hợp tác theo chuỗi giá trị. Các cấp hội đã trực tiếp hướng dẫn xây dựng và hỗ trợ duy trì hoạt động của 356 mô hình kinh tế tập thể (80 HTX, 276 tổ hợp tác).
Song song đó, Hội đã chủ động tìm kiếm doanh nghiệp, phối hợp với các ban, ngành liên quan xây dựng kế hoạch hỗ trợ nông dân liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị gắn với xây dựng chi hội, tổ hội nghề nghiệp.
Hội đã phối hợp với các ngành chức năng, các doanh nghiệp xây dựng và duy trì 6 mô hình liên kết giữa doanh nghiệp và HTX, tổ hợp tác; 7 mô hình liên kết giữa doanh nghiệp trực tiếp với hộ nông dân, trang trại
Theo Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Đăk Lăk, phong trào nông dân thi đua SXKD giỏi cũng đã có nhiều đóng góp quan trọng vào xây dựng nông thôn mới tại địa phương. Giai đoạn 2018 -2021, Hội Nông dân các cấp trong tỉnh đã trực tiếp vận động và phối hợp vận động đóng góp trên 115,6 tỷ đồng, 493.200 ngày công lao động, hiến 242.549m2 đất, 136.000 cây cối các loại… để làm mới, tu sửa, bảo dưỡng đường giao thông nông thôn, kênh mương và các công trình dân sinh khác.