Cảnh báo bệnh F0 nặng ở Hà Nội là người cao tuổi, mắc bệnh nền
Thông tin từ Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 Hà Nội, ngày 4/1 toàn thành phố ghi nhận 2.578 ca mắc Covid-19, trong đó có hơn 700 ca cộng đồng. Đây là ngày ghi nhận số ca mắc cao kỷ lục tại thủ đô Hà Nội và đứng đầu cả nước. Cũng trong ngày, Hà Nội đã ghi nhận 10 ca tử vong.
Trong giai đoạn thực hiện Nghị quyết 128 của Chính phủ (từ 11/10 đến nay, Hà Nội đã ghi nhận 53.377 ca mắc (trung bình 606 ca/ngày), trong đó 18.135 ca ngoài cộng đồng (33,97%), 30.015 ca tại khu cách ly tập trung và cách ly tại nơi cư trú (56,23%), 5.183 ca tại khu phong tỏa (9,71%), 44 ca nhập cảnh (0,09%).
Hiện Hà Nội có hơn 33.000 bệnh nhân F0 đang được điều trị, theo dõi. Trong đó, tại Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương có 121; Bệnh viện Đại học Y Hà Nội: 215 trường hợp; tại Bệnh viện: 2.592 người; Cơ sở thu dung điều trị thành phố: 1.633 người; Cơ sở thu dung quận/huyện: 5.334 người. Trường hợp F0 theo dõi cách ly tại nhà: 23.669 người. Tổng số người tử vong do Covid-19 từ 27/4 đến nay có 196 người.
Trước số ca bệnh liên tục đứng đầu cả nước những ngày vừa qua, trao đổi với PV Dân Việt sáng ngày 5/1, lãnh đạo Bệnh viện điều trị người bệnh Covid-19 (có sở 587 Tam Trinh) trực thuộc BV Đại học Y Hà Nội cho biết, hiện bệnh viện đang điều trị cho 150 bệnh nhân nặng.
"Bệnh viện có thể điều trị tối đa 530 người. Với số điều trị như hiện nay đang trong khả năng của bệnh viện chúng tôi, bởi ngoài đội ngũ y bác sĩ Bệnh viện đại học Y Hà Nội còn có thêm hỗ trợ nguồn nhân lực y tế từ Bệnh viện Xanh Pôn và một số bệnh viện khác. Tuy nhiên, việc số ca tăng nhanh đồng nghĩa với đó tỉ lệ bệnh nhân nặng cũng sẽ tăng. Chúng tôi lo ngại nếu ca mắc tăng như hiện nay sẽ quá tải cho lực lượng y tế", vị lãnh đạo này thông tin.
"Về trang thiết bị điều trị cho bệnh nhân F0 nặng, hiện chúng tôi không thiếu thốn. Tuy nhiên về lâu dài cũng lo ngại bởi ca bệnh tăng liên tục. Trước tình hình dịch tăng mạnh như hiện nay, chúng ta cần làm sao hạn chế lây lan bởi nếu sự lây lan tăng lên dịch bệnh tăng lên. Các trường hợp F0 nặng, nguy kịch chủ yếu là người chưa tiêm vaccine, người cao tuổi và người có bệnh nền. Chúng ta phải chú trọng vào những trường hợp này", lãnh đạo Bệnh viện điều trị người bệnh Covid-19 (có sở 587 Tam Trinh) trực nói thêm.
"Nhân viên y tế quá vất vả khi điều trị F0"
Về vấn đề này, trao đổi với PV Dân Việt, bà Nguyễn Thị Lan Hương, Phó giám đốc Bệnh viện Thanh Nhàn cho hay, theo quy định, TP và Sở Y tế giao cho Bệnh viện Thanh Nhàn 300 giường điều trị F0, trong đó 250 giường ICU, 50 giường cho bệnh nhân mức độ trung bình. Hiện tại Bệnh viện Thanh Nhàn đang điều trị cho 165 trường hợp F0, trong đó gần 70 bệnh nhân nặng.
"Hiện tại bệnh viện chưa quá tải bởi số giường bệnh vẫn đáp ứng trong điều trị F0. Tuy nhiên, Bệnh viện Thanh Nhàn là bệnh viện tầng 3, bệnh nhân phải thở máy, lọc máu nhân viên y tế quá vất vả", bà Hương chia sẻ.
