Những "bóng hồng sa mạc" tham gia cuộc thi Hoa hậu lạc đà - "những con tàu sa mạc" - tại Rumah, Arab Saudi hôm 8/1. (Ảnh: AFP)
Lễ hội Vua Abdelaziz kéo dài 40 ngày, bắt đầu từ tháng 12/2021 là sự kiện của xã hội Bedouin - bộ lạc du mục, chủ yếu sống trên sa mạc ở Arab Saudi và một số nước khác. Cuộc thi lạc đà tại Lễ hội Vua Abdelaziz thường được gọi là cuộc thi Hoa Hậu Lạc đà toàn cầu, là một lễ hội di sản được tổ chức tại vùng Rumah, cách Thủ đô Riyadh 161km về phía đông, nhưng trước đây vốn chỉ dành cho "phái mạnh".
Lễ hội Vua Abdelaziz lần thứ 6 năm nay thu hút những người chăn nuôi lạc đà từ khắp vùng Vịnh tới tham gia, với tổng số tiền thưởng lên tới 66 triệu USD.
Một trong những"bóng hồng sa mạc" - nữ chủ nhân Lamiaa Al Rashidi (đứng) sở hữu lạc đà dự thi - kiểm tra thông tin qua điện thoại. (Ảnh: AFP)
Chăn nuôi lạc đà là ngành công nghiệp trị giá hàng triệu USD. Bởi thế các sự kiện về lạc đà thường xuyên được tổ chức trong khu vực vùng Vịnh, nhằm bảo tồn vai trò của lạc đà trong truyền thống Saudi Arabia. Đồng thời góp phần thúc đẩy phát triển thế mạnh du lịch sa mạc.
Vẻ đẹp của lạc đà - loài vật được mệnh danh là những "những con tàu sa mạc" - được đánh giá dựa trên một số tiêu chí, với hình dạng và kích thước của môi, cổ và bướu là những thuộc tính chính. Liên quan đến sự kiện lần này, trước đó có tin về một sự cố xảy ra hồi tháng 12/2021 - khi Ban tổ chức loại khỏi danh sách tham dự một số chủ nuôi sau khi phát hiện có 40 con lạc đà được tiêm Botox và sử dụng các hình thức khác để gia tăng sắc đẹp trước khi dự thi.
Hình dạng và kích thước của môi, cổ và bướu là những thuộc tính chính để đánh giá vẻ đẹp của lạc đà. Có tin đã xảy ra sự cố "làm đẹp" cho lạc đà bằng botox hồi tháng 12/2021. (Ảnh: AFP)
Kể từ khi Thái tử Mohammed bin Salman lên nắm quyền tại quốc gia vùng Vịnh Arab Saudi năm 2017, một số hạn chế với phụ nữ đã được dỡ bỏ khi đất nước này mở cửa hơn nữa với những cải cách sâu rộng.
Trước đó Arab Saudi là quốc gia duy nhất trên thế giới cấm phụ nữ lái xe. Nhưng theo những thay đổi mới, kể từ ngày 24/6/2018 phụ nữ Arab Saudi có thể tự mình lái xe và điều đó là hoàn toàn hợp pháp. Đồng thời phụ nữ cũng được tham gia vào môi trường các sự kiện hiện nay dành cho cả nam và nữ giới.
5 "bóng hồng sa mạc" dẫn đầu cuộc thi với khoảng 40 người tham gia này, đã "rinh" về nhà số tiền thưởng 1 triệu Riyals (khoảng 260.000 USD). Trong đó cô bé Malath bint Enad 7 tuổi, đã trở thành thí sinh nhỏ tuổi nhất cùng con lạc đà được bé yêu quý như thú cưng của mình đoạt giải Ba.
"Phụ nữ luôn là một phần không thể thiếu trong xã hội Bedouin. Họ cũng là những người sở hữu và chăm sóc lạc đà" - AFP dẫn lời một chức sắc quản lý Lễ hội là ông Mohammed al-Harbi lưu ý.
Các thế hệ những "bóng hồng sa mạc" gặp gỡ, giao lưu tại cuộc thi Hoa hậu lạc đà. (Ảnh: AFP)
"Lạc đà đã là một phần (trong cuộc sống) của chúng tôi từ lâu. Việc tổ chức một cuộc thi như vậy đối với phụ nữ chúng tôi là một bước tiến lớn" - Bà Munira al-Mishkhas, một thành viên nữ tham gia cuộc cuộc thi Hoa hậu lạc đà bày tỏ.
Doanh thu từ du lịch của Arab Saudi năm 2021 theo ước tính của các chuyên gia, đạt hơn 15,6 tỷ USD. Năm 2022 được kỳ vọng sẽ đạt hơn 16 tỷ USD. Trong đó có sự đóng góp đáng kể của loại hình du lịch sa mạc, vốn có sức cuốn hút riêng độc lạ với khách du lịch bởi những vẻ đẹp kỳ lạ trong môi trường khô hạn khắc nghiệt. Thêm một điếm nhấn nữa của sa mạc là lối sống độc đáo của người Bedouin - bộ tộc du mục nổi tiếng về các phong tục truyền thống thú vị, lòng hiếu khách và tình yêu thương với "những con tàu sa mạc" của họ.
Phụ nữ Arab Saudi hiện nay đã được tham gia vào môi trường các sự kiện dành cho cả nam và nữ giới. (Ảnh: AFP)
Với bộ tộc du mục Bedouin, lạc đà có vai trò đặc biệt quan trọng, được họ trìu mến gọi là "Ata Allah" (Món quà của Thánh Allah) và chăm sóc rất cẩn thận vì chúng là phương tiện chính nuôi sống họ.