3 điềm lạ khi Lưu Bị ra đời: Lão nông nhìn là biết tướng đế vương

Thái Bảo (theo Sohu) Thứ hai, ngày 25/10/2021 18:31 PM (GMT+7)
Ông thầm nghĩ: “Ắt hẳn đứa bé này lớn lên sẽ làm nên đại sự, thường khi quý nhân chào đời thường hay xảy ra những điều kỳ lạ”. Đứa trẻ vừa mới sinh ra trong túp lều tranh kia chính là Lưu Bị – Lưu Huyền Đức sau này.
Bình luận 0

Người xưa thường nói: "Thiên thời, địa lợi, nhân hòa" – Một khi thiên hạ phân chia, thì cái lẽ ấy cũng được chia đều trong mỗi cõi… Vậy cũng nói, nước Ngụy được 'Thiên thời', nước Ngô được 'Địa lợi', nước Thục được 'Nhân hoà', đó là ý nghĩa của ba nước lớn. Thiên hạ phân chia, ấy cũng là nên để anh hùng trong thiên hạ mỗi người hùng cứ một phương, vì thế cũng có thể nói: 'Thời thế tạo nên anh hùng và anh hùng cũng tạo nên thời thế vậy!".

3 điềm lạ khi Lưu Bị ra đời: Lão nông nhìn là biết tướng đế vương - Ảnh 1.

Lưu Bị – Lưu Huyền Đức. Ảnh: Sohu.

Lưu  Bị ra đời

Nghe nói quý nhân ra đời thường thường có điềm lạ, Lưu Bị ra đời cũng có chuyện kỳ lạ xảy ra. Tương truyền rằng, cha mẹ Lưu Bị rất nghèo, lại gặp phải nạn ôn dịch; mất mùa xảy ra liên miên, vì thế đành phải rời quê tha phương cầu thực. Nhưng bốn biển mênh mông, cuộc sống lạ lẫm, không biết dừng chân nơi nào cho được. Một hôm hai vợ chồng đang đi trên đường, bỗng nghe thấy một mục đồng hát rằng:

"Muốn hỏi chốn dừng chân đâu?

Mau mau hướng Bắc quay đầu mà đi.

Đầu cành nhìn thấy treo xe,

Tiếp ngay gặp lại Trâu phi qua nhà.

Dép bảy cân chín bùn pha,

An cư lạc nghiệp chớ buồn mà chi!"…

Hai vợ chồng nghe thấy bài hát như có ý mách bảo cho mình nơi cần đến, bèn tỏ ý muốn hỏi cho rõ ngọn ngành. Nhưng khi ngẩng đầu lên nhìn, thì đã không thấy đứa trẻ đâu cả. Hai người cảm thấy rất kỳ lạ, gắng lần thử đoán bài hát mà đứa trẻ hát là có ngụ ý gì: nào là xe ở trên cây, trâu phi qua nhà, nào là dép bảy cân chín, v.v… thì đoán không ra ý tứ của bài hát. Nên họ cũng không để ý đến nó nữa, mà mải miết bước đi cho kịp thời. Họ cứ đi, đi mãi, băng qua chín ngọn núi, vượt chín con sông, rồi cũng đến được một thôn trang thuộc vùng Trác Châu. Khi họ đến được đây, thì cũng đã sức cùng lực kiệt. Bỗng nhiên trời đổ mưa to, khiến người vợ lại đang mang thai sắp đến ngày sinh nở, bước đi càng thấy khó khăn hơn bội phần. Bà không thể đi tiếp được nữa, lại không muốn làm vướng bận đến chồng mình, bèn khuyên ông chồng cứ đi một mình để khỏi phải hứng lấy cái chết. Nhưng người chồng đâu có nhẫn tâm như vậy, hai người nhìn nhau mắt đẫm lệ mà than khóc, cầu trời khấn Phật thương tình…

Chính vào lúc ấy, ông bèn thấy có một con trâu chạy đến sườn đồi trước mặt, phía xa xa dưới núi có một ngôi nhà le lói ánh lửa bập bùng chiếu sáng. Cạnh ngôi nhà lại có một thân cây cong, có hai cái xe quay sợi đã cũ treo trên chạc cây. Ông chồng mừng rỡ mà thốt lên: "Đây chẳng phải là trâu ở trên nhà, xe treo trên cây đó sao?". Ông nhìn xuống dưới chân, thì thấy đôi dép lấm đầy bùn đất. Nghĩ đến câu hát của mục đồng "dép bảy cân chin", ông bèn tháo ra sách thử: "Chà! dễ cũng đến bảy cân, chín lạng thật!". Càng nghĩ càng thấy kỳ lạ, ông đoán rằng có cao nhân ngấm ngầm chỉ điểm cho mình dừng chân ở nơi này, an cư lạc nghiệp. Đang lúc suy tư thì trời cũng vừa ngớt mưa, lão chủ nhân của ngôi nhà thấy có người đứng bơ vơ dưới mưa bèn chạy ra hỏi thăm.