Trao đổi với PV Dân Việt, bà Trần Thị Nhị Hà, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho hay, trước việc ghi nhận hơn 2.000 ca mắc mỗi ngày, ngành y tế thấy rằng phải phân tải được bệnh nhân điều trị tại nhà. Đây là vấn đề hết sức quan trọng bởi phân luồng và phân tuyến đúng sẽ giúp giảm tải hệ thống y tế. Đồng thời, Hà Nội đã thực hiện tiêm chủng đạt tỉ lệ rất cao và hiện đang tiếp tục thực hiện tiêm phủ mũi 3 cho toàn bộ người dân và tiêm mũi nhắc lại cho người suy giảm miễn dịch.
"Hà Nội đã thực hiện nghiêm túc việc tiêm chủng cũng như việc người dân tiêm đủ 2 mũi thì 90% người bệnh sẽ nhẹ, không có triệu chứng và những người bệnh này chỉ là những người nhiễm thôi.
Ngành y tế bắt buộc phải phân tầng, điều trị tại nhà ngay chứ không đi đến hết bệnh viện. Cụ thể, hệ thống y tế sẽ thực hiện điều trị cho bệnh nhân tại bệnh viện tầm khoảng 8-10%, còn 90% bệnh nhân điều trị tại nhà.
Bên cạnh đó, ngành y tế thủ đô hiện đã kích hoạt 8.000 giường bệnh dành cho những người có dấu hiệu từ trung bình trở lên và đưa vào tất cả các tuyến điều trị. Các bệnh viện tuyến huyện, bệnh viện chuyên gia, đa khoa đều tham gia điều trị Covid-19", bà Hà thông tin.
Tính đến ngày 4/1, Hà Nội đã tiêm được 12.638.795 mũi vaccine ngừa Covid-19. Trong đó, tổng số mũi bổ sung đã tiêm: 189.839 mũi; Tổng số mũi nhắc lại đã tiêm: 556.091 mũi.
Kết quả tiêm cho người trên 18 tuổi: Mũi 1: 5.376.627 mũi 1/5.443.327 người (đạt 98.8 %); Mũi 2: 5.226.481 mũi 2/5.302.012 người (đạt 98.6 %); Số lượng mũi bổ sung đã tiêm: 189.839 mũi; Số lượng mũi nhắc lại đã tiêm: 555.607 mũi.
Kết quả tiêm cho người trên 50 tuổi: Tỷ lệ tiêm mũi 1: 98.5 % (1.882.230 mũi /1.910.305 người); Tỷ lệ tiêm mũi 2: 96.1 % (1.835.693 mũi /1.910.305 người); Số lượng mũi bổ sung đã tiêm: 60.503 mũi; Số lượng mũi nhắc lại đã tiêm: 69.286 mũi.
Kết quả tiêm cho người trên 65 tuổi: Tỷ lệ tiêm mũi 1: 97.7 % (705.950 mũi /722.616 người); Tỷ lệ tiêm mũi 2: 95.4 % (689.211 mũi /722.616 người); Số lượng mũi bổ sung đã tiêm: 28.000 mũi; Số lượng mũi nhắc lại đã tiêm: 26.413 mũi.
Kết quả tiêm cho trẻ 12-14 tuổi: Số lượng mũi 1 đã tiêm: 373.963 mũi/374.784 người (đạt 99.8 %); Số lượng mũi 2 đã tiêm: 297.623 mũi/366.558 người (đạt 81.2 %).
Kết quả tiêm cho trẻ 15-17 tuổi: Số lượng mũi 1 đã tiêm: 302.945 mũi/304.704 người (đạt 99.4 %); Số lượng mũi 2 đã tiêm: 272.680 mũi/300.872 người (đạt 90.6 %).
Kết quả tiêm của các BV Trung ương/Ngành trên địa bàn (tính đến ngày 14/12/2021): Tổng số tiêm được 1.400.323 mũi, trong đó (824.495 mũi 1; 575.828 mũi 2).
Vui lòng nhập nội dung bình luận.