Năm 2021, hàng loạt chương trình mang thương hiệu của các sân khấu kịch miền Nam đều bị ngừng trệ do dịch Covid-19. Có thể kể tới "Ngày xửa ngày xưa" của Idecaf, "Làn điệu phương Nam" và "Cầu vồng tuổi thơ" của Trung tâm Tổ chức Biểu diễn và Điện ảnh Thành phố Hồ Chí Minh; chương trình nghệ thuật "Huyền thoại Ba Tư", "Mê Kông show" của Nhà hát nghệ thuật Phương Nam; chương trình giới thiệu hát bội cuối tuần tại Thảo Cầm Viên của Nhà hát Nghệ thuật Hát bội Thành phố Hồ Chí Minh.
Ngoài ra, còn có thể kể tới chuyên đề "Ba thế hệ về lại cội nguồn" của Nghệ sỹ Ưu tú Kim Tử Long; dòng kịch văn học của Sân khấu kịch Hồng Vân; sân khấu tuồng cổ với dòng tuồng lịch sử của Đoàn nghệ thuật tuồng cổ Huỳnh Long…
Diễn biến dịch bệnh căng thẳng kéo theo việc giãn cách xã hội dài ngày đã khiến sân khấu kịch khó chồng thêm khó. Để được lên sàn, mỗi vở diễn có chi phí đầu tư từ 100-200 triệu đồng, chính vì vậy, các sân khấu kịch tại TPHCM gặp thiệt hại không nhỏ khi nhiều đơn vị đã dựng vở xong xuôi nhưng không thể mở cửa đón khách.
Chia sẻ với PV Dân Việt, nghệ sĩ Trịnh Kim Chi – Phó Chủ tịch Hội Sân khấu TP.HCM cho biết: "Nhiều sân khấu kịch tê liệt trong năm 2021 vì dịch bệnh. Trước đó, chúng tôi tuy gặp những khó khăn nhưng vẫn có khán giả, vẫn có thể cố gắng duy trì và theo đuổi đam mê. Nhưng giờ đây, sau 2 năm dịch Covid-19 diễn ra, tôi rất lo cho tương lai của nghệ thuật sân khấu. Việc giãn cách xã hội lâu ngày phần nào khiến thói quen đi xem kịch của công chúng càng bị… tiêu diệt. Các nghệ sĩ cũng đang chuyển nghề sang bán hàng online, có người phải chạy xe để kiếm sống. Các nghệ sĩ hậu đài thậm chí còn khó khăn hơn".
Trong khi đó, nghệ sĩ Chí Trung – Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ cho biết, các đoàn kịch nói miền Bắc phần nào bớt áp lực bởi có những đơn đặt hàng đều đặn mỗi năm từ phía các đơn vị chủ quản: "Hai năm Covid-19, sân khấu đương nhiên vô cùng ảnh hưởng. Tuy vậy, chúng tôi may mắn là nhà hát TW, có đồng lương cơ bản. So với sân khấu trong Nam, các anh chị ấy khó khăn hơn gấp bội phần.
Nhưng nói đi cũng phải nói lại, nhìn nhận một cách thực tế thì sân khấu chúng tôi đang không theo kịp được sự phát triển của thời đại. Chúng tôi vẫn như thế, trong khi toàn bộ các tầng/bậc khác của lĩnh vực giải trí đã thay đổi. Vẫn sân khấu ấy, vẫn cách diễn đấy, chúng ta không phát triển lên và chẳng có gì bất ngờ khi bị người xem bỏ lại".
Trong một cuộc chia sẻ, NSƯT Xuân Bắc, Giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam cũng nhận định rằng: "Nền nghệ thuật sân khấu đã đi qua giai đoạn hoàng kim và đang đứng trước muôn vàn khó khăn thử thách. Sức cạnh tranh của các loại hình giải trí hiện đại khiến sân khấu không còn sức hút như giai đoạn trước, dù những người làm sân khấu nghĩ đủ phương thức để kéo khán giả tới rạp".
Năm 2021, Tuần lễ kỷ niệm 100 năm sân khấu kịch nói Việt Nam (1921-2021) đã được Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam phối hợp với Bộ Văn hoá - Thể thao và Du lịch tổ chức. Sự kiện công chiếu lại nhiều vở kịch nổi tiếng, cũng như tổ chức Hội thảo "100 năm hình thành và phát triển nghệ thuật sân khấu kịch Việt Nam – Những vấn đề đặt ra, định hướng và phát triển", trong đó đặt ra nhiều vấn đề nhằm thay đổi bộ mặt của sân khấu kịch.
Ngày 3/1, Liên hoan Kịch nói toàn quốc 2021 do Cục Nghệ thuật biểu diễn chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức cũng được khai mạc tại TP Hồ Chí Minh và kéo dài đến ngày 17/1. Tham dự Liên hoan có 20 đơn vị sân khấu với 26 vở diễn và gần 800 nghệ sĩ, diễn viên tham gia. Các đơn vị, diễn viên và nghệ sĩ đã nỗ lực vượt qua khó khăn trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, để mang đến Liên hoan những chương trình nghệ thuật đặc sắc.
Ngay khi dịch được kiểm soát, nhiều đơn vị nghệ thuật biểu diễn đã khẩn trương lên kế hoạch dàn dựng vở mới. Hàng chục vở diễn đang được tích cực chuẩn bị sẵn sàng phục vụ khán giả dịp Giáng sinh và chào đón năm mới… Nghệ sĩ Trịnh Kim Chi chia sẻ, chị đang ấp ủ đề xuất xây dựng một sân khấu chung để các đơn vị xã hội hóa cùng sử dụng, giảm bớt gánh nặng về chi phí nhà rạp cho nghệ sĩ.
Bàn về tương lai của sân khấu, nghệ sĩ Trần Lực cũng cho rằng, cốt lõi vẫn là tạo ra những sản phẩm hay: "Khán giả không bao giờ bỏ sân khấu cả, bởi nghệ thuật sân khấu có sức hấp dẫn riêng biệt mà không loại hình nào khác có thể thay thế được. Đó là tính ước lệ cao, đó là những vấn đề xã hội được truyền tải mạnh mẽ, trực tiếp. Khán giả vào xem sẽ luôn cảm nhận được những vẻ đẹp riêng biệt đó. Trong thời đại công nghệ phát triển, chúng ta phải cạnh tranh bằng cách mang lại những thứ có giá trị, như vậy, khán giả sẽ quay lại rạp".