Sau khi nghe tình cảnh hai vợ chồng rất đáng thương, ông cụ chỉ sang một cái lán nhỏ kế bên nói: Nếu hai người không chê thì hãy trú tạm vào trong lều đó! Hai vợ chồng mừng rỡ, hết lời cảm tạ ông lão tốt bụng. Cũng vào đêm hôm đó, chủ nhân ngôi nhà nhìn sang thấy có một vầng hào quang sáng rực phát ra từ trong túp lều tranh, mà ông cho đôi vợ chồng ban chiều tá túc. Ông hốt hoảng chạy đến xem, ngỡ rằng có hoả hoạn. Nhưng khi lại gần thì túp lều vẫn còn nguyên vẹn, chỉ thấy có một hương thơm kỳ lạ toả ra từ trong lều cỏ, lại nghe thấy có tiếng trẻ con khóc, rõ ràng là có một đứa trẻ mới chào đời. Ông thầm nghĩ: "Ắt hẳn đứa bé này lớn lên sẽ làm nên đại sự, thường khi quý nhân chào đời thường hay xảy ra những điều kỳ lạ". Đứa trẻ vừa mới sinh ra trong túp lều tranh kia chính là Lưu Bị – Lưu Huyền Đức sau này.

Kể từ đó, lão ông nhượng lại căn lều cho hai vợ chồng họ Lưu ở. Lão gia chủ đối xử rất tốt với hai vợ chồng nhà họ, khiến họ thấy vô cùng cảm kích trước tấm lòng nhân hậu của lão ông. Tuy vậy, trong lòng họ vẫn không khỏi áy náy, vì cũng không thể cứ mãi ăn cơm gạo của nhà người ta được. Đợi đến khi con vừa đầy tháng, người mẹ đã lục đục địu con ra đồng mót lúa. Khi ấy cũng là giữa tiết trời mùa hè, cái nắng như thiêu như đốt con người ta. Trẻ sơ sinh sao mà chịu nổi cho được, thật là cực chẳng đã…

Người mẹ nhìn đứa con đỏ hỏn mà ruột như đứt ra từng khúc, thương con nhưng không biết làm thế nào. Bà loay hoay nhìn khắp nơi và thấy có một cây dâu cổ thụ cao to mọc giữa cánh đồng, tỏa bóng râm mát. Bà liền ẵm con đến đặt ngay dưới gốc cây dâu, chờ con ngủ say rồi mới lội ruộng nhặt từng bông lúa bị rơi vãi trên ruộng. Bà mải miết lượm hết bông này, rồi lại đến bông khác vừa mừng như nhặt được vàng. Cho đến khi mặt trời đã xế bóng về Tây, bà mới chợt nhớ đến đứa con nằm vò võ một mình dưới gốc cây. Bà chợt nghĩ bụng: "Chẳng hay có chuyện gì xảy ra với nó không?". Bà hớt hải chạy quay về. Thật kỳ lạ thay! Mặc dù mặt trời đã ngả về hướng Tây, nhưng bóng mát vẫn ở nguyên chỗ cũ. Đứa bé vẫn đang say giấc nồng dưới tán cây dâu, êm ái như nằm trong vòng tay mẹ. Bà bế con lên, ôm nó vào lòng và đột nhiên bóng râm chuyển sang một hướng khác…

Câu chuyện lạ kỳ này đã được nhiều người biết đến và đều thấy làm lạ. Họ gọi đó là cây dâu Thần kỳ, thân của nó cao lớn như một tòa nhà. Về sau người dân ở đây đã đổi tên làng thành "Thôn Lâu Tang" (Làng có cây dâu cổ thụ Thần kỳ). Nghe nói, cây dâu này lớn đến mức mà chỗ chạc rẽ của nó có thể đủ chỗ cho cả ba, bốn người nằm ngủ một lúc cũng còn đủ rộng. Về sau người ta đã chặt cây dâu này để lấy gỗ, và gốc của nó còn có thể phơi được một thạch tám đấu thóc (khoảng hai tạ thóc), vì thế người dân nơi đây là đổi tên thành Đại Thụ Lâu Tang và tên đó được truyền cho đến tận ngày nay.

Lại nói về đứa bé tên là Lưu Bị sau này lớn lên đã kết nghĩa huynh đệ (Kết nghĩa vườn đào) với hai người anh em là Quan Vân Trường và Trương Phi, có công dẹp loạn giặc Khăn Vàng, đánh Đông dẹp Bắc… Ba lần đến lều tranh cầu hiền sĩ Gia Cát Khổng Minh dựng lập nên nhà Thục Hán hùng cứ một phương. Cùng với Tào Tháo (nhà Ngụy), Tôn Quyền (Đông Ngô) chia ba thiên hạ – tạo thành thế 'chân vạc'. Người đời sau có thơ khen Lưu Huyền Đức rằng:

"Bày mưu thần diệu lập thần công

Hai cọp suy ra kém một rồng

Giữa lúc cô cùng còn thấy rõ

Phân ba thiên hạ một anh hùng".

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem