Dân Việt

Chương trình phục hồi phát triển kinh tế, ĐBQH hỏi nguồn vốn ở đâu và lộ trình thế nào?

Thanh Phong 04/01/2022 17:24 GMT+7
Trong phiên thảo luận tại tổ, kỳ họp bất thường Quốc hội XV, chiều 4/1, nhiều Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đã nêu ý kiến tham luận về chương trình phục hồi phát triển kinh tế do Chính phủ đề ra.

ĐBQH tỉnh Phú Thọ Vũ Tuấn Anh: "Tôi đề nghị có lộ trình cụ thể hơn"

Quốc hội, Chính phủ đã ban hành các chính sách thời gian qua nhằm phục hồi kinh tế - xã hội do tác động của dịch Covid-19. Tuy nhiên, các chính sách này mang tính ngắn hạn.

Về nhiệm vụ giải pháp chủ yếu trong chương trình, tôi cơ bản thống nhất 5 nhóm nhiệm vụ giải pháp. Tuy nhiên, tôi đề nghị có lộ trình cụ thể hơn. Trong đó, nhóm nhiệm vụ giải pháp tổng thể, mở cửa nền kinh tế gắn với phòng chống dịch bệnh.

Trước sự xuất hiện của biến chủng mới Omicron, việc đầu tư nâng cao năng lực y tế hết sức quan trọng. Bên cạnh sự đầu tư cho các bệnh viện trung ương, cần đặc biệt chú trọng đầu tư cho bệnh viện địa phương, tuyến huyện, xã. Trang bị máy thở, nâng cao năng lực chuyên môn.

Chương trình phục hồi phát triển kinh tế: ĐBQH đặt vấn đề nguồn vốn ở đâu? Lộ trình thế nào? - Ảnh 1.

ĐBQH tỉnh Phú Thọ Vũ Tuấn Anh. (Ảnh: Thanh Phong)

Về nhóm các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh. Bên cạnh các giải pháp về sản xuất, cần xử lý đầu ra cho doanh nghiệp hợp tác xã nông nghiệp. Tránh tình trạng ùn ứ hàng hóa ở cửa khẩu như thời gian qua.

Về giải pháp tài khóa, tôi cơ bản đồng tình với phương án 291.000 tỷ của Chính phủ. Trong đó, về giảm thuế GTGT, đề nghị rà soát không chỉ đối tượng 10% mà cả nhóm 5%. Xem xét trên cơ sở các nhóm đối tượng bị ảnh hưởng nặng nề hoặc các loại hàng hóa cần khuyến khích sản xuất.

Chính phủ đang đề xuất mức giảm 2%, tôi đề nghị giảm 3% theo nghị quyết trước đây. Qua đó, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp, đơn vị kinh doanh đã điều chỉnh phần mềm kế toán, xuất hóa đơn. Trước đây, đã có 2 tháng giảm 3%, nếu bây giờ giảm 2% sẽ phải tiếp tục quá trình điều chỉnh thủ tục, phần mềm.

Đồng thời, nghiên cứu phương pháp hoàn thuế cho người tiêu dùng để khuyến khích người tiêu dùng có hóa đơn, giảm thuế thực chất cho người tiêu dùng.

ĐBQH tỉnh Thái Bình Phan Đức Hiếu: "Vấn đề rất lớn là nguồn lực ở đâu ra?"

Có 2 điểm cần phân biệt, tại sao ĐBQH phải quan tâm nhiều chi tiết như tài khóa? Khi quyết định các chính sách lớn, nếu không có thông tin rõ ràng, ĐBQH không thể tự tin để quyết định 291.000 tỷ hay bao nhiêu?

Thứ 2 cần chú ý tới quy mô của danh nghĩa và thực tế của chương trình. Nhiều khi chúng ta cứ thích con số to, xã hội bị tác động rất lớn của các con số như 600.000, 500.000 tỷ.

Xã hội rất dễ bị tổn thương, do đó, cần đưa ra các con số thực tế. Chủ tịch Quốc hội đã nêu rõ, chúng ta tạm hoãn, tạm giãn tiến độ một số khoản phải nộp lên tới 135.000 tỷ. Nhưng nhà nước có phải bỏ ra không?

Chương trình phục hồi phát triển kinh tế: ĐBQH đặt vấn đề nguồn vốn ở đâu? Lộ trình thế nào? - Ảnh 2.

ĐBQH tỉnh Thái Bình Phan Đức Hiếu. (Ảnh: Thanh Phong)

Tôi nói ví dụ, miễn giảm một số phí, lệ phí 100.000 tỷ nhưng thực chi trong giai đoạn vừa qua như giảm thuế trước bạ ô tô, thu ngân sách lại cao hơn. Con số danh nghĩa chúng ta không nên đưa mà phải nêu con số thực sự nhà nước phải bỏ nguồn lực ra.

Ngoài ra, quan điểm của chúng ta, gói hỗ trợ phải đủ lớn, đúng, trúng đối tượng. Như gói Chính phủ đang trình đã đủ lớn chưa? Phải so sánh với quốc tế và hoàn cảnh của Việt Nam. Nếu so sánh quốc tế phải so sánh tương đương.

