Dân Việt

Bộ LĐTBXH thừa nhận vẫn tồn tại các vụ bạo hành trẻ em phức tạp

Thùy Anh 12/01/2022 20:30 GMT+7
Ngoài những thành tựu trong triển khai công tác an sinh - xã hội, năm 2021, ngành lao động vẫn còn đối mặt với nhiều thành thức tồn tại. Một trong những tồn tại đó là số vụ bạo hành, xâm hại trẻ em còn cao.

Đây là thông tin được Bộ LĐTBXH đưa ra tại Hội nghị Tổng kết Hội nghị trực tuyến triển khai nhiệm vụ lao động, người có công và xã hội năm 2022 vào ngày 12/1/2022.

Tham vấn ban hành nhiều văn bản đảm bảo tốt công tác an sinh

Năm 2021 cả nước chịu ảnh hưởng tác động bởi dịch Covid-19. Trong bối cảnh đó Bộ LĐTBXH đã đưa ra nhiều giải pháp để ổn định thị trường lao động, đồng thời tư vấn Chính phủ ban hành nhiều chính sách đảm bảo an sinh xã hội.

Bộ LĐTBXH thừa nhận vẫn tồn tại các vụ bạo hành trẻ em phức tạp - Ảnh 1.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhắc lại vụ việc bé gái 8 tuổi ở TP.HCM bị tử vong vì bạo hành. Ảnh: Mạnh Quân

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đánh giá cao những thành tựu của Bộ LĐTBXH trong năm 2021, đặc biệt trong đó là việc tham mưu ban hành Nghị quyết 68 và Nghị quyết 116.

Theo Phó Thủ tướng, trong 2 năm 2020 và 2021, nền kinh tế thế giới tăng trưởng 1,8%, còn Việt Nam tăng 5,49%. "Điều đó cho thấy rằng, trong 2 năm qua, tuy rất khó khăn nhưng chúng ta vẫn cố gắng có mức tăng trưởng rất tốt so với mặt bằng chung của thế giới. Có được kết quả như vậy là nhờ sự đóng góp của các bộ, ngành. Trong đó, sự đóng góp của ngành LĐTBXH là rất quan trọng", Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nói.

Tại hội nghị, Phó Thủ tướng cũng nói về sự việc bé gái 8 tuổi ở TPHCM bị bạo hành đến chết để nhắc các tỉnh thành phải nghiêm túc thiết lập mạng lưới bảo vệ trẻ em đến cấp xã, phường. "Năm nay, việc này càng quan trọng vì dịch bệnh không chỉ ảnh hưởng đến kết quả học tập mà còn ảnh hưởng đến tâm sinh lý của các cháu", Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Kết luận chỉ đạo Hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu các cấp, ngành cố gắng lo Tết Nguyên đán năm 2022 an toàn, ấm cúng cho người dân, đặc biệt là những người thực sự gặp khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch bệnh.

Vẫn tồn tại các vụ bạo hành trẻ em gây bức xúc dư luận

Báo cáo Tổng kết của Bộ LĐTBXH cho thấy triển khai thực hiện Chương trình hành động quốc gia vì trẻ em giai đoạn 2021-2023, Bộ LĐTBXH đã chú trọng xây dựng môi trường sống an toàn lành mạnh cho trẻ em. Bộ cũng đã chủ động tích cực hướng dẫn, phối hợp triển khai bảo vệ trẻ em trước các vụ bạo lực, xâm hại tình dục. Nhờ các giải pháp đồng bộ, năm 2021 tỷ lệ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt trên tổng dân số trẻ em trong cả nước đã giảm xuống còn 6,9%, duy trì 55% xã, phường, thị trấn đạt tiêu chuẩn xã, phường, thị trấn phù hợp với trẻ em.

Tuy nhiên bên cạnh những thành tựu, ngành Lao động cũng chỉ rõ những hạn chế. Báo cáo tại Hội nghị, Bộ Trưởng Đào Ngọc Dung thừa nhận bên cạnh những điểm nhấn, thành công trong công tác đảm bảo an sinh - xã hội cho người dân thì một số lĩnh vực ngành lao động quản lý vẫn triển khai chưa hiệu quả.

Bộ LĐTBXH thừa nhận vẫn tồn tại các vụ bạo hành trẻ em phức tạp - Ảnh 3.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cùng Bộ trưởng Bộ LĐTBXH Đào Ngọc Dung chủ trì hội nghị. Ảnh: Mạnh Dũng

"Cụ thể thị trường lao động biến động và chưa vững chắc. Một số chỉ tiêu chưa đạt kết quả như mong muốn. Kết quả vẫn còn xảy ra những vụ việc bạo lực, bóc lột, xâm hại tình dục trẻ em phức tạp, gây bức xúc trong dư luận xã hội, còn nhiều trẻ em bị tai nạn, thương tích, tệ nạn xã hội diễn ra dưới các hình thức tinh vi, phức tạp. Chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin chưa đáp ứng yêu cầu và chưa xứng với tiềm năng của ngành", Bộ trưởng Bộ LĐTBXH nhấn mạnh.

6 giải pháp thực hiện nhiệm vụ ngành lao động trong năm 2022

Thứ nhất, hoàn thiện thể chế, hỗ trợ phục hồi và phát triển thị trường lao động, việc làm.

Thứ hai, tiếp tục triển khai hiệu quả các chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao; Phát triển hệ thống thông tin thị trường lao động; Phát triển đối tượng tham gia BHXH, bảo hiểm thất nghiệp, BHXH tự nguyện; Triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 – 2030 theo tiêu chí mới từ ngày 1/1/2022.

Thứ ba, phát triển giáo dục nghề nghiệp, nâng cao trình độ kỹ năng lao động, bảo đảm đáp ứng nhu cầu nhân lực có chất lượng cao, có kỹ năng cho thị trường lao động.

Thứ tư, tăng cường hiệu quả các chính sách an sinh xã hội hiện hành, nỗ lực hướng tới hệ thống an sinh đáp ứng với các cú sốc diện rộng.

Thứ năm, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong ngành lao động.

Thứ sáu, chăm lo, tạo môi trường an toàn để bảo đảm phát triển đầy đủ quyền của trẻ em, phòng, chống bạo lực, xâm hại phụ nữ và trẻ em.