Dân Việt

Sau vụ bé gái bị "mẹ kế" bạo hành, cô giáo hoảng nghe tiếng học trò khóc

Hoài Nam 14/01/2022 14:00 GMT+7
Nghe tiếng học trò thút thít, cô Ngân tắt ngay micro của các học sinh còn lại trong lớp, nói: "Con khóc đi, khi nào nguôi thì con kể cho cô nhé". Tiếng em học trò nấc lên...

Phải vài phút sau, cô học trò mới ngưng khóc. Được cô vỗ về, em nói: "Cô ơi, hôm qua con làm bài kiểm tra sai rồi!".

Nghe đến đó, cô Nguyễn Thị Ngân, giáo viên dạy lớp 2 một trường tư thục ở Thủ Đức, TPHCM hỏi thêm thì em kể, em buồn thôi chứ bố mẹ không la. Cô Ngân thở phào khi biết học trò không gặp chuyện gì bất thường.

Sau vụ bé gái bị "mẹ kế" bạo hành, cô giáo hoảng nghe tiếng học trò khóc - Ảnh 1.

Nhiều giáo viên nhạy cảm, để ý hơn đến tâm lý của học sinh sau sự việc em N.T.V.A bị bạo hành tử vong (Ảnh: Ip Thiên).

Tuần trước, ngay trong giờ học, cô Ngân cũng báo lên văn phòng trường tìm hiểu về trường hợp một học sinh vắng học. Trước đó, em này cũng từng khóc trong giờ lên lớp. Nhà trường tìm hiểu thì được biết, học trò chạy nhảy bị bong móng chân, được đưa đi viện và khẳng định không có việc bạo hành con trẻ .

Cô Nguyễn Thị Ngân trải lòng, sau sự việc bé N.T.V.A, 8 tuổi bị bạo hành tử vong gây chấn động, cô trở nên nhạy cảm hơn đến tiếng khóc hay những bất ổn của học trò.

Cô giảm áp lực bài vở cho học sinh, tránh chê bai, phán xét các em. Nếu thấy học trò có những biểu hiện khác thường, cô sẽ dừng tiết học để hỏi han, trò chuyện, nhiều trường hợp sẽ liên hệ với phụ huynh, người chăm sóc để nắm tình hình.

Tuy nhiên, cô giáo trẻ thừa nhận, để nắm được hoàn cảnh, cảm xúc của các em không hề dễ dàng, nhất là khi học online, không được tiếp xúc trực tiếp. Hơn nữa, cô dạy trường tư, lớp chia nhỏ chỉ hơn 10 em còn thuận lợi, nếu lớp 40 - 50 em thì quá khó khăn.

"Nhưng dù khó thì mình vẫn cứ làm, quan tâm hơn đến tâm lý, cảm xúc của học trò được chút nào hay chút đó. Có thể chúng ta không giúp được các em nhưng được quan tâm, được lắng nghe có khi với các em cũng đã là một sự an ủi", cô giáo chia sẻ.

Nhiều giáo viên chia sẻ, khi dạy học online, họ không ít lần chứng kiến cảnh người chăm sóc la mắng, chì chiết, thậm chí đánh đập trẻ. Đây thật sự là một khó khăn với giáo viên, bởi nhiều vấn đề không dễ dàng can thiệp. Giáo viên nào quan tâm sẽ tiếp cận với học trò, trao đổi, nhắc nhở phụ huynh...

Cô Huỳnh Thanh Phương, giáo viên Trường tiểu học Liên Minh Công Nông, huyện Củ Chi (TPHCM) chia sẻ, cô luôn nhắc bản thân trước khi trách phạt học sinh hãy hiểu về hoàn cảnh của các em. Nhất là khi học online, vấn đề này thường bị bỏ quên.

Có rất nhiều hoàn cảnh học trò bị che khuất mà giáo viên phải tìm hiểu thì may ra mới biết phần nào. Bố mẹ thất nghiệp, có em bị gửi về quê cho người thân, nhiều học trò đang sống trong bạo lực...

Cô đã từng nhìn thấy cảnh học trò bị người chăm sóc đánh đập khi đang học. Cô từng đề nghị người chăm sóc không dùng đòn roi với trẻ, không can thiệp vào việc học của trẻ, để cô trò tự làm việc với nhau. Còn với trẻ, cô chia sẻ, động viên, trò chuyện nhiều hơn...

Tuy nhiên, cô cũng thừa nhận nhiều trường hợp mình không thể "với tay" đến được, mình không nắm hết được, hoặc có khi biết được phần nào nhưng không dễ can thiệp. Nhưng điều mọi giáo viên có thể làm là quan tâm, ngọt ngào, nhẹ nhàng hơn với học trò... Chí ít, không để các em bị "bỏ rơi" về cảm xúc thêm một lần nữa, các em tìm thấy một điểm tựa, một điểm chia sẻ.

