Dân Việt

Hà Nội lo ngại trước nguy cơ 4.000-5.000 ca mắc Covid-19 mỗi ngày

Gia Khiêm 06/01/2022 10:37 GMT+7
Theo chuyên gia y tế và Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đức Giang, nếu mỗi ngày Hà Nội ghi nhận trên 5.000 ca mắc Covid-19 sẽ gây quá tải hệ thống y tế.

"Hà Nội phải thực hiện các phương án phòng bệnh quyết liệt hơn để giảm số ca mắc"

Nhiều ngày qua, Hà Nội liên tiếp ghi nhận số ca mắc Covid-19 đứng đầu cả nước, có ngày ghi nhận trên 2.500 ca nhiễm. Trước thực trạng này, nhiều người lo ngại ca mắc từ nay tới Tết Nguyên đán tại Hà Nội có thể đạt ngưỡng 4.000-5.000 trong ngày. Vậy Hà Nội cần chuẩn bị tốt những phương án gì để kiểm soát dịch bệnh trong giai đoạn này?

Kịch bản nào khi Hà Nội ghi nhận 4000-5000 ca mắc mỗi ngày? - Ảnh 1.

Biệt đội "ATM Oxy" hỗ trợ F0 điều trị tại nhà tại phường Lĩnh Nam, quận Hoàng Mai, Hà Nội. Ảnh: Gia Khiêm

Trao đổi với PV Dân Việt về vấn đề này, PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho rằng, Hà Nội vẫn tăng cường kiểm soát các tiêu chí như số ca mắc nặng, ca nhập viện, số lượng tiêm chủng vaccine, đặc biệt hệ thống y tế trong đó có hệ thống y tế cơ sở phải tư vấn, điều trị, theo dõi kịp thời. Từ đó, phân tầng thật tốt các trường hợp F0 để không gây quá tải hệ thống y tế cũng như giảm số ca tử vong. 

Kịch bản nào khi Hà Nội ghi nhận 4000-5000 ca mắc mỗi ngày? - Ảnh 2.

Bác sĩ Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương điều trị cho F0 nặng. Ảnh: BVCC

"Điều mấu chốt là phải thực hiện các phương án phòng bệnh quyết liệt hơn. Tăng cường giám sát, xử lý nghiêm trường hợp vi phạm phòng chống dịch. Thời gian vừa qua, người dân rất chủ quan. Những hoạt động nào được mở phải có kiểm soát, thực hiện tốt 5K, nếu người dân chủ quan cũng rất khó, đặc biệt Tết Nguyên đán đang đến gần, nhu cầu đi lại, giao lưu rất lớn", ông Phu nhấn mạnh.

Kịch bản nào khi Hà Nội ghi nhận 4000-5000 ca mắc mỗi ngày? - Ảnh 3.

PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục y tế dự phòng (Bộ Y tế). Ảnh: NVCC

Mới đây, UBND TP.HCM vừa có văn bản cho phép cơ sở kinh doanh vũ trường, quán bar, karaoke, câu lạc bộ khiêu vũ, massage được phép hoạt động trở lại từ 10/1.

Với địa bàn Hà Nội, ông Phu cho rằng chưa nên tính đến việc mở lại các hoạt động này. Ông nhấn mạnh đây là thời điểm thành phố đang đối mặt với nguy cơ rất lớn, chưa kể mối nguy hiểm thường trực từ biến chủng Omicron. "Có thể tính đến mở lại nhưng chắc chắn chưa phải lúc này. Nguy cơ đối với Hà Nội hiện giờ vẫn quá cao", ông Phu cho hay.

Phó giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật (CDC) Hà Nội Khổng Minh Tuấn cho hay, một số loại hình quán bar, karaoke vẫn tiềm ẩn nguy cơ quá cao, trong khi ca bệnh trong cộng đồng còn rất nhiều. Nếu có ca nhiễm tham gia vào các hoạt động này, nhiều khả năng những người còn lại cũng lây nhiễm do đây là không gian kín.

Nếu trên 5.000 ca mắc mỗi ngày, Hà Nội sẽ quá tải

Trao đổi với PV Dân Việt, ông Nguyễn Văn Thường, Giám đốc Bệnh viện đa khoa Đức Giang cho biết, hiện tại bệnh viện đang điều trị 280 F0 và 130 bệnh nhân nặng, nguy kịch. Bệnh viện tối đa có thể điều trị 400 bệnh nhân F0 và 250 bệnh nhân nặng.

