Ông Nguyễn Tương Minh, Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Dịch vụ Cơ quan nước ngoài TP.HCM (Fosco) cho biết, để cải thiện môi trường đầu tư, đồng hành cùng doanh nghiệp, lãnh đạo TP.HCM nên dành nhiều thời gian định kỳ thăm và làm việc với các doanh nghiệp nhằm nắm các hoạt động của các doanh nghiệp, khó khăn, vướng mắc để kịp thời tháo gỡ.
"Tôi về doanh nghiệp đã sáu năm nhưng chưa từng một lần nào có lãnh đạo TP xuống làm việc, dù doanh nghiệp đã nhiều lần kiến nghị các khó khăn", ông Minh thẳng thắn.
Theo ông Minh, trong quá trình hoạt động, doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn nhưng khi doanh nghiệp đề xuất, kiến nghị các sở, ngành, TP.HCM thì chậm được giải quyết, làm mất cơ hội kinh doanh của doanh nghiệp. Vì vậy, đề nghị các sở, ngành khi trả lời tháo gỡ các nội dung khó khăn cho doanh nghiệp phải có hướng dẫn rõ ràng để doanh nghiệp thực hiện.
Bên cạnh đó, Fosco còn là doanh nghiệp thực hiện các nhiệm vụ đối ngoại nhân dân nhưng đến thời điểm này, TP.HCM chưa hề có Khu ngoại giao đoàn, trong khi TP là trung tâm kinh tế - xã hội lớn. Ông Minh đề xuất TP cần có quỹ đất để xây dựng Khu ngoại giao đoàn.
Ông Hứa Quốc Hưng, Trưởng Ban Quản lý các Khu chế xuất và Công nghiệp TP.HCM cho biết, từ rất lâu nay, TP.HCM chưa có khu công nghiệp mới trong khi các tỉnh bạn, quỹ đất cho công nghiệp rất nhiều. Giai đoạn từ 2010 - 2015, TP.HCM đi đầu trong nhóm các tỉnh, TP về khu công nghiệp, chỉ số công nghiệp dẫn đầu cả nước. Nhưng từ năm 2016 đến nay, quỹ đất công nghiệp càng ngày càng hạn chế.
Hiện nay, trong các khu công nghiệp, khu chế xuất trên địa bàn TP.HCM chỉ còn khoảng 300ha đất có thể cho thuê. Do đó, Ban sẽ tham mưu cho lãnh đạo TP trong vấn đề tạo quỹ đất, tìm kiếm quỹ đất để thu hút đầu tư trong thời gian tới. Ban cũng tham mưu cho TP.HCM và Chính phủ thành lập một khu công nghiệp mới, đó là Khu công nghiệp Phạm Văn Hai với quy mô 668ha cùng 90ha là khu dân cư liền kề và nhà trọ, nhà ở cho công nhân.
Ngoài ra, Ban sẽ tập trung tham mưu cho TP chuyển đổi dần các khu công nghiệp, khu chế xuất không còn phù hợp trong giai đoạn sắp tới. Vì TP.HCM đã trải qua hơn nửa chu kỳ sử dụng của các khu công nghiệp, khu chế xuất, các nhà máy, xí nghiệp, đến nay đã lạc hậu dần. Hiện Ban đã phối hợp với Trường Đại học Kinh tế TP.HCM xây dựng đề án chuyển đổi các khu công nghiệp, khu chế xuất cho giai đoạn 2021 - 2030 và tầm nhìn 2040 khi chấm dứt đầu tư khu công nghiệp đầu tiên.
Ban Quản lý các Khu chế xuất và Công nghiệp TP.HCM kiến nghị UBND TP về phân cấp, ủy quyền, tạo điều kiện cho Ban thực hiện các công tác quản lý về cấp phép đầu tư, cấp phép lao động, cấp phép xây dựng, cấp phép môi trường…
Ghi nhận các ý kiến đóng góp, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan cho biết, TP sẽ hướng đến đầu tư khu công nghiệp công nghệ cao, ứng dụng các chuyển đổi số phù hợp với cách mạng công nghiệp 4.0.
Ông Lâm Đình Thắng, Giám đốc Sở Thông tin và truyền thông TP.HCM cho biết, chương trình chuyển đổi số và đề án xây dựng TP.HCM trở thành đô thị thông minh năm 2022 sẽ tập trung thực hiện 9 nhóm giải pháp. Một trong số đó là phát triển hạ tầng số và công tác đảm bảo an toàn thông tin.
TP cần tăng cường đảm bảo an toàn thông tin, nâng cao khả năng cảnh báo sớm, phòng chống các nguy cơ tấn công, xâm nhập hệ thống công nghệ thông tin, đồng thời ngăn chặn, khắc phục kịp thời các sự cố an toàn thông tin.
Đặc biệt phát triển hạ tầng viễn thông, hạ tầng băng rộng di động 4G, 5G và cáp quang tạo điều kiện cho người dân tiếp cận công nghệ.
Theo ông, trong quá trình chuyển đổi số, sẽ có một bộ phận người dân vì nhiều lý do, có khả năng không theo kịp sự chuyển động chung của xã hội, trong đó có người nghèo. TP hiện có hơn 144.000 người nghèo, nhiều khả năng một lượng người không nhỏ không có điện thoại thông minh.
Sở Thông tin và truyền thông TP sẽ phối hợp với Sở Lao động - thương binh và xã hội rà soát, hỗ trợ 50-70% người nghèo chưa có điện thoại thông minh trong năm 2022.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.