Đúng như lo ngại của nhiều chuyên gia, sau phiên đấu giá đất kỷ lục tại khu đô thị Thủ Thiêm với mức giá 2,4 tỷ đồng/m2, nhiều chủ đất khác xung quanh đã đồng loạt tăng giá.
Chị Nguyễn Thị Thu Thủy - một môi giới BĐS kỳ cựu tại khu vực TP Thủ Đức, thông tin, khu vực Thủ Thiêm đã có hàng chục lần tăng giá trong 2 năm qua. Tuy nhiên, "sóng" tăng giá mạnh nhất là 2 đợt. Đợt 1 là lần Quận 2 chính thức được sáp nhập vào TP Thủ Đức, giá khiến giá đất tăng chóng mặt, nhiều nơi giá đất tăng 70% - 80%, có nơi tăng tới gần 100% chỉ trong thời gian ngắn.
Lần 2 là sau thông tin đấu giá 2,4 tỷ đồng/m2 ở Thủ Thiêm, một số nơi tăng ít nhất từ 15-20 triệu đồng/m2. Còn các khu Thạnh Mỹ Lợi, An Phú, An Khánh (các phường giáp ranh khu đô thị mới Thủ Thiêm) là khu vực tăng giá mạnh nhất, với mức tăng trên dưới 100 triệu đồng/m2, chỉ trong chưa đầy một tháng.
Cũng theo bà Thủy, khi cầu Thủ Thiêm 2 được thông xe thời gian tới dự kiến sẽ tiếp tục tạo một đợt sóng nhẹ cho đà tăng giá đất ở khu vực này...
Ông Nguyễn Hữu Trí (Q.10), chủ một lô đất 67m2 ở Phường Phước Long A, cho biết đang có nhu cầu bán đi lô đất này để lấy tiền đầu tư, nhưng rao bán gần 3 tuần nay vẫn chưa… bán được.
"Tôi mua nền đất này hồi 2019 với giá 5,2 tỷ đồng, giờ nhà đất đang lên cao nên tôi dự tính bán 6,2 tỷ đồng mà chỉ có vài người hỏi mà không mua", ông Trí nói.
Theo ông Trí, dù thông tin đồn thổi là giá đất tăng khắp nơi sau sự kiện đấu giá đất ở Thủ Thiêm, nhưng mặt bằng giá ông rao bán chỉ tương đương với năm 2020, chứ không phải là tăng chóng mặt như một số nơi.
Khảo sát của Dân Việt, sau sự kiện đấu giá đất "khủng" ở Thủ Thiêm, mặt bằng giá ở TP Thủ Đức đã tăng mạnh, các chủ nhà đất cũng đang rao bán các sản phẩm căn hộ, đất nền mới mức giá tăng 15-20%. Chẳng hạn, trên trục đường Trương Văn Bang, phường Thạnh Mỹ Lợi đã tăng khoảng 150 triệu đồng/m2, từ mức 300 - 350 triệu đồng/m2, lên ngưỡng 450 - 500 triệu đồng/m2.
Tại khu Đông Thủ Thiêm, Nam Rạch Chiếc, Cát Lái, Đảo Kim Cương trước kia được giao dịch 160 - 164 triệu đồng/m2 thì nay đã rao bán 200 - 250 triệu đồng/m2.
Việc tăng giá cũng diễn ra ở khu vực Q.9 cũ khi các nền đất cũng đã tăng 1 - 2 tỷ đồng/nền; Các lô đất lớn từ 300 m2 trở lên tăng thêm 8 - 10 triệu đồng/m2; Dự án căn hộ trên đường Nguyễn Cơ Thạch mở bán năm 2020 với giá khoảng 100 triệu đồng/m2 thì nay đang giao dịch ở mức 140 - 150 triệu đồng/m2...
