Niên vụ 2021, diện tích nhãn lồng Hưng Yên đạt 4.800ha, sản lượng ước đạt 50.000-55.000 tấn, cao hơn năm 2020 từ 15 - 20%. Nỗi lo dịch Covid-19 ảnh hưởng rất lớn đến tiêu thụ. Nhưng khi người nông dân được đào tạo, hỗ trợ tham gia chuyển đổi số nông nghiệp thì bài toán đã có lời giải. Đã có hàng ngàn hộ được tập huấn, kết nối với sàn thương mại điện tử Postmart.vn để tiêu thụ nhãn.
Trước đó, vào tháng 5/2021, trong vụ vải thiều ở các tỉnh Bắc Giang, Hải Dương, hơn 350.000 tấn vải đến kỳ thu hoạch lại đúng vào đợt dịch Covid-19 lần 4, việc tiêu thụ lượng vải này là nhiệm vụ cấp bách.
Nhiệm vụ khó khăn đó đã được hoàn thành nhờ ứng dụng công nghệ số, từ cập nhật mọi thông tin về giống, quy trình chăm sóc, phân bón, thu hái, đóng gói, tem nhãn, đến việc hướng dẫn cách bán hàng trên sản thương mại điện tử...
Trong vụ quýt từ tháng 11/2021 đến nay, bà Ma Thị Chú (ở huyện Mường Khương, Lào Cai) đã xây dựng fanpage, trang Facebook cá nhân để bán quýt của gia đình. Hiện nay, fanpage chuyên bán hàng của bà có hơn 17.000 lượt người thích, hơn 32.000 lượt người theo dõi. Mỗi lần livestream bán quýt, bà bán được 500 - 800kg.
Tính đến tháng 11/2021, đã có hơn 2 triệu hộ sản xuất nông nghiệp được đào tạo kỹ năng số, gần 50.000 sản phẩm nông sản được đưa lên các sàn thương mại điện tử, hàng chục ngàn giao dịch được thực hiện.
Nhờ áp dụng chuyển đổi số, những nông dân số sẽ không phải "trông trời, trông đất, trông mây" để sản xuất như truyền thống, mà có thể trông vào dữ liệu để có kế hoạch sản xuất phù hợp.
"Chuyển đổi số cho phép nông dân bán cả sự trải nghiệm. Chẳng hạn trước kia muốn bán nải chuối, bà con mang ra chợ bán trực tiếp cho người mua; nhưng áp dụng công nghệ số, vườn chuối được kết nối tiêu thụ trên mạng thì người nông dân có thể bán cho người mua cả quy trình chăm sóc cây chuối đó ngay từ khi còn nhỏ, đến khi ra hoa, trổ buồng, để người mua có thể trải nghiệm quy trình làm ra sản phẩm" - ông Nguyễn Huy Dũng - Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông chia sẻ.
Phó Chủ tịch T.Ư Hội NDVN Nguyễn Xuân Định cũng cho rằng, người nông dân muốn giảm thiểu rủi ro vì tình trạng được mùa, mất giá thì không còn con đường nào khác đó là phải cùng nhau tham gia vào các chuỗi liên kết. Thông qua đó, sản xuất có kế hoạch, cung đủ cầu và tiết giảm được các khâu trung gian; tuân thủ theo các quy định về tiêu chuẩn hàng hóa và truy xuất nguồn gốc.