Chạy theo kịch ma quỷ, kịch đồng tính… là sân khấu kịch TP.HCM đang tự giết chính mình?

Thanh Hiệp Thứ ba, ngày 26/10/2021 13:00 PM (GMT+7)
Nhân kỷ niệm 100 năm sân khấu kịch nói Việt Nam, đạo diễn Thanh Hiệp – Trưởng Ban Lý luận phê bình Hội Sân khấu TP.HCM đã chia sẻ những nhận định và đánh giá về thực trạng sân khấu kịch nói ở phía Nam hiện nay với Dân Việt.
Bình luận 0

Sân khấu nhỏ và những gam màu tươi sáng

Nhìn lại thành quả đạt được của sân khấu kịch nói thời gian qua, tôi cảm thấy tự hào khi thấy sự chuyển mình mạnh mẽ của sân khấu cải lương (vốn ở thế độc quyền trước năm 1975) sang sân khấu kịch. Đặc biệt hơn cả là sự ra đời của mô hình sân khấu xã hội hóa TP HCM, nơi tư nhân bỏ tiền túi để đầu tư và mang về các tác phẩm kịch nói được nhiều thế hệ khán giả yêu thích.

Sân khấu kịch nói TP.HCM phải thay đổi như thế nào để sống sót? - Ảnh 1.

Từ trái qua phải: Đạo diễn Thanh Hiệp, NSND Trần Minh Ngọc, NSND Kim Cương và NSƯT Thành Lộc.

Có thể nói, sự phát triển của sân khấu xã hội hóa ngoài công lập ở TP.HCM là sự công nhận chính thức phong trào sân khấu tự phát. Ngay từ khi thành lập, mô hình này đã nhận được sự định hướng về mặt tư tưởng, hình thức thể hiện, nội dung mang tính nhân văn và hoạt động theo cơ chế thị trường để từng bước thu hút khán giả. Từ "cái nôi" đầu đời là CLB Sân khấu thể nghiệm (còn gọi là sân khấu nhỏ 5B), đến năm 1997 phát triển thành Nhà hát Kịch sân khấu nhỏ TP.HCM.

Sân khấu vẫn có một "ma lực" thu hút khán giả. Điển hình là các vở diễn mới, cũng như các vở diễn dàn dựng lại vẫn thu hút khán giả. Không chỉ khán giả lớn tuổi mà ngay cả khán giả trẻ tuổi cũng hưởng ứng rất nhiệt tình.

Đặc biệt, số lượng thí sinh đăng ký học ngành diễn viên và đạo diễn sân khấu tại Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh, Đại học Văn hóa, Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật TP.HCM, Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật và Du lịch Sài Gòn… Cũng như khóa học ngắn hạn tại các sân khấu vẫn được các bạn trẻ nhiều ngành nghề và độ tuổi ghi danh. Sự tăng trưởng này cũng là một tin đáng mừng cho ngành sân khấu. 

Hơn nữa, Sân khấu nhỏ 5B đã trình làng CLB Diễn viên trẻ do NSƯT Việt Anh phụ trách, quy tụ 80 diễn viên, sinh viên, đạo diễn trẻ xuất thân từ các trường nghệ thuật. Hoạt động chính của CLB là tập huấn cho các tác giả trẻ viết kịch bản, đạo diễn dàn dựng vở trong không gian nhỏ với dàn diễn viên trẻ làm chủ lực. 

Từ chiếc nôi của "5B", hình thành những tên tuổi được xem là thế hệ vàng của sân khấu kịch nói TP.HCM trưởng thành sau ngày đất nước thống nhất như: Thành Lộc, Việt Anh, Thành Hội, Hữu Châu, Hồng Vân, Thanh Thủy, Ái Như, Công Ninh, Minh Nhí, Minh Hải, Phú Hải, Trần Cảnh Đôn, Kim Loan, Phương Linh, Quốc Thảo, Minh Ngọc, Minh Phượng, Minh Hoàng, Thanh Hoàng…

Để sau đó phát triển thành thành các đơn vị nhỏ để biểu diễn, rồi thành lập các công ty biểu diễn nghệ thuật độc lập như: Sân khấu Idécaf, Sân khấu kịch Phú Nhuận, Sân khấu Hoàng Thái Thanh, Sân khấu Minh Nhí, Sân khấu Quốc Thảo, Sân khấu Thế giới trẻ, Sân khấu Nụ cười mới, Sân khấu Trịnh Kim Chi, Sân khấu Hồng Hạc…

