Đang làm việc, nghe ông bạn đồng nghiệp bảo: "Anh bận quá, mày đi đón thằng nhóc hộ anh". A, ra là học sinh được đi học trở lại rồi. "Thế nó học trường nào?". Ông bạn đáp: "Trường THPT Võ Thị Sáu, bên đường Đinh Tiên Hoàng này".
Vậy là vác xe đi, nhưng chạy tới chạy lui, mãi chẳng thấy cái trường Võ Thị Sáu nào bên đường Đinh Tiên Hoàng cả. Hoảng quá, gọi cho ông bố trẻ để xác nhận lại thông tin, thì được trả lời: "Anh quên dặn mày. Đoạn Đinh Tiên Hoàng bên kia cầu Bông, thuộc quận Bình Thạnh nay đã đổi thành Lê Văn Duyệt rồi. Trường của cháu nằm ở đường Lê Văn Duyệt nhé, đối diện Lăng Ông ấy".
Vậy là đến đón phát trúng ngay. Tính ra, những địa danh nằm gần nhau như cầu Bông, đường Lê Văn Duyệt, Lăng Ông... đã trở nên quá quen thuộc với người dân Sài Gòn rồi. Vậy những địa danh này có gắn bó qua lại gì với nhau không?
Đầu tiên nói về Lăng Ông Bà Chiểu. Trước hết phải bóc tách từng thành tố trong cụm danh từ này ra. Trước hết, "Chiểu" là gì? Theo tiếng Hán, "chiểu" là ao nước, hồ nước... Trong tên của nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu, chữ "Chiểu" cũng theo nghĩa này.
Xưa tại cái ao nước có một cái am, thờ nữ thần hộ mệnh trong vùng, nên được gọi là "Bà Chiểu". Cái chợ tại đây cũng được gọi là chợ "Bà Chiểu". Tương tự, ngay sát chợ Bà Chiểu, có địa danh Lăng Ông, nên gọi thành Lăng Ông Bà Chiểu. Nói cho vuông thì ông với bà này chẳng có gì liên quan với nhau cả, ngoài đặc điểm là nằm gần nhau mà thôi.
Vậy "ông" ở đây là ai? "Ông" ở đây là Lê Văn Duyệt, danh tướng vào thời kỳ đầu triều Nguyễn, từng giữ chức Tổng trấn Gia Định Thành. Gia Định Thành ngày xưa to lắm, tương đương với cả Nam Bộ ngày nay. Nên nói một cách nào đó, Lê Văn Duyệt như một vị Phó Vương cai quản toàn bộ vùng Nam Bộ, quyền uy một cõi.
Sau này ông mất, theo nguyện vọng của ông, người ta đã chôn cất ngay tại vị trí Lăng Lê Văn Duyệt ngày nay. Do ông được người dân thời xưa sùng bái, nên không gọi tên thật, mà gọi tránh bằng "ông", thành thử Lăng Lê Văn Duyệt được người dân trong vùng gọi bằng "Lăng Ông".
Tiến sĩ Hồ Văn Tường chia sẻ thêm: "Trong những bưu thiếp hoặc bản đồ du lịch thời trước, người ta lấy Chùa Một Cột đại diện cho Hà Nội, Chùa Thiên Mụ đại diện cho Huế và Lăng Ông đại diện cho Sài Gòn. Có thời còn được in trên tờ giấy bạc 100 đồng. Tức, từng có một thời Lăng Ông được xem như biểu tượng không chính thức cho văn hóa - lịch sử - kiến trúc... của Sài Gòn.
Nhưng oái oăm một điều, Lăng Ông lại nằm không nằm trên địa bàn của Sài Gòn xưa. Trong thời gian trước, Lăng Ông đã có sức ảnh hưởng hết sức to lớn trong đời sống của cư dân Sài Gòn. Ngay cả người Hoa ở Chợ Lớn cũng tìm đến tế bái vào những dịp trọng đại".
Nhưng tại sao Lăng Ông lại nằm ở vị trí này? Bởi vì cầu Bông là cây cầu nối 2 vùng đô thị trọng yếu ngày xưa: Sài Gòn và Gia Định. Thêm nữa, từ con đường Lê Văn Duyệt xưa còn nối vào con đường đến thẳng kinh đô Phnom Penh của Campuchia, nên con đường này cũng là con đường của sứ giả 2 nước Việt, Cam thường xuyên qua lại. Lê Văn Duyệt là võ tướng, nên chọn vị trí này, để trấn giữ vị trí trọng yếu cho đô thành Sài Gòn.
Chuyện các võ tướng được táng ở nơi trọng yếu, xưa nay không hiếm. Thoại Ngọc Hầu được táng ngay chân núi Sam (An Giang) để trông coi một dãy biên giới. Hoặc gần đây, đại tướng Võ Nguyên Giáp được táng tại Vũng Chùa (Quảng Bình), nhìn thẳng ra biển Đông.
Trở lại ta có thể thấy rằng, cây cầu Bông hiện tuy nhỏ, nhưng đã nắm giữ một vai trò không nhỏ trong lịch sử của Sài Gòn thuở sơ khai.
Theo nhà văn Sơn Nam, "Cầu Bông được xây dựng từ thế kỷ 18, lúc đầu đặt tên là cầu Cao Miên, một thời gian sau, cầu Cao Miên đổi tên là Cầu Bông, vì ở chân cầu lúc đó có trồng rất nhiều hoa kiểng cho nên người dân xưa gọi là Cầu Bông". Có thông tin lại cho rằng cầu Bông xuất phát từ tiếng Pháp "pont", nghĩa là "cây cầu". "Pont" đọc gần như "pông", dân Nam Bộ đọc thành "bông" rồi thành tên cây cầu luôn.
Người dân ở tỉnh Gia Ðịnh xưa hàng ngày đi làm việc bên đô thành Sài Gòn hoặc đi giải trí ở Thảo Cầm Viên, Vườn Tao Ðàn, ăn uống tại các quán tiệm Sài Gòn, đi xem phim ở rạp Casino Ða Kao, rạp Văn Hoa ở đường Trần Quang Khải - Tân Ðịnh, đều đi qua Cầu Bông.
Cũng theo Tiến sĩ Hồ Văn Tường: "Sau đó, người ta làm thêm một cái cầu đường dành cho đường sắt song song với cầu Bông. Nay đường sắt đó đã bị dỡ đi, cầu đó dành cho cầu đường bộ, tên là cầu Bùi Hữu Nghĩa".
Nhưng đáng nhớ ở cầu Bông chính là chiếc cầu được đi vào thi ca với lời nhạc chế vui nhộn mà hầu như ai cũng thuộc: "Ai đang đi trên cầu Bông, rớt xuống sông ướt cái bịch ni lông. Vô đây em, dù trời mưa anh vẫn đưa em về".
Có lần người viết nghe được một đứa trẻ ở tít Kiên Giang hát bài này, hỏi nó có biết cầu Bông ở đâu không, nó bảo rằng không, không biết nhưng vẫn hát. Chắc có lẽ vì cầu Bông đã hằn sâu trong tâm khảm của người dân vùng mở cõi này rồi.