Sau 2 tuần TP.HCM thí điểm học trực tiếp khối lớp 9 và 12, từ 4/1, tiếp tục các khối lớp 7, 8, 10, 11 đến trường, các khối còn lại vẫn ở nhà học trực tuyến. Nhiều phụ huynh tỏ ra lo lắng khi con vẫn chưa đến trường, sợ con hổng kiến thức, sợ con "vùi đầu" vào điện thoại, tivi... nhưng cũng rất nhiều người không đồng thuận.
Anh Phong Hà có con đang học lớp 3 tại Trường Tiểu học Hồng Hà (quận Bình Thạnh) cho biết, anh rất mong cho con trở lại trường vì ở nhà quá lâu không tiếp xúc với thầy cô, bạn bè con cũng sẽ ít nhiều ảnh hưởng đến tâm lý, hơn nữa học trực tiếp sẽ tốt và hiệu quả hơn học trực tuyến.
Tuy nhiên, khi dịch bệnh vẫn phức tạp, nhất là khi xuất hiện biến chủng mới Omicron, anh Phong tỏ ra lo lắng và dè chừng với việc cho con đến trường vì con chưa được tiêm vaccine Covid-19.
Chị Ngọc Nga (quận Tân Phú) có hai con học lớp 3 và lớp 6 cũng đang mong từng ngày để các con chị được trở lại trường hợp trực tiếp. "Bọn trẻ cũng có nhu cầu giao tiếp, sinh hoạt, vui chơi... cùng với bạn bè giống người lớn, các con cũng ước ao được đến trường để gặp bạn bè, thầy cô. Hai con của tôi thường xuyên hỏi mẹ khi nào con được đi học lại? Các con đã ở yên trong nhà hơn 7 tháng rồi. Cần phải cho các con đến trường", chị Nga nói.
Không đồng ý cho học sinh bậc tiểu học, mầm non đến trường trong thời gian tới, chị Kim Thu (ngụ quận 4) chia sẻ có phần gay gắt: "Liệu có giữ được sức khỏe cho các con không, chưa tiêm vaccine mà cứ vội vàng làm gì? Đừng vì khó khăn phải quản lý trẻ chưa tiêm vaccine mà đẩy trách nhiệm cho nhà trường, hậu quả khôn lường".
Qua 2 lần khảo sát ý kiến, tỷ lệ phụ huynh có con học tiểu học, mầm non đồng thuận cho trẻ đến trường vẫn ở mức rất thấp.
Theo các chuyên gia dịch tễ, lo ngại dịch bệnh vẫn phức tạp là lý do chính đáng của đa số phụ huynh. Tuy nhiên, việc không cho trẻ đến trường gây nhiều hệ lụy đến sự phát triển về tâm lý của trẻ.
Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh, khoa Nhiễm Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM, trẻ càng nhỏ càng nên cho đi học, vì trong 6 năm đầu đời của trẻ, việc trẻ cảm nhận chơi với trẻ trong học đường rất quan trọng. "Trong 4 bức tường thì trẻ không học được cảm xúc, điều đó rất nguy hiểm, gần như ảnh hưởng cả 1 thế hệ", bác sĩ Khanh nói.
Bác sĩ Khanh cho biết, nếu phụ huynh cho rằng đi học không an toàn bằng ở nhà thì cũng chưa chắc đúng. Đến trường, nếu trẻ ngồi đúng quy định, chơi theo nhóm khoảng 5 trẻ rồi về nhà thì đảm bảo an toàn, hơn là ở nhà trẻ đi siêu thị, chạy chơi hàng xóm. "Thực tế đi học an toàn hơn ở nhà", bác sĩ Khanh nhận định.
Bác sĩ Đỗ Châu Việt, Trưởng đơn vị Covid-19 Bệnh viện Nhi đồng 2 TP.HCM cho biết, trẻ mắc Covid-19 chủ yếu ở thể nhẹ hoặc không có triệu chứng, chỉ đáng lo ngại ở những trẻ béo phì và có bệnh nền. Vì thế, cần quan tâm tiêm vaccine cho nhóm trẻ này.
Để trẻ đến trường an toàn, theo các chuyên gia, bên cạnh sự kiểm soát của nhà trường còn cần thêm sự giáo dục của phụ huynh học sinh trong việc nâng cao ý thức phòng chống dịch của bản thân và tại nơi công cộng.
Theo bác sĩ Việt, trẻ em khó kiểm soát hơn người lớn nên cần giáo dục 5K như người lớn. Đối với giáo viên, cần quan tâm kiểm soát trẻ tại trường. "Chúng tôi ghi nhận thời điểm lây nhiễm nhiều nhất là thời điểm ngủ chung hoặc ăn uống chung, nên cần giãn cách trong thời gian đó để giảm bớt khả năng lây nhiễm", BS Việt khuyến cáo.
Sở GD-ĐT TP.HCM đã có tờ trình Thường trực UBND TP.HCM đề xuất cho trẻ mầm non đến trường trên tinh thần tự nguyện của phụ huynh từ tháng 2/2022.
Trước khi trẻ đến trường, giáo viên, nhân viên các trường mầm non sẽ tham gia lớp tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn. Trường học sẽ vệ sinh khử khuẩn, đảm bảo điều kiện cơ sở vật chất đón trẻ.
Trong thời gian trẻ chưa đi học, nhà trường phối hợp với phụ huynh nắm bắt tình hình sức khoẻ, chia sẻ các kỹ năng, kiến thức giáo dục trẻ.
Từ đầu năm học đến nay, trẻ mầm non tại TP.HCM chưa đến trường và tham gia bất kỳ hoạt động học tập nào bởi ảnh hưởng của dịch Covid-19.