Tình trạng ùn ứ nông sản ở các cửa khẩu biên giới Việt Nam - Trung Quốc, đã được Chính phủ chỉ đạo các Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNN), Bộ GTVT... cùng các đơn vị liên quan phối hợp vào cuộc tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn, điều chuyển hàng hóa bằng đường bộ sang đường biển cho doanh nghiệp.
Chiều ngày 14/1, trao đổi với PV Dân Việt về giải pháp tháo gỡ khó khăn cho hàng hóa nông sản bị ùn ứ sang Trung Quốc, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Xuân Sang cho biết: "Đến nay, Bộ GTVT đã phối hợp và họp với các Bộ, các đơn vị liên quan để tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn cho hàng hóa bị ùn ứ sang Trung Quốc".
Thứ trưởng Sang cho biết: "Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có thư gửi và đã làm việc với Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam để thống nhất phương án cho hàng hóa thông quan. Đặc biệt, sau cuộc điện đàm giữa Thủ tướng hai nước vào ngày 13/1, hàng hóa chính thức được thống nhất thông quan qua các cửa khẩu, do đó, hàng hóa sẽ không phải chuyển hướng sang vận tải biển, hay đường sắt nữa".
Cũng theo Thứ trưởng Sang, hiện cũng có một số container hàng hóa được chuyển sang vận tải biển, tuy nhiên, để hàng hóa đi theo đường biển cũng rất khó khăn vì cần có thời gian làm thủ tục.
Khi được hỏi về lâu dài, Bộ GTVT có giải pháp hay kế hoạch để vận chuyển hàng hóa nông sản bằng đường biển, đường sắt? Thứ trưởng Sang khẳng định: "Hiện nay, hàng hóa nông sản đều đang được vận chuyển song song giữa đường biển và đường bộ, chứ không phải là chưa vận chuyển bằng đường biển".
Lấy dẫn chứng cụ thể về hàng hóa thông qua đường biển, Thứ trưởng Sang cho hay: "Theo thống kê của Cục Trồng trọt - Bộ NNPTNN và Bộ GTVT thì sản lượng hàng hóa nông sản thông qua đường biển đạt 30%, đây là con số khá ấn tượng về vận tải đường biển".
Hiện nay, Cục Hàng hải Việt Nam (Bộ GTVT) cũng đã vào cuộc tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn, điều chuyển hàng hóa bằng đường bộ sang đường biển cho doanh nghiệp.
Việc vận tải hàng hóa nông sản, hoa quả từ Việt Nam sang Trung Quốc được thực hiện theo hai phương thức chính: Vận tải đường biển đối với thị trường phía Bắc Trung Quốc (tuyến xa) và vận tải đường bộ đối với thị trường phía Nam Trung Quốc (tuyến ngắn, gần biên giới đường bộ của Việt Nam).
Tuy nhiên, để đẩy mạnh chuyển đổi phương thức vận chuyển hàng nông sản từ đường bộ sang đường biển cần phải điều chỉnh được việc xuất khẩu hàng hóa sang Trung Quốc theo đường chính ngạch để tránh rủi ro về mặt chính sách.
Để tiếp tục có giải pháp hỗ trợ khó khăn cho doanh nghiệp vận tải hàng hóa nông sản xuất khẩu sang Trung Quốc, Cục Hàng hải Việt nam sẽ phối hợp với Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) triển khai 4 giải pháp chính.
Trong đó, cơ quan quản lý sẽ phối hợp với Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam làm việc với các doanh nghiệp xuất nhập khẩu nông sản, các chủ doanh nghiệp vừa và nhỏ liên kết tạo nguồn hàng đủ lớn để ký hợp đồng vận tải dài hạn trực tiếp với hãng tàu.
Cục Hàng hải Việt Nam cũng phối hợp, làm việc với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Hiệp hội, chủ hàng một số địa phương để xác định chính xác những khó khăn, đưa ra giải pháp đúng và trúng xử lý vấn đề. Quá trình dịch chuyển hàng hóa nông sản xuất khẩu sang Trung Quốc qua các cảng biển bằng tàu biển rất cần sự đồng hành của Tổng cục Hải quan và các bộ, ngành liên quan để đạt được hiệu quả cao nhất.
Ngày 13/1, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã điện đàm với Thủ tướng Quốc vụ viện nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa Lý Khắc Cường nhân dịp kỷ niệm 72 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Trung Quốc.
Về vấn đề ách tắc hàng hóa tại cửa khẩu biên giới, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, hai bên cần phối hợp chặt chẽ và áp dụng các biện pháp hiệu quả, quyết liệt để tiếp tục giải quyết tình trạng này.
Đồng thời, bảo đảm giao thương thông suốt nhằm duy trì ổn định chuỗi cung ứng, chuỗi sản xuất giữa hai nước cũng như trong khu vực, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán, để nhân dân và doanh nghiệp hai nước đón Tết ấm no, hạnh phúc.
Thủ tướng cũng đề nghị Trung Quốc tiếp tục mở rộng nhập khẩu hàng hóa và đẩy nhanh mở cửa thị trường đối với một số loại nông sản, hoa quả của Việt Nam và nhấn mạnh Việt Nam đang quyết liệt thực hiện phương châm "an toàn để xuất khẩu, xuất khẩu phải an toàn".