Tĩnh tâm trong cõi Phật trên núi Đá Chồng
Núi Đá Chồng được nhiều chuyên gia du lịch xếp vào danh cảnh "sơn thủy hữu tình" và cũng là nơi đến của nhiều người say mê du lịch tâm linh.
Chiều rằm tháng 11 Tân Sửu, chúng tôi theo chân cụ bà Diệu Chi (87 tuổi, nhà ở TP.Phan Rang-Tháp Chàm) tìm đường lên xứ Phật. Đứng dưới thị trấn Khánh Hải (huyện Ninh Hải), cách chân núi Đá Chồng khoảng 1km, nhìn lên núi, trong mắt chúng tôi là hàng chục ngôi chùa lớn nhỏ, nằm bên lưng chừng núi.
Đọc đường lên đỉnh núi, ấn tượng với chúng tôi là nhiều tảng đá lớn, nhỏ nằm chồng lên nhau, cheo leo vách núi, như có bàn tay con người sắp từng tảng đá…
UBND Ninh Thuận vừa phê duyệt dự án phát triển du lịch Ninh Thuận giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030. Đến năm 2030 sẽ đón 6 triệu lượt khách. Phấn đấu đến năm 2025, đón 3,5 triệu lượt khách. Tổng thu từ khách du lịch đến năm 2025 đạt 2.900 tỷ đồng, đến năm 2030 đạt 5.900 tỷ đồng. Bốn sản phẩm đặc thù của tỉnh: Du lịch nghỉ dưỡng trải nghiệm biển; du lịch văn hóa; nông nghiệp công nghệ cao; du lịch sinh thái gắn với thiên nhiên...
Mới thoạt nhìn, tôi cũng sợ những tảng đá cheo leo có thể đổ sụp xuống bất cứ lúc nào, nhưng cụ bà Diệu Chi trấn an: "Không sao đâu con, đá chồng lên vậy đã nghìn năm rồi mà chưa có tảng nào rơi xuống cả".
Theo con dốc từ chân lên lưng chừng núi với khoảng hơn 100 bậc thang, là đến cổng vào các ngôi chùa trên núi Đá Chồng. Chú Thế Thành - một du khách từ TP.HCM chuẩn bị leo lên núi để vào chùa lễ Phật cho biết, năm nào chú cũng đưa gia đình ra Phan Rang nghỉ dưỡng vài lần. Sau khi tắm biển Ninh Chử xong, đợi hoàng hôn xuống, gia đình chú đi bộ lên các chùa trên núi Đá Chồng lễ Phật.
"Tôi thích nhất khi màn đêm buông xuống, đứng dưới chân núi nhìn lên và nghe tiếng chuông chùa vang xa, tôi cảm giác như mình lạc vào cõi Phật. Bởi thời gian này, không gian ở đây rất yên tĩnh, khơi gợi cho tâm mình hướng về chân thiện mỹ nhiều hơn. Buổi tối, khi ánh đèn điện trong các ngôi chùa được thắp lên, ánh sáng nhiều màu đã tạo thành như một bức tranh với không gian huyền ảo…" - chú Thế Thành chia sẻ vậy.
Còn cô Liên Hương nhà ở Đà Lạt thì cho biết, trước khi dịch Covid -19 bùng phát, ngày rằm nào gia đình cũng cô về xứ Phật trên núi Đá Chồng thắp nhang lễ Phật. Sau đó mọi người sẽ xuống tắm biển Ninh Chử như để trút bỏ mọi buồn phiền bám theo mình. Nhưng mấy tháng qua không đi được vì dịch, mãi hôm nay mới đi lễ trở lại.
"Tôi thích nhất đứng trên núi nhìn xuống thấy cảnh đồng quê rất thanh bình, yên ả và biển Ninh Chử nước xanh tuyệt đẹp" - cô Liên Hương chia sẻ.
"Tôi thích nhất đứng trên núi nhìn xuống thấy cảnh đồng quê rất thanh bình, yên ả và biển Ninh Chử nước xanh tuyệt đẹp" .
Cô Liên Hương
Cùng trong dòng người tìm đường về xứ Phật, chú Huỳnh Kim đến từ TP.Cần Thơ cho biết, lâu nay nghe nói về xứ Phật trên núi Đá Chồng nhưng chưa đi được. Dịch êm, hôm nay chú mới đi ra được Ninh Thuận và chạm chân lên xứ Phật này. "Vùng đất này tưởng khô cằn vì ít mưa, nhưng hôm nay đến đây tôi mới cảm nhận được cái đẹp ở vùng đất "sơn thủy hữu tình". Điều tôi ấn tượng mạnh là những bài kệ, những lời khuyên đậm triết lý nhà Phật được các nghệ nhân tạc chữ trên những tảng đá lớn" - chú Huỳnh Kim nói.
