Xét tuyển chứng chỉ IELTS gây tranh cãi: Trường đại học lý giải ra sao?

Tào Nga Thứ sáu, ngày 14/01/2022 12:00 PM (GMT+7)
Hàng loạt trường đưa chứng chỉ IELTS vào xét tuyển khiến mùa tuyển sinh năm 2022 càng trở nên nóng hơn.
Bình luận 0

Nhiều trường công bố phương thức tuyển sinh

Đến thời điểm hiện tại, đã có nhiều trường công bố phương án tuyển sinh năm 2022. Với phương thức xét tuyển chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế, các trường có thể kết hợp chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế với điểm thi, kết quả học tập để xét tuyển hoặc cho phép thí sinh quy đổi điểm IELTS sang điểm Tiếng Anh trong tổ hợp 3 môn.

Theo dự kiến phương án tuyển sinh đại học chính quy năm 2022 của trường ĐH Kinh tế Quốc dân sẽ dành 10-15% trong số 6.100 chỉ tiêu để xét tuyển kết hợp chứng chỉ tiếng Anh quốc tế với điểm bài thi Đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia Hà Nội hoặc ĐH Quốc gia TP.HCM.

Thí sinh cần có chứng chỉ tiếng Anh quốc tế trong thời hạn 2 năm tính đến ngày 1/6, đạt IELTS 5.5, TOEFL ITP 500, TOEFL iBT 46 hoặc TOEIC (4 kỹ năng L&R 785, S 160 & W 150) trở lên.

Xét tuyển đại học theo phương thức chứng chỉ IELTS gây tranh cãi vì... thí sinh ở quê thiệt thòi - Ảnh 1.

Bảng quy đổi điểm chứng chỉ tiếng Anh quốc tế. Ảnh chụp màn hình

ĐH Ngoại thương đưa ra phương thức xét tuyển kết hợp giữa chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế và học bạ dành cho thí sinh hệ chuyên và không chuyên hoặc kết hợp chứng chỉ ngoại ngữ với SAT, ACT, A-Level. Trường cũng xét tuyển kết hợp giữa chứng chỉ ngoại ngữ và kết quả thi tốt nghiệp THPT. Hai phương thức này chỉ áp dụng cho các chương trình dạy bằng tiếng Anh và Ngôn ngữ thương mại.

ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM ưu tiên xét tuyển thẳng đối với thí sinh có chứng chỉ IELTS quốc tế 6.0 trở lên vào ngành Sư phạm Tiếng Anh và Ngôn ngữ Anh tới 30% chỉ tiêu của ngành.

ĐH Thủy lợi dự kiến xét tuyển thẳng thí sinh có học lực năm lớp 12 đạt loại khá và có chứng chỉ tiếng Anh từ 5.0 trở lên.

Thí sinh muốn vào ĐH Bách khoa Hà Nội thì có chứng chỉ IELTS (academic) quốc tế 6.0 trở lên (hoặc tương đương) được đăng ký xét tuyển tài năng vào các ngành Ngôn ngữ Anh, Kinh tế - Quản lý theo hình thức xét tuyển kết quả, thành tích học tập phổ thông kết hợp phỏng vấn.

Ngoài ra, thí sinh có chứng chỉ IELTS (academic) 5.0 trở lên có thể sử dụng để quy đổi điểm tiếng Anh để xét tuyển các tổ hợp A01, D01, D07 và các tổ hợp xét tuyển theo kỳ thi Đánh giá tư duy (thông qua hệ thống quy đổi của trường).

Các trường đại học nói gì?

Việc nhiều trường đưa chứng chỉ IELTS vào xét tuyển sẽ giúp thí sinh có thêm sự lựa chọn tuy nhiên, một số thí sinh cảm thấy lo lắng vì mùa tuyển sinh năm nay hứa hẹn nhiều sự cạnh tranh. Các chỉ tiêu được chia nhỏ theo từng phương thức khiến cơ hội vào trường càng trở nên khó khăn hơn. Đặc biệt, phương thức xét tuyển đại học bằng chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế nhiều người chi rằng chỉ dành cho thí sinh thành phố, có điều kiện kinh tế hơn.

