Dân Việt

Kim ngạch thương mại Trung Quốc vượt 6.000 tỷ USD, ASEAN tiếp tục là đối tác số 1

P.V 15/01/2022 06:47 GMT+7
Theo số liệu vừa công bố hôm 14/1, năm 2021 kim ngạch xuất nhập khẩu của Trung Quốc lần đầu tiên vượt 6.000 tỷ USD.

Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ là 3 đối tác thương mại lớn nhất của nước này, trong khi Việt Nam tiếp tục là đối tác lớn nhất của Trung Quốc ở ASEAN.

Số liệu của Tổng cục Hải quan Trung Quốc cho thấy, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của nước này đã đạt 6.050 tỷ USD trong năm 2021. Chỉ trong 1 năm, con số này đã lần đầu tiên vượt cả hai mốc là 5.000 và 6.000 tỷ USD, 8 năm sau khi đạt 4.000 tỷ vào năm 2013.

Tính theo nhân dân tệ, xuất nhập khẩu hàng hóa của Trung Quốc tăng 21,4% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó xuất khẩu tăng 21,2% và nhập khẩu tăng 21,5%.

Kim ngạch thương mại Trung Quốc vượt 6.000 tỷ USD, ASEAN tiếp tục là đối tác số 1 - Ảnh 1.

Ảnh minh hoạ - Reuters.

Thương mại với các đối tác chủ chốt duy trì mức tăng đáng kể. Trong đó, ASEAN năm thứ 2 liên tiếp là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc, với tổng kim ngạch đạt hơn 878 tỷ USD, tăng 19,7% nếu tính bằng đồng nhân dân tệ.

Thương mại giữa Trung Quốc với EU và Mỹ, đối tác lớn thứ 2 và thứ 3, cũng lần lượt tăng 19,1% và 20,2%. Thương mại với các nước tham gia Sáng kiến “Vành đai và Con đường” (BRI) tăng mạnh 23,6%.

Năm 2021, xuất nhập khẩu tính theo đồng nhân dân tệ của Trung Quốc sang 14 quốc gia thành viên của Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) tăng 18,1% so với cùng kỳ, chiếm 30,9% tổng kim ngạch thương mại của nước này.

Số liệu của Tổng cục Hải quan Trung Quốc còn cho thấy, Việt Nam tiếp tục duy trì vị trí số 1 về trao đổi thương mại với Trung Quốc trong các nước ASEAN và thứ 6 toàn cầu, sau Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đức và Australia, với tổng kim ngạch mậu dịch hai chiều đạt 230,2 tỷ, tăng 19,7% nếu tính theo đồng USD và 12% khi tính bằng đồng nhân dân tệ.

Nhận định về thương mại Trung Quốc năm 2022, ông Lý Khôi Văn, người phát ngôn Tổng cục Hải quan (GAC) nước này, cho biết thương mại Trung Quốc vẫn phải đối mặt với nhiều yếu tố không xác định, không ổn định và mất cân đối.

“Tình hình dịch bệnh toàn cầu vẫn nghiêm trọng, môi trường bên ngoài ngày càng phức tạp, trầm trọng và bất định, nhu cầu quốc tế phục hồi chậm lại. Cộng thêm yếu tố cơ số ngoại thương năm 2021 đang ở mức khá cao, do vậy hoạt động ngoại thương năm 2022 sẽ gặp áp lực nhất định” - ông Lý Khôi Văn nói.

Điều này cho thấy, lợi thế của Trung Quốc trong việc dẫn đầu phục hồi kinh tế toàn cầu có thể bị suy yếu, nhưng ông Lý Khôi Văn cũng lưu ý rằng khả năng phục hồi và nền tảng kinh tế vững chắc của nước này về lâu dài sẽ không thay đổi, do đó sẽ tạo cơ sở mạnh mẽ thúc đẩy thương mại Trung Quốc phát triển ổn định.