Chim phụng khép mình bên đại dương
Các vị lớn tuổi sống lâu trong vùng này cho biết, tên gọi Đá Chồng là do ngọn núi có rất nhiều hòn đá nằm chồng lên nhau tự nhiên giữa đất trời. Xung quanh núi được bao bọc bởi các cánh đồng lúa, khu dân cư, đầm và biển Ninh Chử. Núi có hình dáng giống như con chim phụng (phượng hoàng) đang khép mình bên đại dương xanh. Trên núi, những tảng đá nhấp nhô, chồng lên nhau với muôn vẻ hình thù mà không nơi nào có được.
Từ vẻ đẹp và hình ảnh ý nghĩa của núi Đá Chồng, các bậc tiền nhân chọn nơi đây xây chùa và tính đến nay đã có hàng chục ngôi chùa lớn, nhỏ được xây dựng lên từ chân đến đỉnh núi. Trong đó phải kể đến các ngôi chùa Trùng Sơn Cổ Tự, Trùng Quang Tự, Thiền Viện Trúc Lâm Viên Ngộ…
Chùa Trùng Sơn Cổ Tự được xây dựng vào năm 1973. Ban đầu là ngôi chùa nhỏ nhưng sau gần 50 năm mở rộng trùng tu, ngôi chùa hiện rộng lớn và có kiến trúc rất độc đáo. Ngôi chùa này được xây dựng từ các tảng đá xanh tự nhiên, nằm ở độ cao hơn 60m so với mực nước biển. Từ chân núi lên Trùng Sơn Cổ Tự, chúng tôi đã bước khoảng 300 bậc đá xanh, được các nghệ nhân xếp đặt rất kỳ công.
Theo bà con ở gần chân núi Đá Chồng, những năm gần đây, nhiều du khách trên mọi miền đất nước tìm về núi Đá Chồng chiêm ngưỡng và lễ Phật.
Núi Đá Chồng nằm trên tuyến đường du lịch ven biển tuyệt đẹp của tỉnh Ninh Thuận. Chúng tôi lái xe đi theo con đường ven biển này xuyên qua những cánh đồng muối trắng như tuyết. Đôi lúc, chúng tôi có cảm giác như mình đã đi lạc vào vùng núi tuyết ở tận châu Âu. Cũng từ con cung đường này đưa chúng tôi đến các điểm du lịch nổi tiếng khác như hang Rái, vịnh Vĩnh Hy, vườn nho Thái An, biển Bình Tiên.
Nếu đi ngược lại về hướng TP.Phan Rang- Tháp Chàm sẽ đến Mũi Dinh, đồi cát Nam Cương, làng gốm cổ Bàu Trúc, làng nghề dệt thổ cẩm Mỹ Nghiệp, tháp Poklong Garai của người Chăm...
Giữa tháng 12/2021, UBND tỉnh Ninh Thuận đã phối hợp với các nhà đầu tư làm lễ khởi công xây dựng tổ hợp giải trí nghỉ dưỡng tiêu chuẩn 5 sao quốc tế Sailing Bay Ninh Chử nằm trên địa bàn xã Tri Hải, huyện Ninh Hải, cách núi Đá Chồng hơn 1km. Dự án có diện tích 12,3ha với tổng vốn đầu tư gần 4.780 tỷ đồng, gồm 4 tòa tháp cao 36 – 40 tầng, quy mô 4.000 căn hộ khách sạn nghỉ dưỡng cao cấp tiêu chuẩn 5 sao quốc tế. Ngoài ra, dự án còn có sân khấu biểu diễn trên bờ biển, hệ thống công viên nước khổng lồ và hệ thống hồ bơi tràn bờ đạt tiêu chuẩn Olympic. Đặc biệt là sự xuất hiện của tổ hợp giải trí tuyết lớn thứ 3 thế giới Ski Ninh Chử Bay rộng 8.000m2.
Dự kiến sau khi hoàn thành đi vào hoạt động vào năm 2024, dự án Sailing Bay Ninh Chử sẽ góp phần thúc đẩy phát triển hoạt động du lịch ở Ninh Thuận nói riêng và khu vực tứ giác du lịch Lâm Đồng-Khánh Hòa-Ninh Thuận-Bình Thuận nói chung, trở thành trung tâm du lịch đẳng cấp của cả nước.