Trao đổi với phóng viên DANVIET.VN, anh Chía kể: Năm 2019, tôi mua 1 tấn sả Java từ Trung Quốc qua cửa khẩu A Pa Chải về trồng. Đến nay, tôi đã trồng được 2 ha sả Java. Mục đích là trồng sả Java để lấy tinh dầu xuất bán sang Trung Quốc.
Theo anh Chía, bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò bắt đầu xảy ra tại bản Lốm Khiêu vào khoảng tháng 5, 6 năm 2021. Trước đó, em trai anh Chía bị nổi mẩn ngứa khắp người, chảy mủ.
Sau khi đưa em đi chữa tại bệnh viện về cũng không khỏi, anh Chía dùng một ít tinh dầu sả Java do gia đình chiết xuất chấm thử vào da em trai. Thật bất ngờ, sáng hôm sau dậy kiểm tra, mẩn ngứa trên da em trai khổ hẳn và không còn chảy mủ. Vết thương bắt đầu lành và sau đó khỏi hẳn.
Tháng 6 năm 2021, 7 con bò của gia đình anh Chía bị viêm da nổi cục. "Cục u, nhọt nổi dày đặc trên da khiến đàn bò không thể đứng lên được. Bố mẹ tôi vô cùng lo lắng, bởi đây là tài sản lớn nhất trong gia đình", anh Chía nói.
Nhận thấy chữa được viêm da cho người nên anh Chía dùng thử tinh dầu sả Java bôi lên các u cục ở da đàn bò. Cũng thật bất ngờ, các u cục trên trên da dần dần biến mất, đàn bò bắt đầu đi được và ăn cỏ. Anh Chía tiếp tục bôi thêm tinh dầu sả Java lên da cho đàn bò. Sau đó vài ngày, bệnh viêm da nổi cục trên đàn bỏ khỏi hoàn toàn.
Phấn khởi chia sẻ với DANVIET.VN, anh Vừ A Tùng - Trưởng bản Lốm Khiêu và anh Vừ A Cho - Chi Hội trưởng Chi Hội Nông dân – Thú y bản Lốm Khiêu, bảo: Nghe tin bệnh viêm da nổi cục của gia đình anh Chía được chữa khỏi hoàn toàn nhờ tinh dầu sả Java, chúng tôi bảo vợ đi lấy một lọ về bôi thử cho đàn bò của gia đình. Hiệu quả rất bất ngờ. Những u cục bé chỉ cần bôi một ngày là khỏi hoàn toàn; đối với những u cục to thì bôi 2 – 3 ngày là khỏi.
"Nhờ tinh dầu sả Java của anh Chía cung cấp, gần 100 con bò của bản Lốm Khiêu không chết con nào", A Cho hồ hởi.
Thông tin thêm với DANVIET.VN, anh Chía cho biết: Năm 2019, sau khi ra quân nghĩa vụ công an, trong lúc đang loay hoay tìm cây con giống để phát triển kinh tế thì tôi được một vài bạn mách nước trồng sả Java chiết xuất tinh dầu để nâng cao thu nhập. Sau khi tìm hiểu, thấy sả Java phù hợp điều kiện thổ nhưỡng ở Lốm Khiêu nên tôi mua ngay giống về trồng.
Cũng theo anh Chía, sả Java là loại cây ưa nắng nóng, rất phù hợp với đất dốc, đất khô cằn không có nước như ở Lốm Khiêu.
Trồng loại cây này chi phí bỏ ra thấp. Từ lúc trồng đến lúc thu hoạch mất khoảng 45 ngày. Sau đó 45 ngày tiếp theo lại cho thu hoạch lứa tiếp theo.
Một năm cho thu hoạch 4 vụ, mỗi vụ thu hoạch khoảng 1 tấn nguyên liệu. Nếu đất tốt, sả Java cho thu hoạch trong 5 năm mới phải trồng lại. Hiệu quả hơn trồng ngô, sắn rất nhiều.
Bình quân một năm, gia đình anh Chía chiết xuất được 100 lít tinh dầu sả Java. Với giá bán 1 lít dao động từ 700.000 đồng đến 1 triệu đồng, một năm, anh Chía thu nhập trên 50 triệu đồng.
Những năm trước dịch Covid-19 không phức tạp thì anh Chía xuất bán tinh dầu xả sang Trung Quốc nên thu nhập cao hơn. Tuy nhiên, năm nay, do dịch Covid-19 phức tạp, anh Chía chỉ xuất bán trên địa bàn huyện Quỳnh Nhai và tỉnh Sơn La.
Anh Chía chia sẻ: Mặc dù chưa được cơ quan chuyên môn kiểm nghiệm, song hiệu quả bước đầu của việc dùng tinh dầu sả Java trong điều trị bệnh viêm da nổi cục sẽ giúp bà con bản Lốm Khiêu yên tâm phát triển chăn nuôi đại gia súc.
Bên cạnh đó, đối với vùng đất khô cằn như Lốm Khiêu, trồng sả Java cũng là một hướng đi giúp bà con đồng bào Mông nơi đây nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững.
Anh Chía cũng mong muốn, các ngành chức năng, nhà khoa học vào cuộc nghiên cứu, đánh giá tác dụng của loại tinh dầu này với việc điều trị bệnh viêm da nổi cục cho trâu bò để từ đó có thể khuyến cáo người dân, kết hợp với biện pháp tiêm vaccine sẽ đẩy lùi dịch bệnh.