Dân Việt

Gói phục hồi kinh tế gần 350.000 tỷ: Không quá lớn, nhưng phải tránh dự án ‘té nước theo mưa’

Huyền Anh 05/01/2022 07:25 GMT+7
Bàn về gói phục hồi kinh tế quy mô gần 350.000 tỷ đồng vừa được Chính phủ trình Quốc hội tại kỳ họp bất thường, nhiều đại biểu Quốc hội và chuyên gia kinh tế có chung nhận định, quy mô này còn nhỏ so với kỳ vọng và nhu cầu thực tế.

Gói phục hồi kinh tế quy mô gần 350.000 tỷ đồng - không quá lớn

Nêu quan điểm về quy mô gói phục hồi kinh tế theo dự thảo Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội được Chính phủ trình Quốc hội tại kỳ họp bất thường sáng 4/1, TS. Cấn Văn Lực – Kinh tế trưởng BIDV cho biết, gần 350.000 tỷ đồng là con số thực chi trong 2 năm 2022 – 2023, nếu theo cách tính của ông Lực, giá trị danh nghĩa của gói phục hồi kinh tế này ước vào khoảng 517.000 tỷ đồng.

"Con số thực chi gần 350.000 tỷ vẫn còn hơi nhỏ so với kỳ vọng của người dân và doanh nghiệp. Tuy nhiên, để ra được gói này thì Chính phủ cũng đã phải tính toán, cân đối trên cả ba phương diện: năng lực ngân sách, rủi ro vĩ mô cũng như khả năng hấp thụ của nền kinh tế", ông Lực cho hay.

Vì vậy, vấn đề quan trọng nhất hiện nay không phải là quy mô lớn hay nhỏ mà chính là việc Quốc hội nhanh chóng thống nhất, thông qua để đi vào triển khai thực hiện chương trình phục hồi càng nhanh càng tốt. Bởi, dư địa thời gian của Việt Nam không còn nhiều, nếu muốn quay trở lại, đề xuất gói hỗ trợ lớn hơn bây giờ sẽ không kịp.

Gần 350.000 tỷ phục hồi kinh tế: Không quá lớn, cần tính lại chính sách hỗ trợ lãi suất - Ảnh 1.

Chính phủ trình Quốc hội gói phục hồi kinh tế quy mô gần 350.000 tỷ đồng. (Ảnh: Bizlive)

Dưới góc nhìn của mình, Giáo sư Hoàng Văn Cường, Đại biểu Quốc hội, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế quốc dân lại cho rằng, tổng gói hỗ trợ lớn nhưng thực ra nguồn lực thực tế để hỗ trợ phục hồi chỉ có 176.000 tỷ là nguồn bổ sung tăng thêm. Theo ông Cường, con số tiền này không phải quá lớn so với nhu cầu các lĩnh vực kinh tế - xã hội cần phục hồi.

Vì thế, đại biểu Hoàng Văn Cường kiến nghị cần rà soát và ưu tiên những lĩnh vực nào thực sự bị ảnh hưởng bởi đại dịch để lựa chọn đầu tư.

"Giới hạn của chính sách sẽ thực hiện gọn trong 2 năm, có nghĩa phạm vi chính sách, các nguồn lực của chính sách chỉ giới hạn thực hiện trong 2 năm, vì thế mục tiêu là để hỗ trợ cho phục hồi kinh tế sau đại dịch thì hoạt động nào bị ảnh hưởng của đại dịch, làm đứt gãy, đình trệ hoặc là những nút thắt cần phục hồi thì mới dùng gói này để hỗ trợ, không hỗ trợ dàn trải, tránh nguy cơ trùng lặp như gói hỗ trợ giai đoạn trước đây dẫn tới tình trạng trục lợi chính sách, hỗ trợ không đúng đối tượng", ông Cường nói.

Nhìn vào danh mục đầu tư tại Dự thảo Đề án, đại biểu Hoàng Văn Cường đánh giá, nhiều dự án có lẽ không liên quan đến phòng chống dịch phục hồi kinh tế, nhiều dự án kiểu "té nước theo mưa".

Như vậy sẽ dẫn đến tình trạng phân tán nguồn lực trong bối cảnh chúng ta đang rất yếu. Trong khi đó, nhiều hoạt động cần hỗ trợ để kích cầu thì ưu tiên nguồn lực chưa thỏa đáng.

Đơn cử như trong 176.000 tỷ đồng, có tới 103.000 tỷ dành cho hạ tầng giao thông, trong khi đó nhiều dự án đầu tư cho hạ tầng giao thông không phải là những dự án bị đình trệ do dịch bệnh, nhiều dự án trong đó đã được phân bổ trước, có dự án chưa được phân bổ nhưng do có gói hỗ trợ này nên đưa vào. Chưa kể đây cũng không phải là những dự án then chốt để tháo những nút thắt cho nền kinh tế.

Gói hỗ trợ lãi suất 40.000 tỷ đồng: "Hơi tham vọng, tránh lúng túng"

Khẳng định, tác động mạnh nhất trong gói phục hồi kinh tế được Chính phủ trình Quốc hội chính là hỗ trợ lãi suất, bởi theo đại biểu Hoàng Văn Cường ngân sách bỏ ra 40.000 tỷ nhưng dự kiến sẽ tác động đến 2 triệu tỷ, nghĩa là các doanh nghiệp, nền kinh tế được hưởng lợi từ 2 triệu tỷ.