Quan tâm đến đời sống tinh thần học trò 

Nhắc lại câu chuyện đau lòng của bé N.T.V.A, - cô học trò bị người tình của bố bạo hành dã man đến chết - ngày học cuối cùng , ngay trước giờ xảy ra vụ án, em vẫn vào lớp học bình thường. Ngày hôm đó, nhiều người nghe tiếng người lớn la hét, chửi bới từ phòng học của em nhưng chỉ nghĩ là tiếng... mắng con thông thường.

Sau vụ bé gái bị "mẹ kế" bạo hành, cô giáo hoảng nghe tiếng học trò khóc - Ảnh 2.

Cô học trò V.A bị bạo hành tử vong ngay sau giờ học online.

Khi xảy ra sự việc, nhà trường và giáo viên đều vô cùng sửng sốt, bất ngờ. Thời gian dài trước khi mất, em bị đánh đập, bạo hành nhưng đau lòng thay, không một ai phát hiện ra những bất ổn của em.

Đứa trẻ bị chính người sống chung nhà bạo hành đến mất mạng cũng là lời cảnh tỉnh cho cả ngành giáo dục, đến các trường học, mỗi giáo viên. Bên cạnh bài học về những con số, chữ viết, có điều quan trọng hơn chính là tinh thần, tâm lý của học trò.

Cô Lê Thị Thu, quản lý tại một trường học ở TPHCM bày tỏ, việc nhà trường cần phải làm là nắm hoàn cảnh của học sinh thông qua hồ sơ đầu vào. Trong đó, chú ý đến những em có hoàn cảnh đặc biệt như bố mẹ ly hôn, mồ côi, sống với người thân, gia cảnh khó khăn, có các vấn đề sức khỏe, tâm lý... Với những trường hợp này, thông qua giáo viên, bộ phận tâm lý cần để ý và quan tâm hơn.

Nhà trường cần có những kênh tương tác, kết nối, trao đổi thường xuyên với phụ huynh không chỉ để trao đổi về việc học tập.

Theo bà, trong bất cứ công việc, hoạt động nào cũng cần có thời gian "khởi động" để đo nhiệt độ. Mỗi giáo viên, trước khi bài học, hãy dành vài phút để nắm bắt tâm tư, cảm xúc của các em. Việc này không cần phải chờ quy định, hướng dẫn nào hết mà nằm ở trái tim, tấm lòng của người thầy.

"Để học trò xảy ra chuyện mà mình không biết, hoặc biết mà không làm gì để can thiệp, hỗ trợ... thì chúng ta sẽ phải day dứt", cô Thu nói.

Về vấn đề này, theo ThS Nguyễn Thúy Uyên Phương, Chủ tịch Hội đồng Trường Mầm non - Tiểu học ICS, có những việc cần làm ngay, cần sự góp sức của tất cả các chủ thể trong giáo dục.

Giáo viên khi dạy online hãy dành ít thời gian đầu giờ check-in cảm xúc, cập nhật tình hình sức khỏe thể chất, tinh thần với học sinh của mình. Giáo viên cần nhớ, không phải cha mẹ nào cũng là "từ mẫu". Với nhiều đứa trẻ, thầy cô và trường học mới là vòng tay bao bọc giữ cho con không đơn độc. Học online và không được đến trường là một thiệt thòi lớn với những trẻ em như vậy.

Sau vụ bé gái bị "mẹ kế" bạo hành, cô giáo hoảng nghe tiếng học trò khóc - Ảnh 3.

Các chủ thể trong giáo dục từ Bộ, trường, giáo viên, phụ huynh cần quan tâm hơn đến tâm lý, tinh thần của học trò (Ảnh minh họa).

Về phía trường học, nếu có thể, hãy giảm sĩ số lớp học online. Lớp 40 - 50 em, chỉ chạy theo kiểm soát "tiến độ chương trình" thì giáo viên không kịp thở chứ chưa nói đến việc lắng nghe học sinh.

Phía Bộ GD-ĐT, theo bà Phương, xin hãy đưa sức khỏe tinh thần của học sinh thành một vấn đề cần quan tâm hàng đầu, nhất là trong giai đoạn học online.

Còn phía phụ huynh, nhà giáo dục này nhấn mạnh, bố mẹ đừng chỉ chăm chăm đếm số giờ học online với giờ đến trường trước đây. Đừng chỉ đếm giờ Toán giờ tiếng Anh trong thời khóa biểu. Hãy xem con mình có giờ nào được ngồi buôn chuyện với cô với bạn mà không học gì cả hay không. Nếu thời khóa biểu của con mà không thấy giờ nào như thế mới là điều đáng để lo lắng.