Và sau đó phát triển thêm mô hình Kịch Cà phê, với hàng chục điểm đến dành cho khán giả thích mô hình diễn xuất trong một không gian nhỏ, ấm áp, có sự tương tác gần hơn với khán giả. Kịch Cà phê Bệt, Kịch Cà phê Đời, Kịch Cầu vồng, CLB Sân khấu Lạc Long Quân… ra đời cũng từ cột mốc này.

Sân khấu kịch nói TP.HCM phải thay đổi như thế nào để sống sót? - Ảnh 2.

Sân khấu kịch nói TP.HCM từng có những dấu mốc vàng son khi vở nào cũng kín khán giả. Ảnh: TL.

Họ đã cống hiến nghệ thuật của mình với nhiều vai trò: đạo diễn, tác giả, diễn viên…và trong số đó có nhiều nghệ sĩ được Nhà nước trao tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân, Nghệ sĩ Ưu tú như: NSND Hồng Vân, NSND Trần Ngọc Giàu, NSND Kim Xuân, NSƯT Thành Lộc, NSƯT Hữu Châu, NSƯT Mỹ Duyên, NSƯT Việt Anh, NSƯT Mỹ Uyên, NSƯT Công Ninh, NSƯT Trịnh Kim Chi, Thành Hội, Thanh Hoàng,… Cái được của sân khấu kịch nói TP.HCM chính là sự đổi mới góc nhìn tác phẩm qua hình thức dàn dựng của đạo diễn.

Sự chuyển mình đã tạo ra một thời "vàng son"

Chính CLB sân khấu thể nghiệm đã ươm mầm để qua từng tác phẩm, nhất là sau Liên hoan Sân khấu nhỏ TP.HCM năm 1989, cách đánh giá nội dung theo nhiều chuẩn mực mới, tiêu chí nghệ thuật mới kể cả thái độ đến với đơn vị phúc khảo của các thành viên Hội đồng Nghệ thuật sân khấu.

Hội đồng Nghệ thuật sân khấu do Sở VHTT TP.HCM thành lập đã xoá bỏ cái nhìn "ban ơn" mỗi khi duyệt vở và làm tốt trách nhiệm "bà đỡ" giúp các tác phẩm còn non yếu về mặt tư tưởng, hình thức dàn dựng, diễn xuất hoặc cả công tác biên kịch thành hình hài của một vở kịch hoàn chỉnh hơn. Song song đó, Hội Sân khấu TP.HCM đã mở nhiều lớp bồi dưỡng các tác giả trẻ, các trại sáng tác kịch, các cuộc thi, giải thưởng dành nghệ sĩ sân khấu kịch nói.

Phối hợp trong chấm giải các hội diễn sân khấu chuyên nghiệp... và dấu ấn đẹp nhất là Liên hoan sân khấu xã hội hóa năm 1995 tại TP.HCM, khi ban giám khảo cùng ngồi xem kịch với khán giả, đặt mình vào vị trí của khán giả để phân định cao thấp của việc tranh tài giữa các đơn vị.

Sân khấu kịch nói TP.HCM phải thay đổi như thế nào để sống sót? - Ảnh 3.

Nhiều vở diễn đã trở thành "hiện tượng" của sân khấu ở TP.HCM. Ảnh: TL.

Khi kết hợp với Hội Sân khấu TP.HCM, các sân khấu tư nhân cũng đã xây dựng được một số tác phẩm tiêu biểu như: Bí mật vườn Lệ Chi, Mẹ và Người tình, Vua Thánh triều Lê, Ngàn năm tình sử, Nỏ thần, Chiếc áo thiên nga, Cánh đồng bất tận, Nửa đời ngơ ngác, Trò chơi tham vọng, Dấu xưa, Rặng trâm bầu….

