Dân Việt

Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao hướng dẫn kiểm sát điều tra án an ninh

Phạm Hiệp 09/01/2022 19:34 GMT+7
Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao vừa có hướng dẫn công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử sơ thẩm án an ninh năm 2022.

Cụ thể, thực hiện Chỉ thị của Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân (VKSND) Tối cao, Vụ thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra án an ninh (Vụ 1) hướng dẫn VKSND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (VKSND cấp tỉnh) một số nhiệm vụ trọng tâm liên quan các vụ án an ninh.

Đầu tiên là quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm các Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng, của Quốc hội về công tác tư pháp; Chỉ thị công tác của Viện trưởng VKSND Tối cao và kế hoạch trọng tâm của VKSND Tối cao năm 2022 về an ninh quốc gia.

Theo đó, Viện trưởng VKSND cấp tỉnh tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc các Nghị quyết của Đảng, Nghị quyết của Quốc hội; các quy định của Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự…; xác định rõ thẩm quyền điều tra, thẩm quyền giải quyết các vụ việc, vụ án thuộc trách nhiệm của Cơ quan An ninh điều tra.

Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao hướng dẫn kiểm sát điều tra án an ninh - Ảnh 1.

Theo VKSND Tối cao, VKSND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải phối hợp chặt chẽ với Cơ quan An ninh điều tra để xử lý kịp thời, đúng pháp luật các vi phạm, tội phạm về an ninh quốc gia. Ảnh: DV

Tổng kết thực tiễn (từ 2019 đến 2021), rút kinh nghiệm công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra các vụ án xâm phạm an ninh quốc gia, nhất là các vụ án tội phạm sử dụng công nghệ thông tin, mạng viễn thông để xâm phạm an ninh quốc gia…

Thứ hai là về công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát giải quyết nguồn tin về tội phạm; kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử sơ thẩm các vụ án thuộc thẩm quyền điều tra của Cơ quan An ninh điều tra.

Trong việc quản lý tình hình vi phạm, tội phạm, phải phối hợp chặt chẽ với Cơ quan An ninh điều tra và các cơ quan chức năng, nắm chắc, xử lý kịp thời, đúng pháp luật các vi phạm, tội phạm về an ninh quốc gia và các tội phạm khác.

Quản lý, theo dõi chặt chẽ các vụ việc lợi dụng dân chủ, nhân quyền, tự do tín ngưỡng, tôn giáo, tự do hội họp, lập hội… để thực hiện các hành vi kêu gọi, tổ chức biểu tình trái phép, phá rối an ninh, hoạt động gián điệp, xâm phạm an ninh biên giới… Qua đó tổng hợp, tham mưu, đề xuất biện pháp đấu tranh phòng ngừa.

Trong việc thực hành quyền công tố, kiểm sát việc giải quyết nguồn tin về tội phạm, Viện trưởng VKSND cấp tỉnh trực tiếp chỉ đạo công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát việc giải quyết nguồn tin về tội phạm; chỉ đạo kiểm sát viên áp dụng các biện pháp để chống oan sai, bỏ lọt tội phạm ngay từ giai đoạn này.

Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao hướng dẫn kiểm sát điều tra án an ninh - Ảnh 2.

VKSND Tối cao yêu cầu VKSND các tỉnh, thành phố chủ động phối hợp giải quyết các nguồn tin, nhất là các vụ việc trên không gian mạng. Ảnh minh họa

Đồng thời kiên quyết yêu cầu khởi tố, ra quyết định khởi tố, hủy bỏ quyết định khởi tố hoặc không khởi tố,… không có căn cứ.

Cùng với đó, chủ động phối hợp, yêu cầu Cơ quan An ninh điều tra thụ lý giải quyết các nguồn tin về tội phạm an ninh quốc gia, phát hiện qua các phương tiện thông tin đại chúng, nhất là các vụ việc xảy ra trên không gian mạng…

Trong việc thực hành quyền công tố và kiểm sát việc giải quyết các vụ án hình sự, VKSND Tối cao yêu cầu đề cao trách nhiệm, bám sát, nắm chắc quá trình điều tra; chủ động, kịp thời đề ra yêu cầu điều tra có chất lượng để Cơ quan điều tra tiến hành điều tra đúng hướng, toàn diện…

Kiểm sát viên phải xây dựng kế hoạch thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra. Trong trường hợp vụ án có nhiều kiểm sát viên, kiểm tra viên tham gia, phải phân công nhiệm vụ cụ thể, thời gian thực hiện…

Kiểm sát viên phải tham gia 100% các hoạt động khám xét, đối chất, nhận dạng, nhận biết giọng nói, thực nghiệm điều tra…

Việc áp dụng các biện pháp ngăn chặn phải được kiểm sát chặt chẽ theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, không để xảy ra việc lạm dụng biện pháp bắt, giam, giữ.

Quá trình giải quyết vụ án phải làm rõ hành vi, động cơ, mục đích phạm tội; thế lực đứng sau chỉ đạo, cung cấp tiền, phương tiện…

Thứ ba, trong công tác quản lý, hướng dẫn, chỉ đạo và kiểm tra nghiệp vụ với VKS cấp huyện, VKSND cấp tỉnh phải phân công Phòng nghiệp vụ, Kiểm sát viên chuyên trách theo dõi, quản lý địa bàn, lĩnh vực, loại tội và nắm chắc thông tin, tình hình an ninh chính trị tại từng địa phương, đơn vị được theo dõi quản lý.

Thông qua công tác hướng dẫn, chỉ đạo VKS cấp huyện trong lĩnh vực được giao, phòng nghiệp vụ kịp thời phát hiện những khó khăn, vướng mắc, những vi phạm, thiếu sót để ban hành văn bản hướng dẫn, thông báo rút kinh nghiệm hoặc phản ánh về VKSND Tối cao.