Tuy nhiên hiệu quả tới đâu, học thế nào để bảo đảm thời gian, bổ trợ kiến thức trên lớp, tránh áp lực thì không phải ai cũng hiểu đúng.
Học thêm bổ trợ học chính
Chị Nguyễn Thị Quỳnh (Hoàng Mai, Hà Nội) có con học lớp 2 cho biết: Khoảng nửa học kỳ đầu việc học khá yên tâm nhưng đến cuối học kỳ I con có biểu hiện không còn hào hứng việc học, học trước quên sau. Nhiều bài đã học qua nhưng chỉ thay chi tiết đơn giản, hoặc đảo cách hỏi khiến con lúng túng. Cùng đó, việc học như tiếng Anh mỗi tuần vài tiết không đủ “thấm”.
Theo chị Quỳnh, năm học tới con bước vào lớp 3, tiếng Anh sẽ trở thành môn học chính. Do đó để tạo “nền móng” cho con gia đình đã đăng ký khóa học thêm tiếng Anh trực tuyến 2 buổi/tuần, môn Toán, Tiếng Việt 1 buổi/tuần.
Không kỳ vọng con sẽ giỏi khi tham gia học thêm trực tuyến nhưng việc tăng thêm một số tiết học cho 3 môn học chính trong tuần để củng cố kiến thức. Đặc biệt, giảm đáng kể thời gian xem YouTube, TikTok, chơi điện tử… khi bố mẹ đi làm không có sự kiểm soát.
Thực tế việc dạy học thêm trực tuyến thời điểm này cho thấy cơ bản các gia đình đăng ký cho con học bởi chưa yên tâm với tiếp thu bài của HS trên lớp. Đặc biệt với HS tham dự các kỳ thi quan trọng thời gian tới như chuyển cấp, tuyển sinh ĐH, thi IELTS… cần được tăng cường nhiều hơn kiến thức.
Anh Hà Trung Dũng (Đống Đa, Hà Nội) con học lớp 9 Trường THCS Khương Thượng trao đổi: Chỉ sau nghỉ Tết một thời gian ngắn con sẽ bước vào kỳ thi vào 10 “căng thẳng” không kém gì thi đại học. Do đó, nếu thời điểm này chỉ học trực tuyến cùng GV nhà trường, với nội dung kiến thức cơ bản, gia đình cảm thấy “sốt ruột”...
Việc đăng ký 3 lớp học trực tuyến Toán, Văn, Ngoại ngữ được gia đình anh Dũng trao đổi và có sự nhất trí của con. “Vẫn biết học thêm trực tuyến nhiều sẽ tạo ra những áp lực nhất định. Mặt khác, việc học thêm trực tuyến cũng không hiệu quả như trực tiếp. Nhưng trong bối cảnh dịch bệnh thì học thêm trực tuyến là giải pháp khả quan nhất để bảo đảm sức khỏe cho con; Và cũng không có trung tâm, thầy cô nào dạy học trực tiếp thời gian này. Quan trọng là người học phải có ý thức tự giác…”, anh Dũng nói.
Bà Hồ Phương Lan, Tổng Giám đốc Công ty Giáo dục BeYou (Đống Đa – Hà Nội), cho biết: Thời gian đầu HS nghỉ học trực tiếp tại trường thì phụ huynh và HS tham gia học trực tuyến giảm tới 80%. Tuy nhiên, đến nay chuyển sang học kỳ II không ít cha mẹ và HS lớp 9, lớp 12 đã quay trở lại đăng ký các khóa học trực tuyến khá đông. Hầu hết đều lo lắng cho những kỳ thi trước mắt.
Bà Lan cũng cho biết, mức phí của dạy học trực tuyến không giảm thậm chí với một số giờ dạy đông HS, nội dung kiến thức yêu cầu cao thì phí còn nhích hơn. Lý do bởi dạy học trực tuyến phải đầu tư nhiều về máy móc, công sức GV (soạn giáo án từng buổi dạy, dạy tại trung tâm có sự kiểm soát về thời lượng, chất lượng), phải khẳng định được chất lượng, hiệu quả với GV, HS trong thời gian ngắn thì HS mới tiếp tục đăng ký học.