Xung quanh UBND TP Thủ Đức, mức giá tăng nhẹ hơn, dao động từ 20 - 30 triệu đồng/m2, hiện các chủ đấy rao bán ở ngưỡng 160 triệu - 300 triệu đồng/m2, tùy từng vị trí.
Còn tại khu đô thị Vạn Phúc, nếu trước ngày đấu giá đất Thủ Thiêm được công bố, mỗi căn nhà tại khu vực này có diện tích 140 m2 được xây 5 tầng có giá khoảng 33,5 tỷ đồng, nay đã tăng lên 37-37,5 tỷ đồng, căn 150 m2 có người rao bán đến 50 tỷ đồng. Trong khi đó, giá gốc mỗi căn khách hàng mua của chủ đầu tư trước đây chỉ khoảng 23 - 27 tỷ đồng/căn.
Trong văn bản gửi Chính phủ và các bộ, ngành vào những ngày cuối năm 2021, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM (HoREA), đã báo cáo về việc thị trường BĐS TP Thủ Đức có dấu hiệu một số chủ đầu tư "té nước theo mưa", dừng bán hàng hoặc chấp nhận chịu phạt hợp đồng để "găm" hàng sau phiên đấu giá đất vàng Thủ Thiêm.
Theo ông Châu, giá đất quá cao so với thực tế cũng không phù hợp với quy luật giá trị, quy luật cạnh tranh, quy luật cung - cầu, không phù hợp với thực tiễn của thị trường BĐS, vừa gây thiệt hại cho người tiêu dùng vừa bất lợi cho chính các chủ đầu tư. Vì nếu chủ đầu tư dự án đưa ra giá bán nhà, đất quá cao mà không được thị trường chấp nhận thì có thể làm tăng lượng hàng tồn kho có giá trị lớn.
Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp (DN) có thể lợi dụng giá trúng đấu giá cao để xin định giá lại tài sản, nhất là tài sản thế chấp, đánh vống giá trị tài sản nhà đất để được vay thêm ngân hàng hoặc để "làm sạch" bảng cân đối tài chính.
"Giá đất trúng đấu giá 4 lô đất Thủ Thiêm quá cao có thể tác động tiêu cực lan tỏa đến tất cả các phân khúc thị trường BĐS theo hiệu ứng "bình thông nhau" gây trở ngại cho việc thực hiện mục tiêu kéo giảm giá nhà ở thương mại, trước hết là mục tiêu phát triển nhà ở thương mại giá phù hợp tại TP.HCM", ông Châu lo lắng.
Chuyên gia tài chính Trương Hiền Phương, giám đốc cấp cao Chứng khoán KIS Việt Nam cũng nhận định, năm nay giá BĐS sẽ tăng, nhưng sẽ chỉ manh mún ở một số vùng, nhất là những vùng "làm giá", "thổi giá đất" như khu vực Thủ Thiêm. Bởi vừa rồi, giá đấu giá đất Thủ Thiêm khá kỳ cục, ai cũng phải lên tiếng, kể cả những người làm chính sách cũng không thể im lặng.
"Khu vực Thủ Thiêm có thể sẽ tiếp tục tăng giá, nhưng tăng theo kiểu bất chấp và không có kiểm soát. Và chắc chắn việc tăng giá này sẽ bị cơ quan Nhà nước can thiệp vì sẽ tạo nên bong bóng ảo, gây rủi ro cho nhà đầu tư", ông Phương nói.
Cũng theo ông Phương, nếu để các chủ đầu tư "té nước theo mưa" tăng giá nhà đất trong thời gian tới sẽ gây bất lợi cho người có nhu cầu mua nhà để ở, cho xã hội vì không còn nhà giá thấp và trung bình. Ngay cả những người mua để đầu tư cũng khó tham gia khi giá đã ở mức quá cao…
Do đó, theo ông Phương, cơ quan quản lý cần có biện pháp để kiểm soát việc tăng giá nhà đất bất hợp lý nhằm ổn định thị trường.