Trong Tam Quốc, có lẽ cuộc đua trên vũ đài chính trị với tham vọng thống nhất thiên hạ của ba thế lực Tào Ngụy – Thục Hán – Đông Ngô là hấp dẫn nhất. Tuy nhiên, cả ba vị quân chủ là Tào Tháo, Lưu Bị và Tôn Quyền cuối cùng đều ra đi đầy tiếc nuối khi đại nghiệp thống nhất thiên hạ không thành.
Trong "Tam Quốc diễn nghĩa", Lưu Bị có thể được coi là vị quân chủ sáng suốt, nhân nghĩa và luôn có khát vọng phục hưng Hán thất. Cả đời Lưu Bị, từ chỗ bị coi như "kẻ ăn nhờ ở đậu" tại đất Kinh Châu cho đến khi lập nên cơ nghiệp nhà Thục Hán, đều nỗ lực không ngừng, lòng ôm chí lớn. Đáng tiếc, có nhiều việc Lưu Bị không thể làm được.
Tháng 6/223, Lưu Bị u uất mà qua đời ở thành Bạch Đế, chỉ chưa đầy một năm sau khi đại bại ở trận Di Lăng. Tuy nhiên, trước khi qua đời, Lưu Bị đã có màn chuyển giao quyền lực quan trọng cho con trai Lưu Thiện (tiểu tự là A Đẩu) và phó thác cho đại thần là Gia Cát Lượng.
Thậm chí, Lưu Bị còn dặn dò Gia Cát Lượng, nếu Lưu Thiện có thể giúp được thì giúp, còn nếu bất tài thì hãy tự thay đi. Gia Cát Lượng ngay sau đó hứa sẽ hết mình phò tá Lưu Thiện và "cúc cung tận tụy, đến chết mới thôi" vì Thục Hán.
Tuy nhiên, liệu Lưu Thiện có phải là một vị hoàng đế vô năng, ngu ngốc và không có tài cán gì như trong "Tam Quốc diễn nghĩa"?
Trên thực tế, Lưu Thiện không phải là kẻ ngu ngốc, thay vào đó là người rất khôn ngoan, biết ẩn mình để chờ đợi thời cơ.
Nếu như Lưu Thiện quả thực vô dụng, có lẽ người sáng suốt như Lưu Bị sẽ không truyền ngôi lại cho đứa con này. Lưu Thiện tuy không quá xuất chúng nhưng cũng phải là kẻ ngu ngốc.
Sau khi Lưu Bị và cả vị thừa tướng kỳ tài, tuyệt đối trung thành như Gia Cát Lượng đều qua đời, làm thế nào để Lưu Thiện giữ được mạng sống, đồng thời hưởng an nhàn đến cuối đời?
Câu trả lời nằm ở những nước đi đầy khôn ngoan của Lưu Thiện trên bàn cờ chính trị Tam Quốc.
Khi Gia Cát Lượng còn sống, Lưu Thiện phần lớn đều nghe theo chủ ý của ông. Tuy nhiên, sau khi vị thừa tướng tài trí này qua đời vào năm 234, ở giai đoạn đầu, Thục Hán vẫn tương đối ổn định vì vẫn còn những vị quan đắc lực.
Thế nhưng, sau một vài năm bắt đầu chấp chính, Lưu Thiện được cho là trọng dụng hoạn quan, dẫn đến nội bộ của Thục Hán bị rối loạn và cuối cùng nhanh chóng diệt vong trước cuộc tấn công của Tào Ngụy vào năm 263. Lưu Thiện ở ngôi hoàng đế trong 41 năm.
Theo đó, năm 263, Tư Mã Chiêu của nhà Tào Ngụy phái Đặng Ngải cùng Chung Hội dẫn đại quân để đánh Thục. Khi Đặng Ngải bí mật lén vòng qua Âm Bình và tập kích Thành Đô, không ngờ, Lưu Thiện không chọn chiến đấu mà lại mở cổng thành đầu hàng nhanh chóng, Thục Hán cũng vì thế mà diệt vong.
Tuy nhiên, không ngờ sau đó lại xảy ra sự biến tạo phản của Khương Duy và Chung Hội. Điều này khiến không ít tướng lĩnh của Thục Hán cũng bị tấn công.
Sau sự biến này, chỉ còn một số ít đại thần theo Lưu Thiện đầu hàng cùng về Lạc Dương, được Tư Mã Chiêu phong làm An Lạc Công.
Tư Mã Chiêu cũng tiếp đón Lưu Thiện rất thịnh tình. Tuy nhiên, Tư Mã Chiêu vẫn âm thầm theo dõi nhất cử, nhất động của Lưu Thiện.
Trong một lần, Tư Mã Chiêu mở yến tiếc lớn rồi cho mời Lưu Thiện cùng các đại thần của Thục Hán tới. Tư Mã Chiêu thậm chí còn cố tình sắp xếp cho cung nữ múa điệu truyền thống của Thục Hán. Trong khi nhiều đại thần có mặt lúc bấy giờ đều rưng rưng, Lưu Thiện bất ngờ lại tỏ ra rất vui vẻ.
Đột nhiên, Tư Mã Chiêu quay sang hỏi Lưu Thiện rằng ông có nhớ Thục Hán không?
Lưu Thiện khi ấy liền nhanh chóng trả lời: "Ở đây tôi rất vui, không còn nhớ gì đến đất Thục nữa".
Khi ấy, đại thần Khước Chính nghe vậy thì thấy bất bình và khuyên Lưu Thiện nếu bị hỏi lại thì nên nói là: "Mồ mả tổ tiên vẫn còn ở Thục, không có ngày nào là không nhớ".
Quả nhiên, một lúc sau, Tư Mã Chiêu hỏi lại. Lưu Thiện lúc này nói y nguyên lời Khước Chính dặn.
Nghe xong, Tư Mã Chiêu liền nói: "Sao lại giống lời Khước Chính thế".
Lưu Thiện cuối cùng chỉ còn cách thú nhận. Tư Mã Chiêu nghe xong liền cưới lớn và cho rằng Lưu Thiện quả thực là ngốc nghếch, nhu nhược, không có chí lớn phục hưng đất nước nên từ đó không còn đề phòng nữa.
Lưu Thiện có ngốc như vậy không? Câu trả lời là không. Thực chất đây là một màn "đại trí giả ngu" mà Lưu Thiện là người độc diễn. Chính bởi vì câu nói ngô nghê quên cả nước Thục kia của Lưu Thiện mà Tư Mã Chiêu không còn nghi ngờ nữa.
Bởi lẽ nếu nói sai, không chỉ tính mạng của Lưu Thiện mà còn có gia quyến cùng các đại thần khác, người dân ở Thục Hán đều sẽ bị liên lụy. Suy cho cùng, trong hoàn cảnh là một ông vua mất nước, Lưu Thiện quả là khôn ngoan khi vượt qua phép thử nghi kỵ này của Tư Mã Chiêu.
Chính nhờ "đại trí giả ngu" mà Lưu Thiện không những có thể bảo toàn tính mạng mà còn có thể sống sung túc và thoải mái ở dưới trướng của gia tộc Tư Mã trong suốt quãng đời còn lại.
Đến năm 271, Lưu Thiện qua đời ở tuổi 64. Đây có thể được xem là sống thọ vào thời kỳ loạn lạc như Tam Quốc. Nhờ tài trí của mình, Lưu Thiện cũng là một trong số ít những vị hoàng đế mất nước có thể sống yên ổn đến già.