Phát huy hiệu quả học thêm trực tuyến
Theo chị Nguyễn Thanh Hằng, con học lớp 12 Trường THPT Kim Liên (Hà Nội), dù HS học trực tuyến và có thể học thêm các môn học qua các kênh khác nhau, song việc chuẩn bị cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT cần tăng cường kiến thức. Việc học thêm trực tuyến 3 môn học chính vẫn được gia đình “đầu tư” theo nhu cầu của con.
Đến nay, hiệu quả từ học thêm trực tuyến vẫn được ghi nhận bởi bản thân con khá tự giác, chủ động, không ngại trao đổi với GV. Song việc dành nhiều thời gian cho học trực tuyến cũng khiến con có biểu hiện mệt mỏi.
Cho rằng, học trực tuyến không thể đạt hiệu quả như trực tiếp nhưng học dưới hình thức nào, cô Nguyễn Thị Kim Ngọc, GV Trường Tiểu học An Hòa (Cầu Giấy, Hà Nội) đều khẳng định người học phải chủ động và có hứng thú học, không học đối phó vì ép buộc… mới đạt hiệu quả.
Với HS tiểu học, khối lượng kiến thức và chương trình không quá nhiều hoặc chưa phải chuẩn bị cho những kỳ thi chuyển cấp, phụ huynh cần nắm rõ nhu cầu, mong muốn học tập của con trước khi đăng ký học thêm trực tuyến. Nếu chỉ vì sốt ruột trẻ học trực tuyến thời gian đầu chưa đạt kết quả cao, muốn tăng cường học thêm trực tuyến để “đẩy” việc học trên lớp thì không cần thiết.
Thay vì đăng ký cho trẻ học trực tuyến, phụ huynh có thể trao đổi trực tiếp cùng GV chủ nhiệm để tìm giải pháp giáo dục phù hợp hơn. Cùng GV quan tâm và tìm cách hỗ trợ trẻ trong quá trình học trực tuyến… thay vì vội vàng nghĩ tới học thêm để nâng cao.
TS tâm lý chuyên ngành giáo dục Vũ Việt Anh (Giám đốc Học viện Thành Công, Hà Nội) cũng bày tỏ: Không thể phủ nhận những giá trị của một số chương trình học trực tuyến mà các trung tâm, GV mang lại cho HS. Tuy nhiên, việc triển khai các nội dung học thêm trực tuyến vẫn cần phù hợp, phát huy năng khiếu sở trường, mong muốn của người học.
Các chương trình học tập trực tuyến dù là kiến thức văn hóa hay kỹ năng sống cũng cần giúp trẻ giảm năng lượng dư thừa, được vận động thay vì nhồi nhét thêm áp lực, kiến thức.
Theo TS Vũ Việt Anh, gia đình có thể tìm hiểu trước và giới thiệu cho HS nhiều kênh học tập như YouTube, web, app hoặc các lớp online qua công cụ trực tuyến. “Học tập bất cứ lĩnh vực nào và bằng hình thức gì cũng cần có sự trải nghiệm, không nên chỉ lý thuyết hoặc quá nghiêng về một môn học nào. Học trực tuyến càng cần tìm đúng những nội dung, chương trình, phương pháp phù hợp… mới mang lại hiệu quả và bổ trợ hữu ích cho việc học trên lớp…”, TS Vũ Việt Anh khẳng định.
Không ít bố mẹ đang lạm dụng, phụ thuộc vào học thêm trực tuyến để mong hỗ trợ thêm về kiến thức, kỹ năng trong giai đoạn học tập trực tuyến mà quên đi những áp lực tâm lý của trẻ đang trải qua khi đã phải học trực tuyến khá dài. Theo PGS.TS Trần Thị Minh Hằng, Khoa Tâm lý giáo dục (Học viện Quản lý Giáo dục), thay vì “trói” HS vào những chương trình học thêm trực tuyến không cần thiết, bố mẹ cần quan tâm, đốc thúc HS tập thể dục nhiều hơn; tham gia trò chơi trí tuệ bổ ích trên mạng để trẻ có cơ hội giao tiếp với bạn bè. “Nhồi nhét” kiến thức bằng những khóa học thêm trực tuyến không phải là “cứu cánh” cho việc nâng cao kiến thức thời gian này…