Tuy nhiên theo quan điểm của ông Cường, vấn đề này 'hơi tham vọng' bởi chỉ đưa ra mức hỗ trợ lãi suất 2%, trong bối cảnh hiện nay, đã nhìn thấy tình trạng nợ xấu có nguy cơ gia tăng, nên dù nói cách nào cũng không thể ép các ngân hàng giảm lãi suất quá thấp, vì ngoài đảm bảo mục tiêu kinh doanh, họ vẫn phải duy trì một tỷ lệ nhất định để trích lập cho dự phòng rủi ro, nợ xấu gia tăng.

Gần 350.000 tỷ phục hồi kinh tế: Không quá lớn, cần tính lại chính sách hỗ trợ lãi suất - Ảnh 3.

Đại biểu Hoàng Văn Cường cho rằng tác động mạnh nhất trong gói phục hồi kinh tế là hỗ trợ lãi suất. (Ảnh: D/V)

Cũng theo vị này, với mức hỗ trợ 2% thì doanh nghiệp tiếp tục phải đi vay và phải trả với mức lãi suất sau khi hỗ trợ mức 6-7%/năm, mức này rất khó khả thi với nhiều lĩnh vực đang rất yếu đó là du lịch và giao thông, phải đầu tư để duy trì, để phục hồi nhưng chưa biết khi nào mới thu hồi được vốn.

"Theo đó, cần tính lại chính sách hỗ trợ lãi suất, mức lãi suất để doanh nghiệp tiếp cận chỉ quay quanh khoảng 4-5%, tương đương với mức tỷ lệ lạm phát mà mục tiêu đang đặt ra. Như vậy doanh nghiệp vay vốn về nếu hoạt động không hiệu quả chỉ phải trả phần tương đương với mức độ lạm phát, như vậy cần nâng mức hỗ trợ lên khoảng 4%, nếu được thì với 40.000 tỷ, khả năng sẽ giúp doanh nghiệp tiếp cận được 1 triệu tỷ. Đấy sẽ là nguồn lực tác động mạnh nhất đến nền kinh tế", ông Cường nói.

Còn theo TS.Cấn Văn Lực mức hỗ trợ lãi suất 2% thì mỗi năm sẽ có khoảng 1 triệu tỷ tín dụng hỗ trợ, 2 năm là 2 triệu tỷ. Đây là một mức tương đối lớn, có tính lan tỏa rộng.

Tuy nhiên, với độ lan tỏa rộng như vậy thì vấn đề quan trọng là Chính phủ phải cân nhắc, tính toán, xác định kỹ hơn về đối tượng được hỗ trợ. Hiện dự thảo cũng đã đề xuất một số đối tượng nằm trong diện hỗ trợ của gói này, nhưng vẫn cần tiêu chí cụ thể hơn, quy trình rõ ràng hơn để các tổ chức tín dụng căn cứ vào đó triển khai thực hiện nhanh, hiệu quả, không bị lúng túng. Quan trọng hơn là không rơi vào tình trạng hỗ trợ tràn lan như hồi năm 2009.

Gần 350.000 tỷ phục hồi kinh tế: Không quá lớn, cần tính lại chính sách hỗ trợ lãi suất - Ảnh 4.

Cần tiêu chí cụ thể hơn, quy trình rõ ràng hơn để các tổ chức tín dụng căn cứ vào đó triển khai thực hiện nhanh gói hỗ trợ lãi suất, không bị lúng túng. (Ảnh: LT)

Đồng tình, đại biểu Trần Hoàng Ngân (TP.HCM) cho rằng, cần làm rõ số tiền hỗ trợ lãi suất 2% trong 2 năm dự kiến 40.000 tỷ đồng, tương đương với dư nợ vay khoảng 1 triệu tỷ đồng thì ngành nào được ưu tiên.

Đề án của Chính phủ có đưa ra các ngành được hỗ trợ 2% như hàng không, vận tải, du lịch, dịch vụ, công nghệ thông tin... nhưng chưa đưa ra được tỷ trọng hỗ trợ đối với từng ngành. Vì vậy, cần phải tính toán kỹ, đầy đủ để hướng dẫn các ngân hàng thương mại khi triển khai không thiên lệch, đảm bảo tính đồng bộ giữa các ngành với nhau.

"Tôi đặc biệt quan tâm đến ngành nông nghiệp, nhất là nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sản phẩm chất lượng cao. Vừa qua, hàng hóa, nông sản Việt Nam bị ách tắc tại các cửa khẩu, đặc biệt cửa khẩu với Trung Quốc, dẫn đến phải quan tâm đến chính sách giải cứu nông sản. Cần nghiên cứu chính sách hỗ trợ lãi suất để đảm bảo tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng hiện đại để đảm bảo sản xuất chính ngạch. Ngành nông nghiệp cần thiết phải nhận được tỷ trọng ưu đãi lãi suất cao nhất trong nhóm các ngành được hỗ trợ." Đại biểu Trần Hoàng Ngân thông tin thêm.