Thanh tra Chính phủ (TTCP) cho biết, trong năm 2021, toàn ngành đã triển khai 6.540 cuộc thanh tra hành chính và 148.149 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành. Qua thanh tra phát hiện vi phạm về kinh tế 50.514 tỷ đồng, 9.258 ha đất; trong đó kiến nghị thu hồi 14.235 tỷ đồng và 811 ha đất; xuất toán, loại khỏi giá trị quyết toán do chưa thực hiện đúng quy định và đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét xử lý 36.279 tỷ đồng, 8.447 ha đất.
Cùng với đó, các cơ quan thanh tra đã kiến nghị xem xét, xử lý hành chính 2.286 tập thể và 6.132 cá nhân; chuyển cơ quan điều tra tiếp tục xử lý 326 vụ, 254 đối tượng.
Riêng TTCP đã kiểm tra, đôn đốc 58 kết luận thanh tra, đã thu hồi về ngân sách Nhà nước 3.398 tỷ đồng, 608 ha đất và xử lý khác về kinh tế 236 tỷ đồng; căn cứ vào các kết luận, kiến nghị của Thanh tra Chính phủ các đơn vị đã thực hiện việc kiểm điểm, xử lý hành chính đối với 483 tập thể, 1.192 cá nhân có liên quan; tiến hành khởi tố 8 vụ, 60 đối tượng…
Vẫn theo TTCP, trong năm qua, cơ quan hành chính nhà nước các cấp đã giải quyết 17.829 vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền, đạt tỷ lệ 80,4%. Trong đó, TTCP đã kiểm tra, rà soát và kết luận, báo cáo Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo xử lý 26 vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp.
Qua giải quyết khiếu nại, tố cáo, các cơ quan chức năng đã kiến nghị thu hồi 167,2 tỷ đồng; 159,8 ha đất; trả lại cho tổ chức, cá nhân 109,6 tỷ đồng, 15,9 ha đất; khôi phục, đảm bảo quyền lợi cho 57 tổ chức, 1.462 cá nhân; đồng thời, kiến nghị xử lý 520 người (trong đó có 449 cán bộ, công chức); chuyển cơ quan điều tra tiếp tục xử lý 24 vụ, 51 đối tượng (có 17 cán bộ, công chức).
Trong công tác phát hiện và xử lý hành vi tham nhũng, qua hoạt động kiểm tra nội bộ phát hiện 15 vụ, 25 người; qua hoạt động thanh tra, kiểm tra đã phát hiện 20 vụ, 39 người; qua giải quyết khiếu nại, tố cáo phát hiện 16 vụ, 19 người liên quan đến tham nhũng; xử lý 26 người đứng đầu bị kết luận là thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng; kỷ luật 1 người do kê khai tài sản, thu nhập không trung thực.
TTCP cho biết, một trong những nhiệm vụ trọng tâm năm 2022, cơ quan này sẽ tăng cường thanh tra công tác quản lý nhà nước trên các lĩnh vực quan trọng của các ngành, các cấp và thanh tra việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao của cơ quan, tổ chức, đơn vị, nhất là các ngành, lĩnh vực, địa phương có dấu hiệu vi phạm, dư luận xã hội phản ánh tiêu cực, tham nhũng, phát sinh nhiều đơn thư khiếu nại, tố cáo. Hoạt động thanh tra chuyên ngành tập trung vào những nội dung, vấn đề gây bức xúc trong đời sống xã hội, các vi phạm pháp luật và chấn chỉnh hoạt động của các tổ chức, cá nhân trong việc chấp hành, thực thi pháp luật chuyên ngành.
Ngoài việc sẽ triển khai 3 cuộc thanh tra việc mua sắm trang thiết bị y tế, sinh phẩm, kit xét nghiệm phục vụ phòng, chống dịch Covid-19 tại Bộ Y tế và UBND thành phố Hà Nội, UBND TP.HCM vào quý I/2022, TTCP cũng sẽ ban hành văn bản hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương xây dựng kế hoạch thanh tra năm 2022, trong đó có nội dung thanh tra việc quản lý, sử dụng nguồn kinh phí hỗ trợ, việc mua sắm trang thiết bị y tế phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19.
Trong những năm gần đây, TTCP đã thực hiện nhiều cuộc thanh tra chuyên đề về việc chuyển đổi nhà đất công có vị trí đắc địa sang mục đích khác tại Hà Nội, Khánh Hòa, Đà Nẵng, TPHCM; thanh tra việc quản lý, sử dụng đất đai, tập trung việc chuyển đổi sử dụng đất từ đất quốc phòng, an ninh sang mục đích khác... Kết quả đã phát hiện nhiều sai phạm về kinh tế với số tiền lên tới hàng chục ngàn tỷ đồng.
Cùng với kết quả hoạt động thanh tra, các cơ quan tố tụng đã vào cuộc và làm rõ nhiều "đại án" có liên quan. Điển hình, như vụ thâu tóm khu "đất vàng" 8-12 Lê Duẩn, quận 1, TP.HCM (liên quan sai phạm, cựu Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Tài bị tuyên phạt 8 năm tù về tội "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát lãng phí"); khu đất 2-4-6 Hai Bà Trưng, quận 1, TP.HCM (cựu Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng bị tuyên phạt 11 năm tù); hay các phi vụ thâu tóm đất công có vị trí đắc địa liên quan Vũ "Nhôm".
Trong năm 2021, Công an tỉnh Khánh Hòa đã khởi tố, bắt tạm giam nhiều người là lãnh đạo, nguyên lãnh đạo tỉnh này, như ông Nguyễn Chiến Thắng, Lê Đức Vinh, cùng nguyên Chủ tịch UBND tỉnh, Đào Công Thiên, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh…, để điều tra về hành vi "bán rẻ" đất vàng cho doanh nghiệp tư nhân.
Tổng TTCP cũng đã phân công các đơn vị chức năng tham mưu thành lập 4 đoàn công tác liên ngành do cơ quan này chủ trì nhằm tiến hành kiểm tra tình hình giải quyết, khắc phục tồn tại theo kết luận thanh tra của TTCP tại 4 tỉnh, thành phố, gồm: Hà Nội, Đà Nẵng, Khánh Hòa và TP.HCM.
Đến nay, TTCP đã ban hành quyết định thành lập 2 đoàn công tác liên ngành để thực hiện việc kiểm tra tại Khánh Hòa và Đà Nẵng. Còn lại đang trong quá trình phối hợp, đề nghị cử cán bộ tham gia đoàn và nghiên cứu hồ sơ, tài liệu, trao đổi nội dung liên quan.
Dự kiến, các đoàn công tác sẽ triển khai thực hiện nhiệm vụ trong tháng 1/2022.