So với quốc tế, quy mô các giải pháp hỗ trợ tài khóa và tiền tệ ở các nước phát triển lần lượt là 10,9% và 8,6% GDP. Các nước có thu nhập thấp như Việt Nam, mức hỗ trợ từ 0,7% đến 3,2%.

Theo tính toán của Chính phủ đang ở mức 4,24% GDP. Cần chú ý, đây không phải gói đầu tiên Việt Nam thực hiện. Chúng ta cần so sánh trước khi đưa ra quyết định.

Hiện nay, khi tham gia thẩm tra chương trình phục hồi phát triển kinh tế và nghị quyết Quốc hội còn một số vấn đề khác nhau. Thứ nhất, con số tính toán chi tiết dự kiến quy mô các gói hỗ trợ. Ví dụ, con số tính toán giữa Chính phủ và cơ quan thẩm tra như gói giảm phí và lệ phí có sự khác nhau.

Vấn đề thứ hai là những tính toán đâu là tiền tệ, đâu là tài khóa? Ví dụ, Chính phủ chi 46.000 tỷ mua vaccine. Theo quan điểm chuyên gia, những khoản nào Chính phủ bỏ tiền ra thì là tài khóa.

Tuy nhiên, trong một số vấn đề như khoanh nợ tạm thời cho doanh nghiệp, các chuyên gia vẫn tính toán ra một số khoản thuộc ngân sách nhà nước. Do đó, mong muốn của chúng tôi, Chính phủ tính toán càng chi li, sát với thực tế, Quốc hội sẽ đưa ra quyết định chính xác.

Ngoài ra, tôi cho rằng chương trình này bản chất là hỗ trợ kịp thời và ngắn hạn trong thời hạn khoảng 2 năm. Do đó, những khoản này phải hấp thụ trong đủ 2 năm. Nếu không hấp thụ kịp sẽ sai mục đích của chương trình này, bài toán giải ngân trong 2 năm là rất khó.

Một vấn đề rất lớn nữa là nguồn lực ở đâu ra? Đây cũng là một bài toán không đơn giản. Ví dụ như nguồn ODA có nhiều ý kiến quan ngại, nguồn này có khả thi không.

Ngoài ra, Chính phủ cũng có một nguồn lực là cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước. Tôi cũng đề nghị Chính phủ cần phải làm rõ nếu không huy động kịp nguồn lực sẽ ảnh hưởng tới khả năng hấp thụ của chương trình.

Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, ĐBQH tỉnh Thái Bình: "Tất cả giải pháp hỗ trợ phối hợp với nhau, phục hồi phải đảm bảo toàn diện"

Giá trị của gói hỗ trợ này, toàn bộ dư luận xã hội quan tâm, thậm chí cả quốc tế. Có thể hiểu tổng giá trị của chương trình là những khoản tiền lẽ ra thu được trong điều kiện bình thường nhưng không thu sẽ tính gộp vào đây.

Ví dụ như việc miễn giảm giảm thuế, bảo hiểm thất nghiệp doanh nghiệp không phải đóng trong 1 năm trị giá 8.000 tỷ. Nhiều doanh nghiệp đã cảm ơn vì đối với họ số tiền này rất quý. Đối với nhà nước, khoản tiền này không phải bỏ ra nhưng cũng không thu được.

Chúng ta cần phải thông tin đầy đủ thông tin, công khai minh bạch. Tất cả giải pháp hỗ trợ phối hợp với nhau, phục hồi phải đảm bảo toàn diện, không thể phân biệt rạch ròi giữa các ngành về khó khăn.

Chương trình phục hồi phát triển kinh tế: ĐBQH đặt vấn đề nguồn vốn ở đâu? Lộ trình thế nào? - Ảnh 3.

Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, ĐBQH tỉnh Thái Bình. (Ảnh: Thanh Phong)

Tôi cho rằng việc tính toán tương đối phù hợp, đảm bảo trọng tâm trọng điểm, không thể quá rạch ròi, "căng dây, kẻ chỉ". Gắn với tính toàn diện, tính công bằng ở chỗ đảm bảo giữa các ngành khó khăn giống nhau thị hỗ trợ tương đối giống nhau. Địa phương có điều kiện tương đối giống nhau cũng được hỗ trợ tương tự. 

Ngoài ra, chương trình này tập trung chủ yếu trong vòng 2 năm (2022 – 2023) nhưng sẽ có một số nội dung phải sang 2024. Trong quá trình làm có nhiều biến động tự nhiên như hiện tại, làm sao phải hấp thụ được nguồn vốn trong 2 năm này?

Ngoài ra, theo tôi, ý rất quan trọng nữa là giải pháp điều hành. Trong đó, phải kiện toàn ban chỉ đạo trung ương về phục hồi phát triển kinh tế gắn với phòng chống dịch bệnh.

Hiện nay, vấn đề này không thể tách rời, nếu phòng chống Covid-19 lại "ngăn sông, cấm chợ" thì làm sao kinh tế có thể phát triển? Do đó, cần thống nhất đầu mối. Ví dụ, ở tỉnh, Bí thư, Chủ tịch làm trưởng ban chỉ đạo vừa phòng chống dịch vừa phát triển kinh tế. Ở Trung ương. Thủ tướng vừa phòng chống Covid-19 vừa phát triển kinh tế.