Ngày 7/1, Tân Hoa Xã đưa tin Cục Phát thanh và Truyền hình Bắc Kinh chia sẻ văn bản trong Hội nghị công tác phát thanh và truyền hình toàn quốc năm 2022. Giới chức Trung Quốc chỉ thị "ngừng sản xuất show đào tạo thần tượng, phim thuộc đề tài đam mỹ - tình yêu đồng tính nam".
Thực ra, đây không phải là thông tin "gây sốc" đối với những người quan tâm tới làng giải trí Hoa ngữ. Từ hồi tháng 4/2021, trong khảo sát của Nhật báo Quảng Minh với nội dung "Vì sao bạn biết đến văn hóa đam mỹ?", lựa chọn thông qua truyện tranh, phim ảnh và chương trình tạp kỹ đứng ở vị trí đầu tiên.
Tờ báo này cũng chỉ ra ba lý do khiến cho thể loại phim đam mỹ có thể bị "xóa sổ" tại Trung Quốc. Thứ nhất là liên quan đến vấn đề định hướng giá trị tích cực trong giới trẻ. Những ám ảnh tình cảm nam - nam, sẽ tạo thành tác động tiêu cực đối với thẩm mỹ và nhân sinh quan của thanh thiếu niên.
Thứ hai, việc người xem "chuộng" thể loại phim đam mỹ chuyển thể khiến cho các nhà sản xuất chạy theo trào lưu trong dàn dựng để phục vụ cho nhu cầu thị trường, thay vì sáng tạo nội dung có tính giá trị nghệ thuật và định hướng tốt cho xã hội.
Thứ ba, việc các nhà sản xuất xứ Trung mạnh dạn đầu tư cho những dự án đam mỹ chuyển thể là biểu hiện của ngành nghề sáng tác đi theo hướng công danh lợi lộc, mâu thuẫn với giá trị nghệ thuật mà giới chức Trung Quốc định hướng cho nghệ sĩ trong nước.
Trước thông tin này, những bộ phim có nội dung đam mỹ như: "Hạo Y Hành", "Vai trái có cậu", "Cát Tinh Cao Chiếu"… đang đứng trước nguy cơ thua lỗ vì đầu tư kinh phí quá lớn. Giải pháp được nhiều người đồn đoán là nhà sản xuất có thể bán bản quyền cho các đơn vị ngoài Trung Quốc như Netflix, Hulu… nhưng cũng không mấy khả quan vì khó lọt qua khâu kiểm duyệt trong nước.
Bên cạnh đó, một hướng đi nữa là nhà sản xuất mạnh tay cắt hết những cảnh tình cảm giữa hai nam chính, tăng cường tuyến nữ chính để chuyển thành đường dây kịch bản tình yêu nam - nữ.
Tuy nhiên, những sự thay đổi mang tính "phá hỏng nguyên tác" này sẽ làm giảm chất lượng tác phẩm, lượng khán giả và đối mặt với rủi ro không thể thu hồi vốn do thành tích kém.
Cái chết vào cuối tháng 11/2021 của một nhiếp ảnh gia Zhou Peng, 26 tuổi người Trung Quốc đã làm dấy lên cuộc tranh cãi chưa hồi kết. Hành vi tự tử của Zhou Peng được cho là hậu quả của vấn đề về sức khỏe tinh thần do bị bắt nạt sau khi Trung Quốc thúc đẩy nam giới trở nên nam tính chứ không phải ẻo lả.
Trước khi nhảy xuống biển ở tỉnh Chiết Giang, anh để lại một bức thư tuyệt mệnh dài hơn 5.000 chữ trên Weibo, kể lại chi tiết về cảnh "bị bỏ rơi, bắt nạt" thời đi học vì ngoại hình của mình.
"Con trai được cho là phải nghịch ngợm, đánh nhau và chửi thề, còn những người quá trầm tính và lịch sự bị coi là loại kém cỏi. Ở trường, họ gọi tôi là "đồ ẻo lả". Lúc nhỏ, ngoại hình của tôi trông hơi giống một cô bé song tôi ăn mặc "bình thường" và không hề bắt chước các bạn nữ", Zhou viết.
Tiến sĩ Hongwei Bao của Đại học Nottingham, một chuyên gia về giới tính tình dục cho biết, vụ tự tử là một dấu hiệu cho thấy những định hướng và lệnh cấm gần đây của chính quyền đang có tác động trực tiếp đến sức khỏe tinh thần của người dân.
"Điều này chắc chắn sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe tinh thần và hạnh phúc của mọi người, đặc biệt là đối với những người trẻ thuộc nhóm giới tính thiểu số. Họ biết xã hội đang chống lại các biểu hiện giới tính thay thế và thậm chí nhà nước cũng công khai ủng hộ điều này", ông nói.
Cui Le, một nghiên cứu sinh tại Khoa Giáo dục và Công tác xã hội của Đại học Auckland (New Zealand), người nghiên cứu các vấn đề tình yêu đồng giới trong hệ thống giáo dục của Trung Quốc cho biết, bản thân cảm thấy trống rỗng khi đọc tin về cái chết của Zhou Peng.
"Đây chỉ là một ví dụ khác cho thấy các nhà chức trách Trung Quốc củng cố tư tưởng giới truyền thống, nhấn mạnh rằng đàn ông phải thật "nam tính" và sẵn sàng hạ thấp giá trị con người của họ nếu tỏ ra mềm mại, nữ tính", ông nói.