Xét tuyển đại học theo phương thức chứng chỉ IELTS gây tranh cãi vì... thí sinh ở quê thiệt thòi - Ảnh 2.

TS Vũ Thị Hiền, Trưởng phòng Quản lý đào tạo, Trường ĐH Ngoại thương. Ảnh: Tào Nga

Liên quan đến vấn đề này, trao đổi với PV báo Dân Việt, TS Vũ Thị Hiền, trưởng phòng Quản lý đào tạo, Trường ĐH Ngoại thương cho hay: "IELTS là một cách thức để đánh giá năng lực tiếng Anh của sinh viên. Lựa chọn IELTS thì sinh viên có thêm cơ hội thể hiện năng lực tiếng Anh của mình.

Từ phía nhà trường có nhiều phương thức lựa chọn sinh viên. Tuy nhiên nhà trường vẫn phải xét IELTS với các tiêu chí năng lực khác chứ không phải đây là tiêu chí duy nhất đủ. Ví dụ ở trường Đại học Ngoại thương, xét vào chương trình tiên tiến và chất lượng cao thì tiêu chuẩn tiếng Anh đầu vào là điều bắt buộc. Thí sinh sẽ dùng tiếng Anh bằng IELTS hoặc điểm thi tốt nghiệp THPT để xét tuyển".

Về vấn đề tranh cãi xét tuyển bằng IELTS liệu có gây thiệt thòi cho thí sinh ở khu vực nông thôn, TS Hiền cho rằng: "Việc tích lũy chứng chỉ IELTS thì đúng là không phải ai cũng dễ dàng đạt được. Tuy nhiên mỗi phương thức có chỉ tiêu riêng. Không phải bạn nào có chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế sẽ lấy đi hết cơ hội của các bạn khác. Mỗi phương thức có chỉ tiêu riêng và các bạn phải tự cạnh tranh nhau. Và những thí sinh khác vẫn còn những cơ hội vào ngành học mình mong muốn với phương thức khác như xét điểm thi tốt nghiệp THPT, xét điểm thi Đánh giá năng lực...".

TS. Hoàng Văn Quynh, Phó trưởng phòng Đào tạo, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia Hà Nội chia sẻ: "Khi có chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế, thí sinh sẽ hưởng lợi không phải lo cạnh tranh điểm thi tốt nghiệp THPT. Còn với nhà trường cũng tuyển được thí sinh có chất lượng đầu vào cao, công tác đào tạo sau này tốt hơn". Theo TS. Quynh, năm 2022, trường dự kiến sẽ dành 15-20% chỉ tiêu cho tất cả các khoa.

Xét tuyển đại học theo phương thức chứng chỉ IELTS gây tranh cãi vì... thí sinh ở quê thiệt thòi - Ảnh 3.

TS Hoàng Văn Quynh. Ảnh: USSH

TS Quynh cho rằng, nhà trường chỉ lấy số lượng thí sinh ở một mức nhất định nên không ảnh hưởng đến các phương thức khác. Nếu thí sinh có điểm thi tốt nghiệp THPT cao vẫn nhiều cơ hội trúng tuyển. Năm nay trường dự kiến phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT 50-55% và xét tuyển theo tiêu chí riêng của Đại học Quốc gia Hà Nội (bao gồm điểm thi Đánh giá năng lực và thí sinh học trường Chuyên từ Hà Tĩnh trở ra) là 10-15%.

Tuy nhiên, TS Quynh cũng cho biết, mặc dù chất lượng tốt nhưng phương thức xét tuyển bằng chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế có bất cập là số lượng thí sinh ảo rất nhiều. TS Quynh lý giải: "Một thí sinh đăng ký rất nhiều trường với chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế sau đó lựa chọn học ở trường yêu thích. Vì vậy có năm trường không tuyển sinh đủ chỉ tiêu đề ra".

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem