Phương pháp đánh bắt bằng rái cá có từ khá lâu đời khoảng 300 năm. Ảnh: Md Rasal
Trong bữa ăn hằng ngày của người Bangladesh thường không bao giờ thiếu món cá, đúng với câu tục ngữ "Người Bengali sống bằng cá và gạo": nó phản ánh bản sắc rất riêng của người Bengali trải qua hàng nghìn năm.
Phương pháp đánh bắt cá phổ biến nhất là sử dụng các loại lưới. Tuy nhiên, ở những vùng khác nhau sẽ áp dụng một phương thức khác nhau. Không chỉ vậy, ở nhiều quốc gia trên thế giới cũng có những phương pháp đánh bắt khác nhau.
Ở một số nơi trên thế giới, như Trung Quốc và Nhật Bản, các ngư dân áp dụng phương pháp đánh cá truyền thống cổ xưa được gọi là "Câu cá bằng chim cốc hay Ukai" (trong tiếng Nhật). Truyền thống đánh cá lâu đời bằng loài chim này đã tồn tại cách đây 1300-1500 năm.
Nghề đánh bắt cá này được cha truyền con nối qua nhiều thế hệ. Ảnh: cbsnews
Nhưng ở Bangladesh, ngư dân dùng loài rái cá thường (Lutra lutra) hoặc loài rái cá lông mượt (Lutrogale perspicillata) phục vụ việc đánh bắt. Rái cá thường được gọi là "Udbhiral," một loài rái cá nhỏ. Tuy nhiên, tên của loài rái cá này thay đổi theo từng nơi như "Udbilai, Ud, Dhere hoặc Dharia."
Phương pháp đánh bắt bằng rái cá có từ khá lâu đời khoảng 300 năm và hoàn toàn dựa vào bản năng tự nhiên của loài rái cá. Hiện nay, phương pháp này đang bị mất dần theo sự phát triển của thời gian, một phần nguyên nhân là do các con sông bị ô nhiễm và việc bắt cá trở nên khó khăn hơn.
Trên khu vực sông Sundarbans và Chitra, ngư dân vẫn sử dụng phương pháp kỳ lạ này để đánh bắt như nguồn sống chính của cả gia đình. Họ sống ở một số ngôi làng xa xôi như: Bhogra, Goalbari, Ratdanga, Punkbilas và Goalbari ở quận Narail.
Nghề đánh bắt cá này được cha truyền con nối qua nhiều thế hệ. Những ngư dân địa phương này dẫn theo đàn rái cá ra sông từ giữa tháng 10 đến tháng 1. Thời tiết lúc này vào mùa đông cá nhiều hơn do mực nước sông hay kênh, rạch giảm nhiều, đặc biệt là vùng Sundarbans.
Việc đánh bắt cá thường diễn ra vào ban đêm, tương ứng với thói quen săn mồi ban đêm của loài rái cá trong môi trường hoang dã. Ảnh: Shahidul Alam
Những con "Udbhiral" này là động vật lưỡng cư và nổi tiếng với việc đánh bắt cá. Dù cá là thức ăn ưa thích của chúng nhưng chúng đã được huấn luyện kỹ thuật lùa tôm cá vào lưới mà không "ăn vụng". Những ngư dân địa phương nhốt những con rái cá "cưng" của họ trong một chiếc lồng nhỏ làm bằng tre đặt bên mạn thuyền. Những ngư dân này thường chia thành nhiều nhóm để đánh bắt.
Mỗi nhóm bao gồm năm ngư dân, một lưới đánh cá và ít nhất ba con rái cá theo cùng. Trong số ba con rái cá này, hai con trưởng thành và một con là rái cá non. Họ cũng mang một tấm lưới hình tam giác để hỗ trợ việc đánh cá tốt hơn. Việc đánh bắt cá thường diễn ra vào ban đêm, tương ứng với thói quen săn mồi ban đêm của loài rái cá trong môi trường hoang dã; hiệu suất mỗi đêm có thể lên đến 5-12kg tôm cá.
Mô tả sơ đồ về việc đánh bắt bằng rái cá của ngư dân. Ảnh: Mohammed Mostafa Feeroz
Tới khu vực đánh bắt, ngư dân thả rái cá và tiếp đó hạ hai cạnh của tấm lưới hình tam giác xuống sông. Ngay khi quăng lưới xuống sông, những chú rái cá cần mẫn bắt đầu lặn sâu xuống đáy sông để tìm cá. Sau đó, những con rái cá đuổi con cá ra khỏi mặt nước và dồn nó vào lưới. Điều đáng chú ý nhất là những con rái cá đuổi theo con cá và đưa chúng vào lưới nhưng chúng không ăn con cá nào. Nếu có cũng chỉ là những con cá nhỏ hơn vô tình rơi vào bẫy.
Da của rái cá có giá trị rất cao nên chúng luôn lọt vào tầm ngắm của những kẻ buôn bán động vật trái phép. Ảnh: Sekitar
Những con rái cá này được nuôi bởi các gia đình đánh cá, giống như những vật nuôi khác của họ. Chúng được cho ăn trước khi đi săn và sau khi trở về chúng cũng được nhận phần thưởng từ "chiến lợi phẩm " từ cuộc đi săn đó. Đây là lý do tại sao chúng trung thành với ngư dân.
Trên thực tế, da của rái cá có giá trị rất cao nên chúng luôn lọt vào tầm ngắm của những kẻ buôn bán động vật trái phép. Nhiều ngư dân vì thế mà đã săn bắt và bán rái cá với giá 3000-5000 Taka Bangladesh (tương đương 800 nghìn đến 1,5 triệu đồng ).
Bên cạnh đó, số lượng loài này ngày càng giảm sút do sự mê tín, thiếu hiểu biết của người dân địa phương. Nhiều người giết những con rái cá này trong những vùng lân cận vì nghĩ rằng chúng sẽ ăn hết cá trong ao, hồ của khu vực đó. Vào năm 2012, một đạo luật Động vật Hoang dã của Bangladesh đã được thông qua liên quan đến việc bảo vệ và an toàn cho những con rái cá này.
Đánh bắt cá bằng kỹ nghệ rái cá không chỉ là một nghề kiếm sống với những ngư dân ở nơi đây, mà còn trở thành làng nghề du lịch được khách du lịch thích thú và tìm hiểu.