Điều đáng mừng hơn chính là công tác lý luận phê bình sân khấu kịch đã được vực dậy, tích cực thúc đẩy sân khấu xã hội hóa phát triển. Chính tính chất năng động, sự nhanh nhạy trong giới thiệu, đánh giá tác phẩm của người làm công tác lý luận phê bình và báo chí thời đại 4.0 đã động viên và thúc đẩy những nỗ lực phát triển sân khấu, đồng thời làm tốt việc hướng dẫn dư luận. Qua đó, góp phần phản ánh kịp thời đời sống sân khấu, cung cấp thông tin về thị hiếu người xem để người làm sân khấu bắt nắm thị hiếu của công chúng. 

Sân khấu kịch nói TP.HCM sẽ chết nếu không thay đổi tư duy

Mặt chưa làm được khiến sàn diễn kịch nói rơi vào bế tắc, đó chính là sân khấu rời xa đời sống đương đại. Nguồn kịch bản khan hiếm dần các đề tài mà người dân quan tâm. Những câu chuyện cứ được kể từ hào quang cũ, từ sự "an toàn" khi ngại bị kiểm duyệt, dẫn đến việc chạy theo thị hiếu khi xuất hiện kịch ma, kịch quỷ, kịch đồng tính…

Sân khấu kịch nói TP.HCM phải thay đổi như thế nào để sống sót? - Ảnh 4.

Đạo diễn Thanh Hiệp cùng các thành viên của Hội Sân khấu TP.HCM. Ảnh: TH.

Chính vì lạm dụng và thiếu kiểm soát, một thời gian dài nhiều sàn diễn kịch xã hội hóa rơi rụng. Bên cạnh đó, trên đà phát triển sân khấu kịch TP.HCM đã thiếu chiến lược đầu tư nền tảng, đó là thiếu sự đào tạo đối với công tác quản lý, tức ông bà bầu của sân khấu kịch.

Lỗ hỏng này dẫn đến việc làm "bầu" tự phát, hên xui, thua lỗ thì đóng cửa, không đánh giá đúng phân khúc thị trường, công tác nhận diện và quan hệ công chúng, chiến lược đầu tư phong cách theo từng khu vực…

Lỗ hỏng này dẫn đến sự mai một trong cách hoạt động, khiến sân khấu xã hội hóa một thời bung ra 12 đơn vị, rồi rút lại còn 5 đơn vị như hiện nay: Nhà hát kịch Sân khấu nhỏ TP.HCM, sân khấu Idécaf, sân khấu Hồng Vân, sân khấu Hoàng Thái Thanh, sân khấu Thế giới trẻ.

Hai sân khấu Minh Nhí, Quốc Thảo, Trịnh Kim Chi gần như ngưng hoạt động, chỉ nhận đào tạo học viên và làm vở cho học viên biểu diễn. Kế đến là nguồn kịch bản đã không bám sát vấn đề người dân quan tâm, không cập nhật vấn đề thời sự. Khán giả không nhận được sự đối thoại, phản biện khi xem vở. Nói tóm lại, các vở kịch mới cứ ra đời nhưng tuổi thọ không cao, vì ngày càng xa rời điều công chúng cần chia sẻ, thấu hiểu.

Khi giá trị giải trí được xem trọng, bằng mọi cách để thỏa mãn thị hiếu cho một bộ phận người xem, sân khấu kịch đã buông bỏ mặt trận tư tưởng cần thiết làm nên thương hiệu của mình. 

Phải dung hòa giữa giải trí và nghệ thuật đạt chất lượng thẩm mỹ, tư duy thì sàn diễn kịch mới có thể tìm lại sức sống. Nhất là sau những đợt giãn cách xã hội, người xem vẫn còn dè dặt đến với sân khấu, nếu không cải tiến thì sân khấu kịch sẽ chết ngay sau lễ vinh danh 100 năm tồn tại.

Bởi, nói theo NSND Trần Minh Ngọc, sân khấu kịch TP.HCM sống được nhờ bán vé chứ không phải phát vé mời, mà nếu không ý thức việc chuyển đổi tư duy từ kịch bản, đến hình thức thì sân khấu kịch nói tại TP.HCM sẽ chết.

Điều quan trọng hơn chính là các cơ quan có trách nhiệm cần hỗ trợ và ban hành các chính sách mang tính đặc thù để giúp ngay sân khấu kịch xã hội hóa TP.HCM vượt qua giai đoạn khó khăn này.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem