Theo đó, trong năm 2022, TP.HCM đề ra 8 nhóm nhiệm vụ để phát triển kinh tế - xã hội. Nổi bật là nhiệm vụ thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, TP xây dựng cơ chế kiểm soát, cảnh báo dịch bệnh; nâng cao năng lực hệ thống y tế cơ sở, y tế dự phòng; phát huy hiệu quả hoạt động Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP, vai trò của đội phản ứng nhanh, tổ Covid cộng đồng và lực lượng hành nghề y dược tư nhân.
TP chú trọng nâng cao năng lực quản trị xã hội, quản lý nhà nước và xử lý tình huống của cán bộ các cấp. Xây dựng kịch bản và phương án bảo đảm công tác y tế phục vụ phòng chống dịch Covid-19 theo từng cấp độ dịch và triển khai khi có dịch xảy ra.
Cùng với đó, TP theo dõi sát diễn biến của biến thể mới của virus SARS-CoV-2, chủ động, kịp thời cảnh báo và thực hiện hiệu quả các biện pháp phòng chống dịch phù hợp; tạo thuận lợi tối đa cho lưu thông hàng hóa, lao động trở lại sau dịch. TP xây dựng, triển khai kế hoạch tiêm vaccine mũi 1 và 2 cho trẻ từ 3 tuổi trở lên; tiêm mũi tăng cường cho các đối tượng theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
Đặc biệt, TP.HCM tăng cường phòng ngừa, phát hiện và xử lý kịp thời các hành vi tiêu cực, tham nhũng, lãng phí, lợi ích nhóm trong mua sắm trang thiết bị y tế, vật tư, thuốc, sinh phẩm, vaccine liên quan đến công tác phòng chống dịch Covid-19.
Về phục hồi kinh tế, TP.HCM thực hiện các nhóm giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, phục hồi sản xuất, kinh doanh; cũng như triển khai các chương trình phát triển kinh tế như cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ; đẩy mạnh thực hiện các chương trình kết nối ngân hàng – doanh nghiệp, chương trình bình ổn giá…
Đối với việc triển khai các chương trình phát triển kinh tế, TP triển khai hiệu quả Kế hoạch phục hồi ngành du lịch trong điều kiện thích ứng an toàn Covid-19. Khôi phục tất cả các hoạt động và sản phẩm du lịch. Phát triển dịch vụ (tập trung dịch vụ tài chính, du lịch, ngân hàng, thương mại, logistics,...). TP xem xét thí điểm triển khai mô hình vận hành, giải pháp tổ chức hoạt động theo hướng chuyển đổi số đối với hệ thống chợ đầu mối, chợ truyền thống. Đồng thời, TP phục hồi sản xuất, chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị bị đứt gãy. Nghiên cứu hình thành Khu công nghiệp hỗ trợ ứng dụng công nghệ cao và các khu công nghiệp chuyên đề (cơ khí, dược, công nghệ thông tin, chế biến lương thực thực phẩm,…).
Đối với việc nâng cao chất lượng xây dựng chính quyền đô thị, TP triển khai đồng bộ các giải pháp cải cách hành chính trong các lĩnh vực. Hoàn thành Đề án phân cấp, ủy quyền cho TP.Thủ Đức và trình cấp có thẩm quyền ban hành Đề án cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.Thủ Đức. Đảm bảo tiến độ xây dựng và triển khai Đề án chuyển một số huyện thành quận hoặc TP.
Thực hiện chuyển đổi số một cách toàn diện, phát triển kinh tế số, xây dựng xã hội số; thiết kế đồng bộ, xây dựng và đưa vào vận hành hệ thống tích hợp, kết nối liên thông các cơ sở dữ liệu lớn (big data), nhất là dữ liệu về dân cư, quy hoạch, y tế, giáo dục, bảo hiểm, doanh nghiệp, đất đai, nhà ở để phục vụ hoạt động, vận hành công tác quản trị TP và đời sống nhân dân.
Đối với việc cải thiện môi trường đầu tư, đồng hành cùng doanh nghiệp, TP hoàn thiện cơ chế, chính sách nhằm thực hiện có hiệu quả các cam kết hội nhập quốc tế. Rà soát, điều chỉnh chính sách phù hợp để thu hút nhanh, hiệu quả các doanh nghiệp lớn trong nước và nước ngoài đầu tư có trọng tâm, chọn lọc. Tăng cường chuỗi liên kết giữa các doanh nghiệp nhỏ và vừa, giữa doanh nghiệp nhỏ và vừa với doanh nghiệp FDI, tập đoàn tư nhân lớn dẫn dắt chuỗi giá trị.
Đồng thời, TP kiên quyết loại bỏ các quy định và thủ tục mang tính "giấy phép con". Chuẩn bị sẵn các điều kiện cần thiết (đất đai, thủ tục,...) nhằm mời gọi đầu tư để hình thành các doanh nghiệp có quy mô lớn, tiềm lực mạnh, có khả năng cạnh tranh cao ở khu vực và quốc tế; hỗ trợ, thúc đẩy các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Bên cạnh đó, từng cơ quan, đơn vị rà soát khắc phục ngay các điểm nghẽn trong thủ tục hành chính, lấy sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp làm thước đo đánh giá hiệu quả công tác cải cách hành chính.