Kịch bản nào khi Hà Nội ghi nhận 4000-5000 ca mắc mỗi ngày? - Ảnh 4.

Trước tình hình số ca F0 tăng cao, những ngày qua, Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 phường Lĩnh Nam, Hà Nội thực hiện dự án "ATM Oxy", qua đó kịp thời hỗ trợ, giúp đỡ các trường hợp khó khăn trong việc đổi trả, tiếp cận nguồn cung cấp bình oxy nhằm duy trì việc điều trị, chữa bệnh cho các F0 cách ly tại nhà. Ảnh: Gia Khiêm

"Với số lượng 3.000-4.000 ca mắc trong ngày Hà Nội, bệnh viện không lo ngại quá tải. Tôi biết, Hà Nội cũng tính rất kỹ việc này. Tôi ví dụ nếu 3.000 bệnh nhân dương tính, có khoảng 8-10% bệnh nhân nhập viện, tương đương 240-300 bệnh nhân. Nhóm bệnh nhân thông thường điều trị khoảng từ 10-14 ngày sẽ ra viện. 

Tính ra có khoảng 4.500 giường bệnh trong khi Hà Nội đã chuẩn bị 8000 giường bệnh. Trong số 3.000 bệnh nhân F0 mỗi ngày có khoảng 1% bệnh nhân nặng (tức 30 bệnh nhân nặng). Bệnh nhân nặng điều trị khoảng 20-25 ngày, như vậy cần khoảng 600-800 giường bệnh cho bệnh viện tầng 3. 

Hiện tại, cả hệ thống Hà Nội đang chuẩn bị 1.000 giường cho bệnh viện tầng 3 (bệnh nhân nặng). Trong đó, Bệnh viện Thanh Nhàn 250 giường, BV Xanh Pôn 250, BV Đức Giang 250, BV Hà Đông 200, BV Sơn Tây 50 giường bệnh cho bệnh nhân nặng", ông Thường nêu.

Tuy nhiên, theo Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đức Giang, nếu Hà Nội ghi nhận trên 5.000 bệnh nhân mỗi ngày sẽ gây quá tải tuyến bệnh viện tuyến cuối thành phố.

"Nếu trên 5.000 bệnh nhân mỗi ngày tại Hà Nội khả năng phải kêu gọi sự hỗ trợ của các Bệnh viện tuyến Trung ương. Sở dĩ Hà Nội đang kiểm soát được bởi lượng người tiêm vaccine chiếm tỉ lệ rất cao. Việc tiêm vaccine giúp cho bệnh nhân nhẹ hơn, ngoài ra, thành phố cũng chuẩn bị nhân lực, vật lực, quản lý F0 hiện tốt hơn rất nhiều so với thời gian đầu", ông Thường cho biết thêm.

Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc của Chính phủ với các địa phương sáng 5/1, ông Chu Ngọc Anh, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội cho biết, thành phố đã quyết liệt thực hiện mục tiêu kép, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh Covid-19, chuyển sang trạng thái thích ứng an toàn, linh hoạt, bảo đảm an sinh xã hội, phục hồi sản xuất kinh doanh.

Năm 2021, Hà Nội đã triển khai các giải pháp phòng, chống dịch bệnh, bảo đảm sức khoẻ cho nhân dân và an toàn cho Thủ đô. Trong đó có các đợt cao điểm về quy mô tiêm chủng, đến nay tỷ lệ tiêm mũi 1 với người trên 18 tuổi là 99%, đã tiêm vét cho người cao tuổi…

Theo ông Chu Ngọc Anh, tinh thần chung, Hà Nội triển khai quyết liệt, đồng bộ 3 tầng điều trị với sự chủ động sớm, từ xa ngay từ cơ sở. Để có phương án đáp ứng trên 100.000 ca nhiễm, Hà Nội huy động bệnh viện Trung ương, lực lượng bác sĩ về hưu, lực lượng tình nguyện để triển khai đồng bộ từ cơ sở. Đồng thời triển khai các tổ giám sát Covid-19 cộng đồng, hệ thống y tế dự phòng, y tế cơ sở. Đến nay, Hà Nội đã có hơn 3.200 tổ hỗ trợ theo dõi đáp ứng thông tin cho các F0, F1 điều trị tại nhà.